Hạn khiến lúa không thể phát triển tại huyện Long Phú, Sóc Trăng trong đợt hạn mặn năm 2016 - Ảnh: Chí Quốc
Một hôm con cua đồng sống ở kênh Long Mỹ II gặp con cua biển xuất hiện. Thấy con cua đồng ngạc nhiên, cua biển nói: nhờ đào tuyến kênh này mà nó bò từ biển vào nội đồng được.
Khi đó huyện Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang (bao gồm Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng hiện nay) là vùng đất chịu nhiều phèn mặn, nông dân sản xuất rất khó khăn. Ngành nông nghiệp đã đào kênh Long Mỹ II dẫn nước ngọt về hỗ trợ nông dân trồng lúa. Câu chuyện "con cua đồng gặp cua biển" là cách một số người dân châm biếm: tuyến kênh này sẽ không có khả năng dẫn ngọt, ngược lại nước biển sẽ có cơ hội theo đó lấn vào nội đồng.
Từ thiếu đói đến dôi dư
Hồi ấy, ông Nguyễn Văn Đồng (hiện là Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang) là cán bộ chủ chốt ngành nông nghiệp cũng bị không ít nhận xét quanh chuyện "con cua đồng gặp cua biển". Ông Đồng phải "lên bờ xuống ruộng" mấy bận để giải trình. Tất nhiên, tuyến kênh Long Mỹ II cùng hàng loạt hệ thống thủy lợi khác dẫn ngọt, tháo chua, rửa phèn thành công cho vùng bán đảo Cà Mau. Nó cũng là dấu mốc cho sự thành công của việc dẫn nước ngọt, tập trung sản xuất lúa, giúp Việt Nam từ thiếu đói phải nhập khẩu lương thực chuyển sang dôi dư lúa, gạo và bắt đầu xuất khẩu. Đây được xem là cái kết đẹp cho một giai đoạn sản xuất nông nghiệp của vựa lúa ĐBSCL.
Nhìn lại hơn 20 năm trước, ĐBSCL liên tục rơi vào cảnh lũ lụt, gây tan hoang nhiều cơ sở hạ tầng. Người dân ĐBSCL luôn nơm nớp lo âu mỗi khi lũ về: từ nhà cửa, đường giao thông, trạm xá, trường học, ruộng lúa... đều bị nước lũ gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều người không khỏi ưu tư khi dân trong vùng phải chạy lũ lên tận Sài Gòn. Trong bối cảnh đó, Quyết định 99/TTg - Định hướng dài hạn và Kế hoạch 5 năm 1996-2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL, do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 9-2-1996, thật sự đã tạo ra "cuộc cách mạng về cơ sở hạ tầng" cho vùng ĐBSCL. Từ những ý tưởng "né lũ, nắn lũ" và cuối cùng đi đến "chung sống với lũ". Theo quyết định 99/TTg, hàng chục ngàn tỉ đồng được đầu tư vào cơ sở hạ tầng: đường, điện, trạm, trường, đê bao... đã giúp người dân miền châu thổ cuối dòng Mekong sống chung, hòa thuận với lũ.
Chuẩn bị "sống chung với mặn"
Một thời không ít người nhìn nước lũ ở ĐBSCL là một dạng thiên tai. Sau đó, mới nhìn nhận nó là tài nguyên nếu biết cách chung sống và khai thác. Giờ đến chuyện nước mặn. Nhiều người cũng chuyển suy nghĩ: nước mặn từ "tai họa" thành tài nguyên để khai thác.
Trong 5 năm trở lại đây, câu chuyện nước lũ như "thời xa vắng" và thay vào đó là sự xuất hiện hạn - mặn nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng trăm ngàn héc - ta lúa và hoa màu, đặt hàng triệu người dân vào cảnh thiếu nước ngọt. Đỉnh điểm là trận hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2016, gây thiệt hại sản xuất cho hàng triệu người dân ĐBSCL. Đây cũng là lúc các nhà khoa học, chính quyền địa phương lên tiếng cảnh báo.
Cuối tháng 9-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và đã có ý kiến chỉ đạo tại hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ. Đây được xem là "Hội nghị Diên Hồng" để hiến kế cho vùng đất cuối dòng Mekong. Các ý kiến nổi lên là: gỡ bỏ "ngôi vua" của cây lúa, chuyển từ cải tạo, đối phó với thiên nhiên sang thích ứng... là những tư duy đột phá.
Gần hai tháng sau hội nghị này, ngày 17-11-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Quyết định này được xem là "cuộc cách mạng lần thứ hai" để thực thi các biện pháp an sinh cấp bách đối với người dân ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Theo đó, Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đưa các giải pháp tổng thể. Cụ thể, về tổ chức không gian lãnh thổ, hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng (vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, nước mặn...).
Một thời không ít người nhìn nước lũ ở ĐBSCL là một dạng thiên tai. Sau đó, mới nhìn nhận nó là tài nguyên nếu biết cách chung sống và khai thác. Giờ đến chuyện nước mặn. Nhiều người cũng chuyển suy nghĩ: nước mặn từ "tai họa" thành tài nguyên để khai thác. Trong câu chuyện này người dân bán đảo Cà Mau đã đi trước chính quyền gần 20 năm trước. Cụ thể là họ đã phá đập để nước mặn tràn vào nuôi tôm (bỏ trồng lúa). Chính phủ "phải họp khẩn" để xem xét tình hình, cuối cùng khát vọng làm giàu của người dân vùng bán đảo Cà Mau từ con tôm đã được ghi nhận. Và nước mặn là "tài sản" quý giá của nhiều người nuôi tôm ven biển. Tất nhiên là các chính sách tín dụng, đầu tư hoán cải hệ thống thủy lợi từ trồng lúa sang nuôi thủy sản cũng đi theo và từng bước phát huy hiệu quả.
Một số nhà khoa học cho rằng, không nên nói lúa bị nhiễm mặn mùa khô hạn. Vì thực tế, chính chúng ta đã lựa chọn: đem cây lúa trồng ở vùng phèn mặn. Nhận diện đúng bản chất vấn đề trong bối cảnh biến đổi khí hậu là dữ liệu quan trọng để giúp nông dân chuyển đổi sinh kế một cách bền vững.
Có dịp gặp, nhắc lại chuyện "con cua đồng gặp cua biển", ông Nguyễn Văn Đồng (Chín Đồng), giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang chỉ cười. Trong gần 2 năm qua, ông Chín Đồng đã nhiều lần lặn lội trở lại vùng đất mà khi xưa ông đã tham gia đào kênh dẫn ngọt. Chỉ có điều là để giúp người dân ở đây nuôi tôm + trồng lúa. Khoảng 4.000ha đất, bãi bồi ngoài đê bao ở huyện Long Mỹ đang được định hình chuyển đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể đã có gần 100 nông dân đã sản xuất theo mô hình 1 lúa + 1 tôm. Kết quả bước đầu từ 50 ha sản xuất theo mô hình này cho thu nhập 100 triệu đồng/ha (cao hơn nhiều lần so với trồng lúa). Đây là lần đầu tiên, nông dân huyện Long Mỹ tận dụng nước mặn để nuôi tôm. Giờ chắc hẳn ông Chín Đồng cũng không lo lắng lắm nếu "con cua đồng gặp cua biển".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận