20/03/2011 08:53 GMT+7

Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Cà Mau

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Cà Mau do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Cà Mau, Tỉnh đoàn Cà Mau phối hợp tổ chức diễn ra từ 8g-12g ngày 20-3 tại Trường THPT Thái Thanh Hòa, huyện Đầm Dơi (Cà Mau).

Có sáu trường THPT tại hai huyện Đầm Dơi và Cái Nước, tỉnh Cà Mau tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp lần này.

dR896S1K.jpgPhóng to
Các thí sinh của huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đến tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2011 tại trường THPT Thái Thanh Hòa bằng xuồng sáng 20-3. Ảnh : Minh Đức

7g sáng, chuyến cano chở theo ban tư vấn từ Cà Mau xuất phát hướng về huyện vùng sâu Đầm Dơi của Cà Mau. Chiếc cano băng băng giữa những rặng dừa nước ngút ngàn hai bên bờ. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những chiếc xuồng máy rẽ nước băng băng như những chiếc xe máy chạy trên đường. Sau hơn 30 phút, chiếc cano cũng cập bến tại Trường THPT Thái Thanh Hòa - thị trấn Đầm Dơi.

Những nữ sinh trong tà áo dài trắng thướt tha bước lên từ những chiếc xuồng máy là hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy khi đặt chân lên bờ. Có bạn là học sinh Trường THPT Thái Thân Hòa, có bạn là học sinh Trường THPT Thị trấn Đầm Dơi ở bên kia sông. Có những bạn nhà ở xa, phải ở trọ đi học do điều kiện sông nước cách trở, đi lại rất khó khăn.

Bạn Trần Kim Oanh - học sinh Trường THPT thị trấn Đầm Dơi cho biết nhà mình cách trường gần 20km nên phải ở trọ đi học. Lẽ ra cuối tuần bạn sẽ về nhà nhưng đã nán lại để tham gia chương trình tư vấn. Oanh cho biết những thông tin bạn có được là do các thầy cô trong trường tư vấn và tự tìm trên internet chứ hoàn toàn chưa có trường nào về trường tư vấn. Oanh cho biết dự tính thi vào ngành tài chính của Trường ĐH Cần Thơ hoặc Tôn Đức Thắng.

Trong khi đó, bạn Dương Diễm Hương - học sinh Trường THPT Thái Thanh Hòa - chia sẻ ba em mê nuôi tôm nên suốt năm quanh quẩn bên mảnh ruộng, ao tôm cùng cái nắng cháy da và những cơn mưa tối mặt. Dẫu vậy, giá cả trồi sụt thất thường nên công sức bỏ ra nhiều khi chỉ đủ đắp đổi qua ngày. “Em sẽ thi ngành kinh tế. Em hy vọng sẽ giúp ích được nhiều cho gia đình và bà con nơi đây. Quanh năm làm lụng vất vả nhưng cái nhận được lại chưa tương xứng với những gì đã bỏ ra” - Hương tâm sự.

8g, chương trình tư vấn chính thức bắt đầu.

1AX3ZAUK.jpgPhóng to
Thí sinh huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đặt câu hỏi trực tiếp với ban tư vấn - Ảnh : Minh Đức

NỘI DUNG TƯ VẤN:

*Gia đình muốn em học sư phạm nhưng em muốn học tài chính ngân hàng. Vậy em nên chọn trường nào?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Nếu vì hoàn cảnh gia đình khó khăn thì em nên thuyết phục gia đình hiện nay nhà nước có chính sách vay vốn và học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Còn yếu tố quan trọng là vấn đề em thích. Nếu chúng ta thích thì chúng ta sẽ học tập tốt và phấn đấu hết mình vì sự lựa chọn đó.

Nếu học ngành mình không thích thì sẽ rất khó để học và làm việc bằng ngành mình đã học. Do đó em có thể thuyết phục gia đình rằng mình thích học ngành này và học ngành này con sẽ có điều kiện để phát huy khả năng của mình.

* Ngành hóa dược học những gì, có thể làm dược sĩ được không?

- TS Trần Trung Tính - Phó trưởng khoa công nghệ ĐH Cần Thơ: Ngành hóa dược học 4 năm, nhận bằng cử nhân. Học ngành này các em có thể đăng ký học liên thông qua ngành dược của các trường ĐH Y dược và lấy bằng dược sĩ ĐH.

* Cho em hỏi giữa điều dưỡng và y sĩ ngành nào dễ tìm việc làm hơn?

- BSCK2 Nguyễn Hữu Hạnh: Hiện điều dưỡng ở tỉnh rất thiếu. Nhu cầu nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện hiện rất ít. Cả các trường trung cấp, CĐ đào tạo ngành này ở tỉnh cũng chưa nhiều. Do đó nếu đăng ký học điều dưỡng thì cơ hội sẽ rất lớn. Nếu theo học ngành y sĩ thì cơ hội việc làm sẽ ít hơn vì nhu cầu ngành này không nhiều bằng điều dưỡng.

* Học ở Cà Mau em có thể liên thông lên các trường ĐH tại TP.HCM hay không?

- Thầy Lê Quang Hảo, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp & đào tạo bồi dưỡng: Ở Cà Mau có 3 trường CĐ trong đó có hai trường CĐ Cộng Đồng và CĐ Y tế không tổ chức thi, 1 trường TCCN và 1 trường trung cấp nghề. Nếu học trung cấp trong các trường CĐ này các em có thể học liên thông lên bậc CĐ trong các trường này.

Bên cạnh đó các em cũng có thể liên thông được ở tất cả các trường ĐH có tuyển sinh liên thông ngành các em tốt nghiệp. Nếu tốt nghiệp loại khá được liên thông ngay, tốt nghiệp lại trung bình phải có từ 1 đến 2 năm kinh nghiệm mới được dự thi.

* Ngành CNTT tốt nghiệp rất dễ xin việc phải không ạ?

- TS Nguyễn Kim Quang: hiện ngành này nhu cầu nhân lực rất lớn. Hầu hết các lĩnh vực khoa học công nghệ, xã hội, quản lý... đều cần nhân lực ngành này. Không chỉ phục vụ cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước mà còn hội nhập và đáp ứng nhu cầu nhân lực thông tin khu vực và thế giới.

Nếu năng lực của em không đủ vào ĐH có thể học CNTT bậc CĐ hoặc TCCN. Hiện ở Cà Mau cũng có nhiều trường CĐ, trung cấp hay Trung tâm giáo dục thường xuyên liên kết với các trường đào tạo ngành CNTT. Tốt nghiệp em có thể liên thông lên CĐ, ĐH để lấy bằng ĐH CNTT như các bạn thi vào ĐH.

- TS Trần Trung Tính: nếu năng lực không đủ thì các em cứ mạnh dạn học trung cấp hoặc ĐH. Hiện đã có nhiều bậc liên thông từ CĐ lên ĐH hoặc liên thông thẳng từ trung cấp lên ĐH.

- TS Lê Thị Thanh Mai: Hiện ở Cà Mau đang có những ngành nghề rất cần nhân lực như: công nghiệp truyền thống như chế biến nông sản, công nghệ năng lượng, cơ khí, nuôi trồng và khai thác hải sản, du lịch, môi trường... Trong rất nhiều ngành nghề này địa phương đều có, từ trung cấp đến CĐ.

Gx6hDGYq.jpgPhóng to
TS Lê Thị Thanh Mai, phó ban đào tạo đại học và sau đại học (ĐHQG TP.HCM) cung cấp những thông tin chung cảu kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 cho các thí sinh huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau sáng 20-3 - Ảnh : Minh Đức

Có ba hình thức đào tạo: chính qui (ĐH, CĐ, trung cấp), vừa làm vừa học và đào tạo từ xa. Bậc đào tạo từ xa chỉ cần tốt nghiệp THPT, nộp hồ sơ là nộp được. Điều kiện gia đình khó khăn, các em cần phấn đấu để thi được vào trường công lập để giảm chi phí cho gia đình.

Kết thúc phần tư vấn chung TS Lê Thị Thanh Mai lưu ý những ngành nghề mà Cà Mau đang có nhu cầu và mong học sinh chọn được ngành phù hợp với năng lực và địa phương của mình. Các thí sinh lên vây lấy ban tư vấn đề nghị giải đáp thêm thắc mắc của các em.

Thành phần ban tư vấn tại Cà Mau gồm các thầy cô:

1. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

2. TS Nguyễn Văn Thư, phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM

3. TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM)

4. ThS Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo ĐH Tài chính marketing

5. TS Phạm Tấn Hạ, phó phòng đào tạo ĐH KHXH & NV (ĐHQG TP.HCM)

6. ThS Lê Văn Hiển, phó phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM

7. TS Lê Thị Thanh Mai, phó ban đào tạo ĐH và sau ĐH ĐHQG TP.HCM

8. TS Trần Trung Tính, phó trưởng khoa công nghệ ĐH Cần Thơ

9. Thầy Nguyễn Thanh Bình, phó trưởng khoa sư phạm ĐH Cần Thơ

10. ThS Đỗ Thị Viễn Hương, trưởng phòng CĐ Cộng đồng Cà Mau

11. ThS Lưu Vy Quyền, hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Cà Mau

12. Thầy Đàm Hoàng Long, trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Sư phạm Cà Mau

13. ThS Vưu Nghị Lực, phó hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa thể thao - du lịch Cà Mau

14. BSCK2 Nguyễn Hữu Hạnh, trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Y tế Cà Mau

15. Thầy Lê Quang Hảo, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp & đào tạo bồi dưỡng (Sở GD-ĐT Cà Mau)

Các khu vực tư vấn chuyên sâu bao gồm: nhóm ngành kinh tế - tài chính - kỹ thuật - công nghệ - giao thông; nhóm ngành xã hội nhân văn - y dược - luật - thông tin ĐH Quốc gia TP.HCM; nhóm các trường CĐ và trường nghề ở Cà Mau.

Đơn vị tài trợ:

NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên