Ngày 19-12, Cao Văn Hùng (51 tuổi, hiện trú xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị cơ quan công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra tội giết người với cáo buộc mua xăng phóng hỏa đốt quán cà phê làm 11 người chết.
Sau vụ việc, một số chuyên gia pháp lý cho rằng cũng cần "gióng lên hồi chuông cảnh báo" về những hiểm họa khôn lường từ việc sử dụng xăng dầu sai mục đích.
Làm sao để ngăn chặn những thảm kịch tương tự?
Luật sư Vũ Hoàng Nhật Tân (Văn phòng luật sư Hoàng Hưng, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận hậu quả của vụ đốt quán cà phê là vô cùng lớn, gây ra thảm họa làm 11 người thiệt mạng oan uổng. Từ mâu thuẫn nhỏ nhưng Cao Văn Hùng có hành vi ứng xử côn đồ, mất nhân tính khi mang xô đi mua xăng quay lại phóng hỏa đốt quán cà phê.
Trong các nạn nhân, có những người là nhân viên phục vụ quán, có bà mẹ đi làm thêm dọn vệ sinh ở quán kiếm tiền nuôi con phải bỏ mạng vì hỏa hoạn, trong khi họ không hề có mâu thuẫn, thù hằn gì với Hùng. 11 gia đình nạn nhân đã phải chịu nỗi mất mát, đau xót vô bờ sau hành vi mất nhân tính của người đàn ông 51 tuổi này.
Theo luật sư Tân, vụ phóng hỏa đốt quán cà phê khiến 11 người thiệt mạng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hiểm họa khôn lường từ việc sử dụng xăng dầu sai mục đích.
"Tuy nhiên, việc ngăn chặn những thảm kịch tương tự bằng công cụ pháp luật không phải là điều dễ dàng", luật sư nhìn nhận.
Ông Tân phân tích hiện nay việc kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam được quy định chủ yếu bởi nghị định 83/2014 và nghị định 99/2020. Tuy nhiên, cả hai văn bản này đều tập trung vào quản lý người bán, chưa có quy định cụ thể nào về điều kiện đối với người mua.
"Điều này đồng nghĩa với việc kể cả người chưa đủ 18 tuổi, với nhận thức pháp luật còn hạn chế, vẫn có thể mua xăng dầu một cách dễ dàng, dĩ nhiên là tại Bộ luật Dân sự đã có quy định tương đối về giao dịch dân sự của người chưa thành niên.
Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng chỉ cấm các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy nổ. Tuy nhiên, quy định này rất khó áp dụng trong thực tế để ngăn chặn những đối tượng có ý đồ xấu", luật sư nêu quan điểm.
Luật sư Nhật Tân phân tích: "Thực tế cho thấy việc kiểm soát người mua xăng dầu là vô cùng khó khăn. Nhiều người có nhu cầu sử dụng xăng dầu chính đáng, ví dụ như mua xăng cho máy móc nông nghiệp, hoặc đổ xăng dọc đường khi xe bị chết máy.
Việc áp đặt các quy định hạn chế người mua có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và đời sống của người dân. Hơn nữa, việc xác định mục đích sử dụng xăng dầu của người mua cũng là một thách thức lớn.
Cần phải có một cuộc thảo luận khoa học kỹ lưỡng về vấn đề này, trước khi đưa chúng vào các quy định cụ thể của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhưng cũng không làm cản trở, đình trệ việc mua bán của người dân".
Theo luật sư, có thể tham khảo phát triển một số chính sách thắt chặt như: không bán xăng dầu cho người mang về để cất trữ, trừ khi có giấy tờ chứng minh hợp lệ; không bán xăng dầu cho người chưa có bằng lái xe; không bán xăng dầu cho người có nồng độ cồn cao trong máu,…. để hạn chế phần nào nguy cơ sử dụng xăng dầu sai cách, sai mục đích.
Không có quy định cấm người mua xăng bằng can, thùng
Luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty Luật TNHH Fanci) cho biết hiện nay không có quy định về việc cấm người dân mua xăng bằng can, thùng vì trong đời sống hằng ngày thì diễn ra thường xuyên việc trích xuất xăng sang can, thùng để phục vụ công việc cá nhân.
Luật pháp chỉ quy định xử phạt đối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu nếu trích xuất xăng dầu bằng can, thùng không đảm bảo an toàn, đúng quy định.
Vì xăng dầu là chất rất dễ cháy nên người mua, người bán chất này phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Phòng cháy chữa cháy, nếu việc mua xăng bằng can, thùng không đảm bảo có thể bị xử phạt.
Cụ thể mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị, phương tiện chứa, đựng chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ… không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
Mức phạt cao nhất từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
"Trong vụ án mua xăng đốt quán cà phê dẫn đến 11 người chết thì tôi được biết hành vi này xuất phát từ mâu thuẫn giữa bị can với nhóm khách bàn bên cạnh. Do bực tức, đối tượng đó đã bắt taxi đi mua xăng rồi quay lại tạt vào lối ra của quán và phóng hỏa dẫn đến 11 người trong quán tử vong.
Tôi cho rằng động cơ giết người của đối tượng này là đê hèn, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhưng đối tượng sẵn sàng dùng xăng để trả thù. Ngoài ra phải xác định hành vi của bị can có tính chất côn đồ, bởi chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà đối tượng đã đi mua xăng đốt toàn bộ quán nước, trong đó có rất nhiều bàn khác cũng như chủ nhà không hề có mâu thuẫn gì.
Người này phải hiểu rõ được hành động mình gây ra có thể gây hủy hoại tài sản và gây tử vong nhiều người vì xăng là chất rất độc và nguy hiểm, nhưng đối tượng vẫn sẵn sàng gây án mà không quan tâm đến hậu quả gây ra", luật sư nêu quan điểm.
Theo luật sư, các phân tích trên là hai tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can. Ông Hùng trước đây còn có các tiền án, tiền sự như "cướp tài sản" và "trộm cắp tài sản", hậu quả vụ đốt quán cà phê xảy ra quá nặng nề khiến quá nhiều người chết và bị thương.
Vì vậy, ông Hùng có thể sẽ phải chịu mức án cao nhất của tội "giết người", cũng như sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cao nhất về tội "hủy hoại tài sản", luật sư phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận