
Quang Linh Vlogs, hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục cùng livestream quảng cáo kẹo Kera - Ảnh: T.L.
Thậm chí có người bị vướng vào những rắc rối pháp lý như trường hợp vừa qua. Vậy người nổi tiếng, KOL, nghệ sĩ... cần lưu ý gì khi nhận livestream, quảng cáo sản phẩm?
Cần hiểu rõ sản phẩm mà mình quảng cáo
Theo luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) hiện nay để tăng sức mua sản phẩm, hàng hóa thì nhà sản xuất thường thuê các nghệ sĩ, các KOL để quảng cáo. Tuy nhiên để tránh vướng vào lao lý, các nghệ sĩ phải nắm rõ các quy định pháp luật về quảng cáo và chế tài nếu vi phạm.
Thứ nhất là quy định về sản phẩm, dịch vụ bị cấm quảng cáo và hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo thể hiện tại điều 7, điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012.
Có 16 hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, trong đó có hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố...
Hành vi quảng cáo sai sự thật tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính đến 80 triệu đồng theo khoản 5 điều 34 nghị định 38/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Hoặc có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối hoặc tội lừa dối khách hàng.
Do đó người quảng cáo sản phẩm cần hiểu rõ về sản phẩm mà mình quảng cáo, và có những điều khoản cụ thể trong hợp đồng để loại trừ trách nhiệm khi nhà sản xuất cố tình che giấu, không cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm quảng cáo.
Tỉnh táo trước những lời mời hợp tác quảng cáo
Tương tự, luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng vụ việc Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố về hành vi lừa dối khách hàng không chỉ là bước đi mạnh mẽ của cơ quan chức năng nhằm bảo vệ người tiêu dùng, mà còn là lời cảnh tỉnh đối với giới nghệ sĩ, người nổi tiếng về giới hạn của sức ảnh hưởng cá nhân trong các hoạt động thương mại.
Trước đây, không ít nghệ sĩ từng tham gia quảng bá những sản phẩm không đúng với công dụng thực tế, gây ngộ nhận hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở các biện pháp xử phạt hành chính.
Lần này, việc khởi tố hình sự là một bước ngoặt quan trọng - thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thực thi pháp luật rằng: đã đến lúc cần xử lý nghiêm minh hơn với hành vi quảng cáo sai sự thật, đặc biệt khi hành vi đó xuất phát từ những cá nhân có ảnh hưởng rộng trong xã hội.
Theo Luật Quảng cáo năm 2012, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản pháp luật có liên quan, việc truyền đạt thông tin sai lệch, gây hiểu nhầm về công dụng, thành phần, hiệu quả của sản phẩm là hành vi bị nghiêm cấm. Trường hợp có yếu tố gian dối nhằm trục lợi, cá nhân thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "lừa dối khách hàng".
Người nổi tiếng, dù không trực tiếp sản xuất hay phân phối sản phẩm, nhưng nếu sử dụng danh tiếng để lan truyền thông tin sai lệch, họ vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm pháp lý tùy theo mức độ sai phạm.
Từ sự việc này, nghệ sĩ và người có ảnh hưởng cần nhìn nhận lại vai trò và trách nhiệm của mình trong các chiến dịch quảng cáo thương mại. Sức lan tỏa từ một phát ngôn, một hình ảnh hay một lời bảo chứng của họ không đơn thuần là truyền thông, mà có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi tiêu dùng, sức khỏe và quyền lợi của hàng triệu người. Để tránh rơi vào sai lầm, cần lưu tâm các vấn đề sau:
Thứ nhất, lựa chọn đối tác phải đi kèm sự tỉnh táo và kiểm chứng. Trước khi nhận lời hợp tác, nghệ sĩ cần yêu cầu hồ sơ pháp lý đầy đủ về sản phẩm - bao gồm giấy phép lưu hành, kết quả kiểm nghiệm, công bố thành phần… Không nên đặt niềm tin hoàn toàn vào thông tin từ phía nhãn hàng, mà cần tự mình hoặc thông qua ê kíp rà soát kỹ lưỡng trước khi đưa sản phẩm đến công chúng.
Thứ hai, nội dung quảng cáo phải trung thực và đúng bản chất sản phẩm. Những cụm từ như "thần dược", "hiệu quả tức thì", "thay thế hoàn toàn"… cần được loại bỏ nếu không có cơ sở khoa học vững chắc.
Thứ ba, hợp đồng quảng cáo cần rõ ràng về trách nhiệm pháp lý. Ngoài thù lao, hợp đồng cần thể hiện rõ trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác từ phía nhãn hàng, cũng như các điều khoản xử lý khi xảy ra khiếu nại hoặc sự cố.
Thứ tư, nếu có sự cố xảy ra, thái độ ứng xử là yếu tố quyết định. Người nổi tiếng cần minh bạch, cầu thị, không né tránh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận