24/02/2014 01:46 GMT+7

Tư vấn đến học sinh cuối cùng

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - 7g30 ngày 23-2, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức mới bắt đầu, nhưng từ 6g30 đã có hàng trăm HS TP Đà Nẵng đến tham dự.

Tư vấn tuyển sinh cho hơn 6.000 học sinh Đà Nẵng

46IF286l.jpgPhóng to
TS Giang Thị Kim Liên - phó ban đào tạo ĐH Đà Nẵng - tư vấn đến những học sinh cuối cùng - Ảnh: Đoàn Cường

Đến giờ khai mạc, cả sân trường, hội trường Trường Phan Châu Trinh ken đặc HS với con số lên đến hơn 4.000 người.

Lượng sức mình để chọn thi ĐH hay CĐ

Ngay sau phần khai mạc, các chuyên gia tư vấn đến từ các ĐH lớn như ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng... đã giải đáp mọi thắc mắc của các bạn học sinh trước ngưỡng cửa kỳ thi ĐH năm 2014.

HS Nguyễn Thị Ni (Trường THPT Trần Phú) băn khoăn: “Em không hiểu học y tế dự phòng và y tế cộng đồng có phải đều là bác sĩ không? Công việc khác nhau như thế nào?”. PGS.TS Võ Tam, phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Huế, trả lời: “Có sự khác nhau giữa hai ngành này. Y tế dự phòng học sáu năm ra trường là bác sĩ, làm chức năng của bác sĩ. Còn y tế cộng đồng học bốn năm ra trường và là cử nhân. Nhưng chung quy nghề y là phải cập nhật suốt đời, tinh thông, không phải khoác áo blouse trắng vào là thành bác sĩ. Ngoài kiến thức nhà trường, quan trọng là phải học, đặc biệt là ngoại ngữ vì là tây y mà”.

Nhiều HS đặt câu hỏi về cơ hội trúng tuyển CĐ sau khi rớt ĐH, ra trường có việc làm không? Th.S Nguyễn Văn Lành, phó phòng đào tạo Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng), tâm sự: “Dù thầy ở trường CĐ, nhưng trước hết thầy xin chúc tất cả các em sẽ đậu ĐH trong kỳ thi ĐH tới đây. Tất nhiên không phải tất cả đều sẽ đậu và cơ hội của các em vẫn còn ở CĐ. Các em nên tự lượng sức mình để chọn thi ĐH hay CĐ. Nếu học CĐ thì sau khi ra trường các em vẫn liên thông lên ĐH bình thường. Học hành đàng hoàng thì tất nhiên ra trường không phải lo công việc”.

Như trong gia đình

Dù 11g chương trình kết thúc nhưng ở các khu vực tư vấn chuyên sâu, hàng chục HS Đà Nẵng vẫn vây quanh các chuyên gia. Thay vì ngồi trên sân khấu, các chuyên gia kéo những chiếc ghế súp lại ngồi quây quần với HS như những người cha, mẹ trong gia đình nói chuyện với con cái. Có lẽ vất vả nhất là TS Giang Thị Kim Liên, phó ban đào tạo ĐH Đà Nẵng. Đã trưa, hầu hết HS đã ra về thì vẫn còn một nhóm gần 10 HS vây quanh cô Liên chờ được giải đáp.

Một HS trường Phan Châu Trinh lo lắng: “Làm sao để lọt vào mắt của các nhà tuyển dụng khi phỏng vấn?”. TS Liên nói như tâm tình: “Các em cần biết có những câu hỏi nhà tuyển dụng hỏi không phải để có câu trả lời đúng, mà họ thử sự phản xạ của ứng viên. Do vậy kỹ năng mềm rất quan trọng. Kiến thức cơ bản tất cả SV đều là 30%, còn 70% là kỹ năng mềm”. Trưa nắng oi ả nhưng TS Liên vẫn tư vấn đến học sinh cuối cùng. Cô chia sẻ: “Có mệt tí nhưng giúp được các em tự tin chọn nghề thì mình cũng vui lây”.

* Ông Nguyễn Đình Vĩnh (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng):

Một hoạt động bổ ích, ý nghĩa

Báo Tuổi Trẻ không chỉ tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho hàng ngàn HS Đà Nẵng mà chương trình còn diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Một hoạt động vô cùng bổ ích và ý nghĩa đối với mỗi HS khi các em chuẩn bị cho con đường học vấn, nghề nghiệp tương lai của mình. Đặc biệt quan trọng hơn vì năm 2014 việc thi ĐH sẽ có nhiều đổi mới.

TgCjsDzj.jpg
ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên