27/08/2019 12:00 GMT+7

'Tự sát' hay 'liều chết'?

NGUYỄN VĂN HÙNG
NGUYỄN VĂN HÙNG

TTO - Trong tình trạng ngành truyền thông 'trăm hoa đua nở', đã xuất hiện không ít bài viết, chương trình phát thanh truyền hình có 'sạn' về ngôn ngữ, sai chuẩn tiếng Việt.

Tự sát hay liều chết? - Ảnh 1.

Cuối tháng 7 vừa qua, một bài viết phản ánh cơn sốt bất động sản ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) trên báo mạng có chú thích ảnh "hiên ngang san lấp mặt bằng, chia lô bán nền".

Thực ra trường hợp này phải dùng từ "ngang nhiên" mới đúng. Tuy nghe qua thì nhang nhác nhau nhưng theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng (NXB Giáo Dục), "hiên ngang" là: đàng hoàng, tự tin, không chịu khuất phục trước nguy nan, trước sự đe dọa, như "hiên ngang trước quân thù".

Trong khi đó, "ngang nhiên": tỏ ra không sợ quyền lực nào, bất chấp mọi sự phản đối, cứ làm theo ý mình, như "ngang nhiên xé bỏ hiệp định", "ngang nhiên cướp bóc giữa ban ngày".

Nói cách khác, tuy cùng thể hiện thái độ bất chấp khó khăn, thách thức nhưng "hiên ngang" mang tính tích cực, ca ngợi; còn "ngang nhiên" mang tính tiêu cực, phê phán, nên không thể lẫn lộn được.

Trong dịp cận tết gần đây, đứng giữa vườn đào Nhật Tân ở Hà Nội, thay vì nói "mua đào về trưng ngày tết" hoặc "về chơi tết", một nữ phóng viên truyền hình "tả" ẩu: nhiều người dân đến tận vườn mua cành đào về "để diện tết chơi xuân"!

Trong tiếng Việt, từ "diện" chỉ sử dụng phản ảnh chuyện ăn mặc, thời trang như "diện bộ vét mới", "diện như cô dâu chú rể", "trưng diện quá nhiều vàng trang sức"... chứ không bao giờ dùng như trường hợp nói trên.

Cũng trên đài truyền hình nọ, ca ngợi những "cổ thụ" làm nên rừng Mã Đà (Đồng Nai), mới đây một biên tập viên lại phát ngôn nhầm thành do "những cánh rừng già cỗi", trong khi "già cỗi" vốn biểu hiện sự lụi tàn, cạn sức sống.

Tai hại hơn, biên tập viên bản tin y tế nhà đài trên nói rằng nguyên nhân một thiếu niên mắc bệnh lạ là di truyền... "từ ông bác họ" thay vì lẽ ra "di truyền trong dòng họ như trường hợp ông bác họ"!

Sự "lỡ miệng chết người" ấy làm nhiều khán giả sửng sốt: "Chả lẽ muốn nói mẹ cháu bé ngoại tình với ông bác họ?".

Điều đáng nói là lỗi dùng sai từ không chỉ bắt gặp nhiều trên tivi vốn là loại hình báo chí đi liền với cách thể hiện "tức thời của giới người đẹp", thu phát trực tiếp tại hiện trường hay trường quay, mà cũng có không ít trên các báo in, thậm chí đến độ "đã thành tật".

Những năm gần đây, khi đưa tin các phần tử Hồi giáo cực đoan như IS gây ra những vụ đánh bom khủng bố, thay vì dùng từ "liều chết", nhiều nhà báo cứ viết (nói) "tự sát".

Thực tế, theo từ điển tiếng Việt thì "liều chết" thể hiện người nào đó sẵn sàng, chủ động chết để đạt mục đích gì đó, như nhằm giết người khác. Còn "tự sát" là tự giết chết chính mình một cách có chủ định, thường bằng khí giới.

Rõ ràng đây là hai từ có ý nghĩa khác nhau, "tự sát" biểu thị việc tiêu cực, đáng phê phán, chê trách; còn "liều chết" thì trung tính hơn, đôi khi một số trường hợp cụ thể cũng thể hiện ý nghĩa tích cực, ca ngợi như "liều chết đánh bom cảm tử", "liều chết để giết địch trả thù cho đồng bào"...

Gần đây báo chí đồng loạt thông tin TP.HCM phá vụ án tàng trữ cả nghìn vũ khí, hung khí (dao, kiếm, mã tấu…) tự chế. Thực ra, cơ quan chức năng đã khẳng định những vũ khí, hung khí đó can phạm nhập trái phép từ Trung Quốc vào thì đâu thể nói là “tự chế”, theo từ điển là họ tự làm ra?

Tất nhiên, dùng từ sai kiểu này bắt đầu từ cơ quan điều tra… nhưng báo chí không thể “bê nguyên” cái sai ấy vào tác phẩm của mình.

Tiếng nước tôi: Tiếng nước tôi: 'TAM KHOA' là cái chi chi?

TTO - Tuần rồi có chị bạn đồng môn, hiện là giảng viên Trường đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), gửi cho tôi một bài báo có tựa 'Thủ khoa, tam khoa khối B là đôi bạn rất thân' và nhận xét: Sao giống trong phim 'Thằng Bờm' quá!

NGUYỄN VĂN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên