13/01/2022 09:05 GMT+7

Từ vụ FLC: Án lệ ngăn 'bán chui' cổ phiếu

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Trong khi các cổ phiếu "họ FLC" tiếp tục "lau sàn", trong phiên ngày 12-1, cổ phiếu bất động sản cũng nằm sàn hàng loạt sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông báo bỏ cọc, không mua lô "đất vàng" Thủ Thiêm đã trúng đấu giá trước đó.

Từ vụ FLC: Án lệ ngăn bán chui cổ phiếu - Ảnh 1.

Trong lúc thị trường chứng khoán đảo chiều tăng điểm trở lại ở cuối phiên 12-1, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản và họ "FLC" vẫn bị rớt giá, giảm sàn - Ảnh: DUYÊN PHAN

Dù giao dịch "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết đã bị hủy, một số nhà đầu tư (NĐT) đã được trả lại tiền, nhưng nhiều NĐT khác lỡ ôm cổ phiếu "họ FLC" đang lo ngại số cổ phiếu này sẽ trở thành "giấy lộn" nếu tiếp tục "lau sàn". Nhiều chuyên gia cho rằng để bảo vệ NĐT, cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn để ngăn chặn tận gốc tình trạng "bán chui" cổ phiếu.

Cổ phiếu "họ FLC", bất động sản nằm sàn

"Mấy hôm trước còn mừng Tết năm nay bánh chưng có thịt, ai ngờ đâu giờ không thoát được hàng, tài khoản âm liên tục, xác định mất Tết" - NĐT tên Dũng chia sẻ dù đã đặt lệnh bán giá sàn nhưng không khớp, không tìm được người mua hai mã FLC (Tập đoàn FLC) đang nắm giữ.

Ngay từ khi mở đầu cho đến lúc kết thúc phiên giao dịch 12-1, toàn bộ 7 mã chứng khoán thuộc "họ FLC" đều bị giảm điểm mạnh, trong đó có 6 mã gồm FLC (Tập đoàn FLC), mã ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), ART (Chứng khoán BOS) đều giảm sàn, trắng bên mua.

Đến cuối ngày, hơn 940 triệu cổ phiếu thuộc "họ FLC" bị dư bán sàn, tức đặt bán với giá thấp nhất nhưng vẫn không có người mua. Trong đó, hơn 328 triệu cổ phiếu FLC bị dư bán sàn (chiếm 46% tổng số cổ phiếu doanh nghiệp đang lưu hành) với tổng giá trị lên đến trên 6.000 tỉ đồng (giá sàn 18.550 đồng).

"Nếu giảm sàn liên tiếp vài phiên mà không ai mua, chẳng mấy chốc số cổ phiếu này thành giấy lộn" - NĐT tên H. lo lắng, đồng thời bày tỏ "ân hận" do "tham quá nên mua vào", sau khi đã bán chốt lời cổ phiếu FLC. Nhiều NĐT vẫn chưa biết số phận của các cổ phiếu "họ FLC" trong tương lai sẽ đi về đâu, chỉ hy vọng "thoát con nào đỡ con nấy". Trải qua ba phiên (10, 11 và 12-1) đầy sóng gió và liên tục nằm sàn, nhiều mã chứng khoán "họ FLC" đã bị rớt 18-20% giá trị.

Không chỉ cổ phiếu "họ FLC" bị giảm sàn, trong phiên giao dịch 12-1, nhiều NĐT cũng đứng ngồi không yên khi chứng kiến hàng loạt cổ phiếu nhóm bất động sản nằm sàn la liệt, điển hình như mã CII (Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM), LDG (Đầu tư LDG), QCG (Quốc Cường Gia Lai), NBB (Đầu tư Năm Bảy Bảy), KHG (Khải Hoàn Land), HQC (Địa ốc Hoàng Quân), HAR (Bất động sản An Dương Thảo Điền), EVG (EverLand)...

Diễn biến trên được cho là xuất phát từ vụ ông Đỗ Anh Dũng - chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - xin chấm dứt hợp đồng mua đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. "Tân Hoàng Minh chính thức bỏ cọc 600 tỉ đồng. Xin chia buồn cho các bạn F0 đã đu đỉnh các cổ phiếu bất động sản" - một NĐT chia sẻ trong một nhóm trên Facebook quy tụ hơn 400.000 thành viên quan tâm đến chứng khoán.

Trước đó, sau khi Tân Hoàng Minh trúng đấu giá "đất vàng" Thủ Thiêm với mức kỷ lục 2,4 tỉ đồng/m2 vào ngày 10-12-2021, nhiều NĐT đã dốc tiền mua cổ phiếu của công ty bất động sản với hy vọng ăn theo sóng đầu cơ.

Có thể thành "án lệ" để răn đe

Trên thực tế, không chỉ có ông Quyết mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn khác cũng từng bị xử phạt hành chính vì "lén" mua bán cổ phiếu mà không báo trước cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) và sở giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, sự việc ông Quyết gây rúng động vì bán gần 75 triệu cổ phiếu thông qua khớp lệnh trực tiếp trên sàn chỉ trong một phiên duy nhất. Trước đó, ông Quyết cũng từng bị phạt vì cùng lý do.

Dù việc hủy giao dịch "bán chui" cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết là chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, nhưng luật sư Nguyễn Thế Truyền (giám đốc Công ty luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng quyết định của cơ quan chức năng về việc hủy kết quả giao dịch và hoàn tiền cho NĐT đã mua cổ phiếu bị "bán chui" là có cơ sở, đúng pháp luật. Và cách xử lý này có thể trở thành "án lệ", giúp ngăn chặn những đối tượng "bán chui" cổ phiếu nhằm trục lợi.

Cụ thể, nghị định 128/2021 (sửa đổi bổ sung cho nghị định 156/2020) có hiệu lực từ đầu năm 2022 quy định hành vi tái vi phạm không công bố thông tin dự kiến giao dịch mua bán cổ phiếu có thể bị buộc khắc phục hậu quả bằng cách thu hồi chứng khoán đã bán, hoàn trả cho NĐT. Các tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc nộp lại khoản lợi bất chính hoặc khoản thu trái pháp luật.

Một số biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được quy định tại nghị định 155/2020 là phong tỏa tài khoản chứng khoán khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để ban hành quyết định xử lý vi phạm. Đây là động thái cần thiết nhằm ngăn chặn tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện vi phạm hoặc khi cần ngăn chặn ngay hành vi tẩu tán tiền, chứng khoán có liên quan đến hành vi vi phạm.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, mức xử phạt hành chính tối đa 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân là chưa thỏa đáng. Theo một chuyên gia, chỉ cần áp theo mức phạt từ 5 - 250 triệu đồng đối với những giao dịch "chui" có tổng giá trị theo mệnh giá từ 50 triệu đồng đến dưới 10 tỉ đồng, phạt từ 3 - 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế đối với những giao dịch "chui" từ 10 tỉ đồng trở lên là hợp lý.

Áp vào trường hợp ông Quyết, theo vị này, có thể bị phạt từ 22,4 - 37,4 tỉ đồng, chứ không phải là 1,5 tỉ đồng trong khi khoản thu về cả ngàn tỉ đồng. "Phạt theo giá trị giao dịch thì cá nhân, tổ chức lớn nhỏ đều phải sợ. Đang chạy theo tỉ lệ phần trăm, tự dưng lại bị "tóm tóc" với mức phạt tối đa vài tỉ đồng không đủ sức răn đe" - vị chuyên gia này nói.

Từ vụ FLC: Án lệ ngăn bán chui cổ phiếu - Ảnh 2.

Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản và họ "FLC" bị giảm sàn, nhà đầu tư liên tục đặt lệnh bán nhưng trắng bên mua ở phiên 12-1 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Xuyên đêm bóc tách cổ phiếu bị "bán chui"

Chiều 12-1, trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà đầu tư cho biết đã nhận được thông báo của phía công ty chứng khoán về việc sẽ hủy kết quả giao dịch mua cổ phiếu do ông Trịnh Văn Quyết "bán chui", tiền mua sẽ được nhận về tài khoản trong ngày.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán cũng cho biết theo chỉ đạo và danh sách Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cung cấp, bộ phận nghiệp vụ thanh toán của công ty đã rà soát số lượng tài khoản mua cổ phiếu do ông Quyết "bán chui" để hủy lệnh, thực hiện lệnh hoàn tiền ngay cho khách hàng.

Trước đó, sau khi Ủy ban Chứng khoán nhà nước quyết định hủy toàn bộ giao dịch "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC do ông Trịnh Văn Quyết thực hiện vào ngày 10-1, một lãnh đạo của VSD cho biết từ chiều 11-1, VSD đã bắt đầu làm việc liên tục, xuyên đêm nhằm bóc tách, xử lý dữ liệu của 36.000 giao dịch mua (tương đương 19.628 tài khoản) đối ứng 74,8 triệu cổ phiếu do ông Quyết bán.

"Anh em làm cả chiều, cả đêm qua bóc tách, xử lý dữ liệu, đảm bảo hoàn tất trong hôm nay để các thành viên lưu ký tiếp tục xử lý, không chuyển tiền thanh toán như bình thường. VSD cố gắng trong ngày hôm nay xử lý xong" - lãnh đạo VSD chia sẻ ngày 12-1.

Ông Nguyễn Hoàng Hải (tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN):

Phải khóa tài khoản để kiểm soát

Phải có cơ chế khóa tài khoản chứng khoán của những cá nhân thuộc đối tượng phải công bố thông tin (lãnh đạo công ty đại chúng, cổ đông lớn, người có liên quan...), với sự phối hợp của sở giao dịch chứng khoán và công ty chứng khoán.

Chỉ khi những đối tượng này công bố thông tin theo đúng quy định, sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán sẽ mở khóa cho tài khoản. Với cách làm này, cá nhân nào muốn "bán chui" cổ phiếu cũng không được.

Từ năm 2017, chúng tôi đã kiến nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước áp dụng giải pháp này để ngăn chặn tận gốc hành vi "bán chui" cổ phiếu. Thực tế có nhiều người thuộc diện phải công bố thông tin nhưng không nắm chặt chẽ quy định và được xem như là vô tình vi phạm. Tuy nhiên, có không ít cá nhân cố tình vi phạm, gây tác động tiêu cực quyền lợi của nhà đầu tư cũng như sự phát triển của thị trường.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển:

Chịu rủi ro nếu đu theo cổ phiếu "nóng"

Thời gian qua, thị trường chứng khoán có nhiều cổ phiếu tăng, có cổ phiếu tăng đến 7 - 8 lần chỉ trong thời gian ngắn. Thế nhưng, Ủy ban Chứng khoán không yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình lý do cổ phiếu tăng "nóng" dù có quy định. Các biện pháp xử lý việc lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết "bán chui" cổ phiếu cũng chưa đủ răn đe.

Để tránh lặp lại tình trạng này, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến niềm tin với thị trường, tôi cho rằng cần rà lại các chốt chặn đó là doanh nghiệp giải trình lý do cổ phiếu tăng "nóng" và lãnh đạo, cổ đông lớn, người có liên quan phải tuân thủ quy định công bố thông tin khi mua bán cổ phiếu. Về phía nhà đầu tư, khi giao dịch trong bối cảnh thị trường đang rất nóng và chọn những cổ phiếu nóng, tức mặc nhiên chấp nhận cuộc chơi, trong đó có cả chuẩn bị tinh thần cho việc có thể chịu lỗ nếu xảy ra biến động theo hướng không thuận lợi.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa (giám đốc Công ty luật TNHH Việt Tín Nghĩa):

Cần bịt ngay lỗ hổng mua bán "chui"

Tình trạng chủ doanh nghiệp và người liên quan mua bán "chui" cổ phiếu diễn ra phổ biến trong thời gian qua nhưng mức xử phạt lại rất nhẹ. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc quy định pháp luật chưa theo kịp, không ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội, thậm chí khi phát hiện hành vi vi phạm thì vào cuộc chưa kịp thời.

Để tăng tính minh bạch cho thị trường, theo tôi, cần sửa luật theo hướng tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm, trong đó có việc "bán chui" cổ phiếu, thậm chí nếu nặng có thể truy tố và không cho phép làm người đại diện pháp luật. Chứ mức phạt vài chục triệu đồng như hiện nay là quá nhẹ, không có tính răn đe.

L.THANH - A.HỒNG

Mỹ phạt nặng gian lận chứng khoán

Theo quy định của Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ, những trường hợp có hành vi mua bán "chui", hay giao dịch nội gián sẽ bị xử phạt dân sự lẫn hình sự.

Với quy định xử phạt hình sự, các tội giao dịch nội gián (các giao dịch chứng khoán của người nắm được thông tin nội bộ công ty mà các nhà đầu tư khác không biết và được hưởng lợi từ giao dịch này) có thể bị phạt 5 triệu USD, trong khi các tội gian lận chứng khoán khác có thể bị phạt 10.000 USD. Mức án tối đa với vi phạm giao dịch nội gián là 20 năm tù, mức phạt tối đa đối với cá nhân là 5 triệu USD và với tổ chức là 25 triệu USD.

Về quy định xử phạt dân sự, những cá nhân vi phạm sẽ phải chịu mức phạt hành chính gấp 3 lần số tiền lãi hoặc lỗ từ việc giao dịch. Với các tổ chức, doanh nghiệp, mức phạt lên tới gấp 3 lần số tiền lãi (lỗ) mà tổ chức đó kiếm được từ các giao dịch nội gián, nhưng không được quá 1 triệu USD.

MINH KHÔI

Cổ phiếu Cổ phiếu 'họ FLC' trắng bên mua, nhóm bất động sản nằm sàn la liệt

TTO - Phản ứng trước thông tin ông Trịnh Văn Quyết 'bán chui' và phải hoàn tiền, kèm việc Tân Hoàng Minh xin hủy cọc lô đất Thủ Thiêm, các cổ phiếu 'họ FLC' và nhóm bất động sản đang bị nhà đầu tư bán ra mạnh, rớt xuống giá sàn.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên