08/04/2008 03:00 GMT+7

Từ tác phẩm văn học đến màn ảnh: những cộng hưởng muộn màng

VIỆT QUÊ
VIỆT QUÊ

TT - Tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đã được Hãng phim Việt ký mua bản quyền với giá 15 triệu đồng. Dù không được nghe nói về kế hoạch làm phim, nhưng công chúng vẫn mong có một sự cộng hưởng sớm về một tác phẩm văn học gây dư luận với sản phẩm điện ảnh. Thế nhưng từ đó đến nay, "hành trình" về bộ phim vẫn lặng im...

TT - Tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đã được Hãng phim Việt ký mua bản quyền với giá 15 triệu đồng. Dù không được nghe nói về kế hoạch làm phim, nhưng công chúng vẫn mong có một sự cộng hưởng sớm về một tác phẩm văn học gây dư luận với sản phẩm điện ảnh. Thế nhưng từ đó đến nay, "hành trình" về bộ phim vẫn lặng im...

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Mua rồi... để đó (!)

D6l3pKkw.jpgPhóng to
XXiQkN9U.jpg

Một cộng hưởng đẹp: Phim Kính vạn hoa (đạo diễn Nguyễn Minh Chung) dựa theo tập truyện dài kỳ cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đông đảo khán giả nhỏ yêu thích. Sự cộng hưởng này còn tạo "épphê ngược" khi bộ truyện Kính vạn hoa đã được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khởi bút viết tiếp (sau năm năm) trong sự háo hức chờ đón của bạn đọc nhỏ.

Trước đó, vào năm 2003, khi cuốn tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của nghệ sĩ Mạc Can gây xôn xao dư luận thì cũng được đạo diễn Việt Linh (từ Pháp) nhanh chóng đăng ký thực hiện.

Tuy nhiên sau đó vì lý do sức khỏe, và cũng lường trước những khó khăn về một bộ phim nghệ thuật, đạo diễn Việt Linh đã tạm hoãn dự án này. Tiểu thuyết Tấm ván phóng dao sau đó được "gả” cho hai nơi là Hãng phim TFS (làm phim truyền hình) và Hãng phim Việt (làm phim nhựa). Song mấy năm đã trôi qua mà những dự án làm phim này vẫn giậm chân tại chỗ.

Cùng quan điểm dư luận về tính thời sự cũng như tính hấp dẫn của đời sống nông thôn trong tập bút ký Đồng cỏ chát của nhà báo Võ Đắc Danh, năm 2007, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc và đạo diễn Song Chi cùng thỏa thuận bản quyền để chuyển thể tác phẩm này thành phim truyền hình.

Song ở thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian sắp tới, cả Nguyễn Thị Minh Ngọc lẫn Song Chi đều bận túi bụi với những dự án mới. Đồng cỏ chát xem ra vẫn chưa thể lên phim một cách "ngọt lành"...

Chậm vì nhiều lý do

Theo nhà biên kịch Nguyễn Hồ, Cánh đồng bất tận đã được nhà văn Ngụy Ngữ chuyển thể kịch bản hoàn tất, đạo diễn dự định sẽ do chính Nguyễn Phan Quang Bình (giám đốc Hãng phim Việt) thực hiện. Thế nhưng thời gian qua do việc điều hành Công ty BHD và Hãng phim Việt quá bận rộn nên Cánh đồng bất tận vẫn nằm đó. Việc chậm trễ làm phim Cánh đồng bất tận còn "kẹt" lại ở chỗ tìm "đầu ra" vốn là vấn đề nan giải của dòng phim nghệ thuật Việt.

Với Tấm ván phóng dao của TFS thì được biết hiện nay đã có kịch bản do Phạm Thùy Nhân viết, nhưng vẫn chưa thấy ổn lắm nên tạm thời... để đó. Còn Tấm ván phóng dao của Hãng phim Việt phải chờ đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn hoàn tất bộ phim Trăng nơi đáy giếng, sau đó ông mới bắt tay vào viết kịch bản, làm đạo diễn... Như vậy, Tấm ván phóng dao còn phải chờ đợi thêm một thời gian dài nữa.

Về dự án phim Đồng cỏ chát, đạo diễn Song Chi cho biết: "Chắc là nghỉ luôn". Hỏi cặn kẽ mới biết do ban đầu Nguyễn Thị Minh Ngọc và Song Chi nghĩ đề tài phim này sẽ thích hợp với các đài truyền hình tỉnh. Không ngờ khi đưa đề cương và vài tập đầu chào mời thì không nơi nào "OK", khiến cả hai cụt hứng đành chuyển sang những dự án khác. "Bây giờ nếu có làm phải làm lại từ đầu, nhưng mình sợ là không còn thời gian" - đạo diễn Song Chi nói.

Những cộng hưởng cần thiết

Thật ra sản phẩm của truyền hình hay điện ảnh thường có độ chênh với tác phẩm văn học. Một tác phẩm văn học xuất sắc khi lên phim chưa chắc đã hay. Và tác phẩm điện ảnh không nhất thiết phải chạy đua hay ăn theo sự nổi tiếng, ăn khách của tác phẩm văn học. Có nhiều tác phẩm điện ảnh (chuyển thể từ tác phẩm văn học) dù có độ lùi thời gian khá lâu nhưng vẫn hay, hấp dẫn.

Ví dụ như các bộ phim Mùa lá rụng (chuyển thể từ tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú, và Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng), Đất và người (chuyển thể từ Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường), Thời xa vắng (chuyển thể từ Thời xa vắng của Lê Lựu) Mùa len trâu (chuyển thể từ Hương rừng Cà MauMùa len trâu của Sơn Nam)...

Tuy nhiên, khi một tác phẩm văn học xuất hiện gây dư luận (về tính thời sự, những vấn đề dân sinh, đạo đức xã hội...) nếu được cộng hưởng sớm và làm tốt thì chắc chắn tính hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều. Sự cộng hưởng đó vừa lợi cho sản phẩm điện ảnh vừa có ích cho tác phẩm văn học.

Điều này chúng ta có thể nhìn thấy từ Trung Quốc, Hàn Quốc...; hay nhìn từ sự thành công vang dội của... bộ phim Harry Potter được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn J. K. Rowling. Tất nhiên để có sự cộng hưởng nhanh chóng mà hiệu quả, đòi hỏi phải có một đội ngũ làm phim chuyên nghiệp, một môi trường làm phim chuyên nghiệp.

Tiếc thay, sự chuyên nghiệp của phim Việt chỉ mới "mon men" hình thành. Cho nên những cộng hưởng vẫn phải cứ chậm một cách muộn màng.

VIỆT QUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên