15/04/2013 07:23 GMT+7

Tự tin với cuộc chơi giỏi nghề

B.THANH
B.THANH

TT - 448 thí sinh đến từ 36 trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề tại TP.HCM cùng tranh tài tại hội thi “Học sinh giỏi nghề” 2013 sáng 14-4.

Hội thi diễn ra tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.

DIQ3IYxL.jpgPhóng to
Nhóm thí sinh thi nghề thiết kế website của Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng cùng bàn luận về đáp án. Các bạn cho biết hoàn thành bài thi khá tốt - Ảnh: B.THANH

Ngay sau lễ khai mạc, các thí sinh cùng bước vào phần thi lý thuyết, gồm thi trắc nghiệm kiến thức xã hội và chuyên ngành trong thời gian 45 phút. Phần thi thực hành sẽ được diễn ra từ ngày 15 đến 26-4.

Đề thi trắc nghiệm “sát sườn”

Thay vì làm bài thi trên giấy như các năm trước, năm nay thí sinh thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Phần lớn thí sinh làm bài khá thoải mái và tự tin, rất nhiều người bước ra phòng thi sớm với gương mặt hân hoan. “Đề thi sát với kiến thức thực tế và chương trình học nên tôi hoàn thành khá nhanh, chỉ mất 15 phút. Tôi tin sẽ đạt điểm giỏi” - Nguyễn Đình Trung Dũng, thí sinh dự thi ngành phục vụ nhà hàng, hiện là học viên năm 2 hệ trung cấp khoa du lịch, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết.

13 nghề thi

Từ ngày 14 đến 26-4, các thí sinh sẽ tranh tài qua hai phần thi là lý thuyết và thực hành. Trong đó thực hành thi 13 nghề, cụ thể là: công nghệ lập trình trên máy điều khiển số CNC, cắt may, thời trang, điều dưỡng, thiết kế website, điện công nghiệp, kế toán doanh nghiệp, công nghệ ôtô, tiện, điện tử, điện lạnh, phục vụ nhà hàng và hướng dẫn viên du lịch. Đây là lần thứ năm sân chơi thi nghề được tổ chức.

Cũng như Dũng, do ôn tập kỹ cộng thêm vốn hiểu biết xã hội sẵn có nên thí sinh dự thi ngành thời trang Lê Thị Trang đến từ Trường trung cấp Bến Thành nhanh chóng hoàn thành bài thi lý thuyết chỉ sau 2/3 thời gian. Trang cho hay giờ cô cùng các bạn trong đội đang ngóng chờ kết quả về hai mẫu thiết kế được duyệt thi. Trang nói sau khi có kết quả, cả đội sẽ bắt tay ngay vào chuẩn bị nguyên phụ liệu, dụng cụ cũng như tự luyện thêm tay nghề cho vòng thi thực hành sẽ diễn ra vào ngày 18-4.

Làm xong bài thi sát giờ kết thúc, bạn SV Trường CĐ Giao thông vận tải Bùi Ngọc Minh - thí sinh dự thi nghề điện công nghiệp - cho hay đề khi không quá khó nhưng do phải tính toán nhiều nên Minh phải cẩn thận kiểm tra lại các đáp án kỹ rồi mới yên tâm nộp bài. So với các thợ nghề khác, Minh cho biết bạn có lợi thế về thời gian luyện tập khi gần hai tuần nữa mới bước vào vòng thi thực hành. “Lần đầu tham gia hội thi còn bỡ ngỡ và chưa có kinh nghiệm nên tôi khá lo lắng” - Minh bày tỏ.

Học nghề rộng cửa việc làm

Gắn bó với trường nghề gần 30 năm, tiến sĩ Phạm Hữu Lộc (phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) khẳng định đối tượng học nghề bậc trung cấp, cao đẳng hiện nay dễ tìm được việc làm hơn so với sinh viên bậc đại học. Theo ông, cơ hội việc làm cho các học viên nghề sau khi tốt nghiệp “rộng cửa” bởi nhu cầu của doanh nghiệp cần tuyển số lượng lớn thợ lành nghề và thạo việc. Trong quá trình học do có thời gian thực hành, đứng máy, trực tiếp sản xuất... nhiều nên tay nghề của đối tượng này khá vững, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cùng tham gia

Hội thi “Học sinh giỏi nghề” năm nay đã bắt đầu có sự hợp tác giữa các trường nghề và doanh nghiệp trong các khâu ra đề, chấm thi thực hành... Qua dịp này, các trường nghề cũng sẽ liên kết cùng các doanh nghiệp trong việc đào tạo học viên theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội mở rộng việc làm cho các thợ trẻ và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển đúng người, đúng việc.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Lộc cho rằng khác với đối tượng có bằng ĐH thường xuyên “nhảy việc” hoặc học lên cao hơn, học viên học nghề khi đi làm thường làm ổn định, gắn bó với chỗ làm. Đây cũng là một yếu tố “ghi điểm” với nhà tuyển dụng. Tiến sĩ Lộc chia sẻ các suất học bổng hoặc chương trình giảm học phí, hỗ trợ học nghề tại các trường CĐ, ĐH đào tạo nghề phần lớn đều được ưu tiên cho hệ trung cấp. Tuy nhiên, tiến sĩ Lộc cũng bày tỏ sự đắn đo về nhu cầu học lên cao của học viên nghề. Việc học liên thông này sẽ bị gián đoạn bởi theo quy định hiện hành thì sau ba năm đi làm đối với hệ trung cấp và hai năm với hệ cao đẳng, các bạn trẻ mới tiếp tục được học lên. Đây sẽ là điều khiến các thợ nghề cân nhắc.

Theo anh Phạm Văn Linh - phó trưởng ban thanh niên trường học Thành đoàn TP, phó trưởng ban tổ chức hội thi, 13 nghề được tuyển chọn thi hiện đều là những nghề có nhu cầu tuyển dụng cao. Đây cũng là những nghề yêu cầu tập trung đào tạo thợ lành nghề, phục vụ nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn của TP (điện tử, điện lạnh, điện công nghiệp...), phục vụ an sinh xã hội (điều dưỡng) và phát triển du lịch dịch vụ (phục vụ nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch).

Trong đó, nghề điều dưỡng là một trong những nghề mới trong hội thi lần này. Nghề này được đánh giá khá “hứa hẹn” từ thực tế lượng “cầu” lớn bởi đòi hỏi chất lượng đời sống của người dân không ngừng nâng cao nên họ có nhu cầu không chỉ được chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện, trung tâm y tế mà còn tại gia.

Đối với ngành du lịch dịch vụ, hiệu trưởng Trường trung cấp du lịch & khách sạn Saigontourist Trần Văn Hùng cho rằng đây là ngành có cơ hội việc làm cao hiện nay và trong tương lai. Nếu giỏi nghề, giỏi ngoại ngữ, các bạn trẻ sẽ có nhiều sự lựa chọn việc làm với mức thu nhập hấp dẫn. Ông Hùng nói hiện có khá nhiều SV du lịch chấp nhận học lại, đào tạo lại từng bước theo vị trí làm việc từ thấp đến cao để tăng khả năng tìm được việc.

B.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên