Nghiên cứu sinh Quang Thục Hảo - Ảnh: H.QUANG
Từng là 'nạn nhân' của chứng trầm cảm và loay hoay vì không tìm được sự đồng cảm thật sự, Quang Thục Hảo (nghiên cứu sinh năm cuối ĐH New South Wales, Úc) đã quyết tâm biến nỗi niềm năm xưa thành đề tài theo đuổi 'giải mã' sau này.
Quang Thục Hảo chia sẻ lý do bạn theo đuổi ngành tâm lý học: "Tôi còn nhớ năm lớp 7, trường tôi tặng học sinh giỏi những phiếu mua hàng ở nhà sách thay vì tập vở. Đứng ở nhà sách, tôi thấy mình bị mê hoặc bởi các câu chuyện về hành trình cuộc sống của người từ muôn nơi, về những trải nghiệm, vấp ngã và trưởng thành ở họ.
Đến năm cấp III, khi tôi thi rớt nguyện vọng 1 vào một ngôi trường thường tại quận 6
(TP.HCM) dù sức học tốt, tôi đã bị trầm cảm. Một lần nữa tôi tìm đến sách, nhưng lần này với những cảm xúc sâu sắc hơn khi tôi đi tìm những câu chuyện ít nhiều liên quan đến bản thân, càng ngẫm càng thấm.
Và đây cũng là thời điểm tôi quyết định sẽ theo ngành tâm lý học, vì tôi muốn đi sâu hơn vào tìm hiểu hành vi, suy nghĩ và cảm xúc của con người, khơi gợi tiềm năng của họ".
* Lớp 10, độ tuổi có quá sớm để gọi tên "trầm cảm"?
- Bây giờ suy nghĩ lại thì tôi thấy đó là một phần tất yếu trong cuộc sống. Nhưng với một cô bé 14-15 tuổi có rất nhiều sự kỳ vọng từ gia đình, thầy cô và bạn bè thì đó là một cú sốc lớn.
Cha mẹ không tin nổi kết quả đó, tôi thậm chí không dám gặp lại thầy cô, bạn bè cũ... "Người bạn" thân nhất của tôi suốt nhiều tuần sau đó là bốn bức tường, tôi chẳng buồn ăn uống.
Vì cú sốc quá lớn nên một mặt nào đó, đó chính là cột mốc thay đổi cuộc đời tôi. Và thực chất trạng thái trầm cảm có thể xuất hiện từ rất sớm chứ không chỉ ở người lớn như số đông chúng ta thường nghĩ, từ đó không ít bạn trẻ chẳng có người đồng cảm, nơi chia sẻ.
Chính việc nhận ra sự sai lầm phổ biến trong quan điểm đó cũng là một lý do thôi thúc tôi theo đuổi ngành tâm lý.
* Thất bại đó với bạn có ý nghĩa gì?
- Thất bại năm lớp 10 đã dạy cho tôi rất nhiều bài học về bản thân. Thứ nhất là phải luôn cẩn thận và không ngừng cố gắng, chuẩn bị tốt nhất trong mức có thể dù cho trước đó bạn có giỏi như thế nào.
Bài học thứ hai là sự tự tin và chịu khó tìm hiểu càng nhiều càng tốt những khía cạnh cuộc sống. Lúc xưa khi ổn lại, tôi tham gia nhiều hoạt động xã hội trong suốt khoảng thời gian cấp III, tất cả những trải nghiệm đó giúp tôi mở rộng kỹ năng của mình và vững tin hơn về lựa chọn ngành tâm lý học.
* Và bạn đã "lột xác" khi thi đậu ĐH Sư phạm TP.HCM rồi sau đó tốt nghiệp thủ khoa?
- Tôi đoan chắc rằng những bí quyết của mình ai cũng biết, quan trọng là chúng ta có quyết liệt thực hiện hay không. Thứ nhất, tôi có một đam mê mãnh liệt với ngành này, thấy được sự cần thiết và giá trị mà ngành mang lại cho cuộc sống.
Thứ hai, tôi luôn kiên trì và quyết tâm khi có mục tiêu rõ ràng. Suy cho cùng, quá khứ không quyết định tương lai nếu hiện tại chúng ta biết cố gắng.
Thật ra lúc đầu tôi chỉ học vì thấy sự thú vị ở con người. Tại sao từ những người có xuất thân bần cùng lại có thể trở thành danh nhân lỗi lạc, tại sao trong nghịch cảnh mà vẫn có người hạnh phúc, an nhiên...
Nhưng đường đi không bằng phẳng. Càng học sâu, tôi càng bị choáng bởi độ khó của nó. Trả lời được câu hỏi "tại sao?" chưa chắc đồng nghĩa chúng ta trả lời được câu hỏi làm sao để thực tế giúp được người khác trong khi mỗi người là những câu chuyện, cá tính rất khác nhau.
Cơ hội học tập tại Úc phần nào mở mang tầm mắt cho tôi, giúp tôi vững tin hơn khi tiếp cận được những phương pháp đang được sử dụng dựa trên các bằng chứng khoa học.
* Bạn có khá nhiều trăn trở về ngành tâm lý học tại VN...
- Nhìn chung, chất lượng nghiên cứu và thực hành lâm sàng ngành tâm lý học ở VN rất cần những bước phát triển đột phá.
Một trong những trăn trở lớn nhất của tôi là xây dựng hệ thống các công cụ đánh giá tâm lý đáng tin cậy và phù hợp với đặc điểm văn hóa xã hội của người Việt. Số lượng các công cụ này ở nước ta hiện tại quá ít.
* Được biết bạn đang trong giai đoạn cuối làm nghiên cứu sinh với đề tài tại VN?
- Nghiên cứu của tôi tìm hiểu việc mất động lực ở bệnh nhân. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng sau khi bị tổn thương một số vùng não, bệnh nhân sẽ xảy ra vấn đề về hành vi chứ không đơn thuần là thể chất, vận động thông thường.
Thế nhưng điều này còn khá xa lạ với người Việt. Do đó, tôi muốn tìm hiểu xem thực tế mức độ và các nguyên nhân về văn hóa - xã hội đặc thù ở VN có tác động đến hành vi mất động lực của bệnh nhân, từ đó góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề này.
lý tác động rất nhiều đến quá trình phục hồi. Nếu không có động lực bên trong bệnh nhân, những nỗ lực từ phía y tế, gia đình... sẽ không thể phát huy tác dụng.
* Trong tương lai gần, bạn có tham vọng gì?
- Thứ nhất, tôi hi vọng có thể tìm được một nhóm cộng tác tốt, tiếp tục phát triển các công cụ đánh giá lâm sàng cho thực hành và nghiên cứu ở VN.
Thứ hai, tôi mong muốn giúp đỡ thế hệ sau hiểu hơn về bản chất và ứng dụng của ngành tâm lý học, tiếp cận với các xu hướng mới dựa trên nền tảng khoa học và bằng chứng..., từ đó tạo ra một sức bật về chất lượng thực hành và nghiên cứu ở VN.
"Siêu" cả học lẫn hoạt động Đoàn - Hội
Quang Thục Hảo tốt nghiệp thủ khoa ngành tâm lý - giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2014, sau đó lấy bằng thạc sĩ khoa học não bộ và tâm trí tại ĐH Sydney (Úc) và đoạt học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tâm lý học tại ĐH New South Wales (Úc).
Lúc ở VN, Hảo từng đoạt giải nhì nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2012, tham gia làm huấn luyện viên, chủ nhiệm một số câu lạc bộ Đoàn - Hội, chuyên môn... và từng được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên VN trao bằng khen.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận