19/07/2016 09:57 GMT+7

Từ vụ Formosa, phải thay đổi trong đánh giá môi trường

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Điểm bất cập chính là quy định đánh giá tác động môi trường ngay từ khi mới có ý tưởng, đề xuất dự án để làm căn cứ xét duyệt đầu tư, cấp giấy phép đầu tư.

Công nhân Formosa phải cắt bỏ đường ống xả lắp đặt trái phép

“Qua vụ việc Formosa, có thể thấy báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mang tính chất chung chung quá” - Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết như vậy tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của bộ này tổ chức ngày 18-7. Bộ trưởng Trần Hồng Hà còn khẳng định đây là điểm bất cập trong pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, điểm bất cập chính là quy định đánh giá tác động môi trường ngay từ khi mới có ý tưởng, đề xuất dự án để làm căn cứ xét duyệt đầu tư, cấp giấy phép đầu tư. Ông Hà nói việc quy định và thực hiện như vậy là không khả thi.

“Đánh giá tác động môi trường hiện nay như hình thức để các doanh nghiệp được đầu tư. Cái này chúng tôi nhận thức sâu sắc nên đề nghị cho phép xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn xem xét cấp giấy phép xây dựng. Khi đó dự án mới có thiết kế cơ sở, mới có căn cứ để đánh giá tác động môi trường” - ông Hà kiến nghị.

ĐTM: chung chung và hình thức

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Đặng Huy Huỳnh, phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường VN, cho biết từ bài học về môi trường của Formosa, cần phải có những thay đổi trong đánh giá môi trường.

“Khi trình dự án ra hội đồng thẩm định ĐTM thì mọi thứ đều phải rất chi tiết, rất đầy đủ. Tuy nhiên, nếu ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, các số liệu, dữ liệu về dự án còn rất chung chung, công nghệ cũng chung chung, khi đó cũng chưa có các thiết kế cơ sở của nhà máy thì không thể đánh giá hết tác động môi trường” - ông Huỳnh cho hay.

Tương tự, ông Nguyễn Khắc Kinh, chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường VN, cũng cho rằng bất cập cần phải sửa ngay trong Luật bảo vệ môi trường năm 2015 chính là quy định “quyết định phê duyệt ĐTM là căn cứ quyết định chủ trương đầu tư dự án”.

“Chủ trương đầu tư đâu có gì để lập đánh giá tác động môi trường và cũng không có cơ sở để dự báo hết những tác động môi trường cho thẩm định” - ông Kinh phân tích.

Theo ông Kinh, ĐTM cần phải hiểu đúng là dự báo những vấn đề về môi trường. “80% ý nghĩa của ĐTM là chọn địa điểm cho thích hợp. Vì ĐTM chính là đánh giá tác động và sức chịu tải của môi trường.

Theo thông lệ quốc tế thì việc dự báo môi trường có nhiều giai đoạn. Khi thông tin còn sơ bộ thì thực hiện đánh giá môi trường sơ bộ. Khi lựa chọn địa điểm, thực hiện các bước, đi vào nghiên cứu khả thi và nội dung dự án rõ ràng hơn thì thực hiện đánh giá môi trường chi tiết” - ông Kinh nói.

Như vậy, hiệu quả nhất vẫn là thực hiện đánh giá môi trường theo nhiều giai đoạn khác nhau và ĐTM phải đi theo cả chu trình của dự án.

“Không thể theo cách phê duyệt ĐTM để phê duyệt chủ trương đầu tư. ĐTM phải theo suốt, từ đánh giá sơ bộ đến đánh giá môi trường chi tiết và chỉ kết thúc khi đã quyết định đầu tư” - ông Kinh phân tích.

Hậu kiểm: cần có cơ chế phối hợp rộng

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng vấn đề năng lực thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm như vừa qua cũng là bất cập.

“Chúng tôi cho rằng nếu làm theo cách cũ thì không bao giờ triển khai được với những dự án như Nhà máy giấy Lee & Man, Formosa. Thực tế khi vào thanh tra Formosa vừa qua, cả trăm nhà khoa học làm việc nhưng phải tới hơn một tháng mới đưa ra được kết quả, mới mô tả được nhà máy theo quy trình công nghệ ra sao, rồi mới phát hiện được sai phạm” - ông Hà nêu.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cũng thừa nhận trong tình hình vấn đề môi trường rất nóng như hiện nay, năng lực ứng phó, xử lý, phòng ngừa và quản lý nhà nước để đảm bảo phát triển bền vững còn bất cập so với yêu cầu đặt ra.

“Đối với vụ việc cá chết ở miền Trung, vụ việc vi phạm của Formosa, lúc đầu đúng là có sự lúng túng, phối hợp chưa nhịp nhàng. Tổng cục Môi trường rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc để sau này khắc phục những tồn tại và hướng tới hoàn thiện hơn trong công tác quản lý” - ông Tài nói.

Theo ông Tài, với những sự cố môi trường lớn chưa từng có như vụ Formosa, năng lực của các cơ quan trung ương, địa phương và các đơn vị liên quan đều chưa đáp ứng yêu cầu.

“Vấn đề môi trường ở địa phương như vụ xả thải ra sông Bưởi, vụ vi phạm của Formosa, để xử lý cần phải có cơ chế phối hợp rộng cả trung ương và địa phương trong ứng phó cũng như xử lý. Ví như khi có vấn đề xảy ra, địa phương vào giải quyết, nếu quá thẩm quyền và quá khả năng thì Bộ TN-MT vào, bộ quá khả năng thì liên bộ, đồng huy động các nhà khoa học cùng tham gia” - ông Tài nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị: “Trong thanh tra tới đây cần có cơ chế để có nguồn tài chính huy động các lực lượng, mời các nhà khoa học cùng tham gia”.

*** Error ***
Một đường ống xả thải ngầm được cho là lắp đặt trái phép nối từ bên trong nhà máy Formosa ra ngoài mương thoát lũ của phường Kỳ Phương (Kỳ Anh, thị xã Hà Tĩnh) được người dân phát hiện. Chính quyền địa phương đã yêu cầu Formosa cắt bỏ và di dời đường ống này - Ảnh: Hồ Văn

Rà soát các dự án

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói: “Phải khắc phục bằng được sự chồng chéo, lấp đầy chỗ trống về pháp luật, để tất cả các vấn đề, hành vi gì trong thực tiễn đòi hỏi đều bị pháp luật điều chỉnh”.

Ông Dũng chỉ đạo Bộ TN-MT phải thực hiện ngay việc kiểm soát từ khâu đánh giá tác động môi trường của dự án, nghiệm thu công trình bảo vệ môi trường của dự án làm cơ sở cho phép dự án hoạt động.

“Chỉ cấp phép hoạt động đối với cơ sở có chất thải được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Phải xử lý nghiêm mọi vi phạm, không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Nếu cần chuyển qua cơ quan điều tra xem xét, xử lý hình sự” - ông Dũng chỉ đạo.

Đối với vụ việc Formosa, Phó thủ tướng yêu cầu ngoài việc tiếp tục giám sát thực thi các giải pháp, biện pháp thì cần sớm có đánh giá đối với môi trường biển ở bốn tỉnh miền Trung.

“Từ sự cố của Formosa, yêu cầu và bài học rút ra là phải rà soát tất cả những dự án lớn và những dự án có xả thải ra môi trường mà có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Rà soát và kiểm soát lại từ khâu đánh giá tác động môi trường, từ khâu chuẩn bị đầu tư.

Đối với những dự án đang chuẩn bị đầu tư, những dự án nào đã đánh giá rồi thì phải đánh giá, rà soát lại xem trước đây chúng ta có chủ quan không. Trong quá trình đầu tư chúng ta lại đánh giá xem những đánh giá trước đúng chưa. Với công trình đã hoàn thành thì phải kiểm tra, thanh tra, phải trả lời câu hỏi dự án nào gây ô nhiễm phải đóng cửa, dự án nào cần dừng hoạt động?” - ông Dũng yêu cầu.

Ông Trần Ngọc Tuấn (giám đốc Sở TN-MT Thái Bình):

Được về môi trường, nhưng sẽ khó cho doanh nghiệp

Nếu đến bước có thiết kế cơ sở rồi mới thực hiện, mới đánh giá tác động môi trường thì có thể khi đó sẽ có đầy đủ dữ liệu để đánh giá. Nhưng nếu báo cáo đánh giá tác động môi trường không được phê duyệt thì nhà đầu tư sẽ rất tốn kém hoặc nhà đầu tư phải thay đổi thiết kế cơ sở.

Về hiệu quả quản lý môi trường thì cách xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường ở giai đoạn có thiết kế cơ sở sẽ được về môi trường hơn, có đầy đủ các dữ liệu để xem xét. Tất nhiên khi đã phê duyệt chủ trương đầu tư rồi, đã lập dự án rồi mới xem xét đánh giá tác động môi trường thì có thể sẽ ảnh hưởng đến đầu tư.

l Ông Nguyễn Văn Khước (giám đốc Sở TN-MT Vĩnh Phúc):

Phải xem xét cả quy hoạch

Nếu xem xét đánh giá tác động môi trường ở giai đoạn đã có chủ trương đầu tư, có thiết kế cơ sở rồi thì có lẽ không sát với thực tiễn lắm. Đúng ra phải theo phương pháp đánh giá môi trường nhiều bước.

Bước một là đánh giá môi trường sơ bộ ở giai đoạn xem xét chủ trương đầu tư. Bước tiếp theo là thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết. Làm như vậy thì vấn đề quản lý môi trường rất chặt chẽ nhưng lại ảnh hưởng đến việc cải cách thủ tục hành chính. Hiện Thủ tướng đã có thông điệp rõ là không đánh đổi kinh tế mà để mất môi trường.

Tuy nhiên, ngoài xem xét đánh giá tác động môi trường thì cần phải xem xét kỹ ngay trong quy hoạch. Ví như quy hoạch các khu công nghiệp không phù hợp với những công nghệ sản xuất dệt nhuộm, hóa chất thì có thể loại ngay, không thu hút ngay từ khi nhà đầu tư đề xuất.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập nghiên cứu sinh thái và môi trường):

Tránh rơi vào “chuyện đã rồi”

Nhìn qua hệ thống văn bản luật pháp, chúng ta có thể nghĩ Việt Nam không thiếu những công cụ quản lý môi trường, nhưng thời gian qua lại có chuyện nhiều “con voi” lọt qua “lỗ kim”, gây hậu quả môi trường nghiêm trọng.

Nguyên nhân thì có nhiều, chủ yếu gom lại là các đánh giá tác động môi trường (ĐTM) kém chất lượng, phê duyệt sơ sài, nhất là tình trạng “đánh trống bỏ dùi” trong giám sát sau phê duyệt.

Các nguyên nhân sâu xa hơn bao gồm: ĐTM vẫn chỉ được xem là thủ tục làm cho có để hợp thức hóa dự án đầu tư hay thậm chí còn bị xem là lực cản hoạt động đầu tư phát triển; sự mâu thuẫn lợi ích khi luật pháp cho phép chủ đầu tư tự làm ĐTM; thiếu năng lực chuyên môn trong thẩm định; quan trọng hơn cả là “không được trái ý cấp trên” gây ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Tôi giả sử các vấn đề về ĐTM được khắc phục tốt thì chúng ta vẫn có thể bị rơi vào tình trạng đã rồi bởi còn có hai lỗ hổng rất lớn khác: thiếu hoặc ít sử dụng công cụ đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và thiếu tham vấn cộng đồng một cách có ý nghĩa.

Theo các quy định, những dự án hoặc cụm dự án khổng lồ như Formosa, cụm dự án Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh, Nhà máy giấy Lee & Man mà không phải thực hiện ĐMC là bất ổn.

Nên nhớ ĐTM chủ yếu được áp dụng cho từng dự án riêng lẻ, có tầm nhìn hạn hẹp trong vùng dự án và thời gian ngắn hơn, đặc biệt là các ĐTM riêng lẻ phải đi theo định hướng chiến lược mà ĐMC đã vạch ra.

Để có thể giúp người có trách nhiệm cấp cao đưa ra những quyết định ở tầm chiến lược, Việt Nam cần phải sửa đổi hệ thống pháp luật để áp dụng cả ĐMC và ĐTM cho các dự án, cụm dự án có tiềm năng tác động môi trường, xã hội lớn.

Về vấn đề tham vấn cộng đồng, lâu nay ở Việt Nam chủ yếu làm cho có. Chính quyền cấp xã và cộng đồng địa phương nếu không được tham vấn một cách đàng hoàng thì sẽ không thể phản hồi có ý nghĩa về tác động môi trường.

Đức Tuyên ghi

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên