Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ông Nguyễn Văn Trường - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM - cho hay năm 2024 đơn vị thực hiện đầu tư 91 dự án gồm 17 dự án chuyển tiếp và 74 dự án phải thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Đề xuất điều chuyển 24 dự án về ban quản lý dự án khu vực quận, huyện, TP Thủ Đức nhằm phân chia hợp lý nguồn lực, bảo đảm tiến độ giải ngân.
Đồng thời, đề xuất trong thời gian tới không giao thêm dự án nhóm C để ban sẽ tập trung triển khai các dự án lớn đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Nên tăng cường phân cấp dự án về ban quản lý quận, huyện
Các siêu ban quá tải không phải là câu chuyện mới tại TP.HCM. Bởi cuối 2023, các sở, ngành TP cũng đã lấy ý kiến đánh giá, đề xuất phương án, mô hình quản lý để đảm bảo các dự án được triển khai hiệu quả hơn.
Trong đó, có ý kiến đề xuất cần lập thêm ban quản lý dự án giao thông trọng điểm để chia sẻ công việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.
Siêu ban này kể từ khi thành lập đến nay đã được giao quản lý hơn 160 dự án và giám sát 8 dự án PPP. Trong đó có 2 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A và các dự án nhóm B, C.
Đánh giá về vấn đề này, TS Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho hay hiện nay các siêu ban quản lý dự án của TP đang thực hiện rất nhiều dự án đầu tư công trên nhiều lĩnh vực.
Để thực hiện theo nghị quyết 98, TP còn phải đầu tư rất nhiều công trình khác. Vì vậy, các siêu ban quá tải khối lượng công việc cần quản lý và giám sát dẫn đến có dự án chậm tiến độ là điều dễ hiểu.
Ông Thuận cho rằng cần nghiên cứu thành lập ban chỉ đạo dự án công do lãnh đạo UBND TP làm trưởng ban. Các dự án như nhóm B, C cần được phân cấp mạnh mẽ về các ban quản lý dự án khu vực quận, huyện, TP Thủ Đức làm chủ đầu tư. Các siêu ban sẽ tập trung triển khai các dự án lớn, nhóm A trở lên.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hải Long, cố vấn pháp lý Công ty Luật TNHH AGL, cho rằng TP.HCM cần tập trung vào việc phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện trong thực hiện chương trình, dự án đầu tư công trên cơ sở vận dụng cơ chế từ nghị quyết 98 như TP đang làm.
Bên cạnh đó là cơ chế phối hợp, giao việc phù hợp để bảo đảm hiệu quả chung về tiến độ giải ngân, tiến độ dự án.
Vấn đề cốt lõi vẫn là cán bộ nhiệt huyết và có trách nhiệm
Về ý kiến lo ngại rằng các ban quản lý khu vực quận, huyện không đảm đương được các dự án, TS Phạm Viết Thuận cho rằng việc đó không khó để khắc phục. TP sẽ rà soát năng lực các ban quản lý dự án khu vực hiện có.
Trường hợp nhân sự thiếu thì bổ sung, quận, huyện nào đủ năng lực theo qui định về cấp hạng thì giao nhiệm vụ, đồng thời tuyển chọn người có năng lực kinh nghiệm để giao điều hành công việc.
Thậm chí, có thể thuê ngoài người có năng lực, kinh nghiệm để trực tiếp tham gia quản lý dự án theo quy định của pháp luật.
"Việc phân cấp phân quyền là điều kiện tiên quyết để đi đến thành công. Thực tế cho thấy những năm qua, khi chính phủ phân cấp phân quyền cho địa phương chủ động triển khai các dự án cao tốc đã đạt được những kết quả nổi bật”, ông Thuận nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ đang quản lý một dự án lớn ở phía Nam cho hay mô hình các ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải thời gian qua triển khai rất hiệu quả, các địa phương cần nghiên cứu thêm. Các dự án được điều phối linh hoạt, phù hợp với năng lực của các ban quản lý để đảm bảo triển khai đúng tiến độ.
Vì vậy các dự án do Bộ Giao thông vận tải triển khai thời gian qua có tiến độ rất tốt dù công việc trải dài từ Bắc vào Nam. Năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân hơn 90.000 tỉ đồng. Có những ban quản lý dự án dù có hơn trăm cán bộ vẫn giải ngân hơn chục ngàn tỉ đồng.
"Việc phải phân cấp và đánh giá năng lực của từng siêu ban dự án là cần thiết. Tuy nhiên, dù mô hình nào đi chăng nữa, quan trọng nhất vẫn là con người.
Trong đó cán bộ quản lý dự án phải thật sự chuyên nghiệp, thiện chiến, nhiệt huyết và có trách nhiệm", vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận