21/08/2012 11:06 GMT+7

Tư pháp nói "không", công an nói "nên"

TS Lê Hồng Sơn (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp)
TS Lê Hồng Sơn (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp)

TT - Xung quanh vấn đề chứng minh nhân dân (CMND) ghi tên cha mẹ, chiều 20-8, TS Lê Hồng Sơn - cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - đã gửi cho Tuổi Trẻ bài viết cho rằng cần xem lại quy định này.

Tuổi Trẻ cũng đã trao đổi với thiếu tướng Trần Văn Vệ - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), ông cho rằng đưa tên cha mẹ vào CMND là thuận lợi cho công dân.

PBbVBFps.jpgPhóng to
Ông Trần Văn Vệ - Ảnh: M.Q.

Phảng phất tư duy “chủ nghĩa lý lịch”

YbWbrMAy.jpgPhóng to
Ông Lê Hồng Sơn - Ảnh: K.H.
Nghị định số 170/2007/NĐ-CP của Chính phủ (nghị định 170) là để sửa đổi, bổ sung nghị định số 05/1999/NĐ-CP về CMND. Tôi cho rằng một vài nội dung của nghị định 170 chưa hoàn toàn bảo đảm cả về tính hợp pháp lẫn về tính hợp lý.

Thứ nhất, về tính hợp pháp. Dư luận xã hội và ý kiến của nhiều chuyên gia đã phân tích xác đáng và cá nhân tôi cũng đồng tình rằng việc đưa thông tin về cha, mẹ của một người vào CMND là không phù hợp với các quy định về bảo vệ quyền trẻ em trong Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết. Điều 16 công ước này viết: “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em”. Khoản 2 điều 759 Bộ luật dân sự quy định rõ: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của bộ luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. Như vậy, việc ban hành quy định liên quan đến trẻ em cũng phải tuân thủ Công ước về quyền trẻ em.

Các ý kiến cũng cho rằng theo quy định tại điều 38 Bộ luật dân sự 2005 về quyền bí mật đời tư thì người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha và nếu thủ tục hành chính yêu cầu ghi tên cha, mẹ đứa bé thì sẽ xâm phạm quyền này. Cũng có ý kiến khác nêu thực tế hiện nay có một số trường hợp “nhạy cảm” mà việc bắt buộc phải ghi (hoặc để trống) tên cha, mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người có CMND.

Theo các ý kiến phân tích, phản biện nêu trên, tôi cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần phải cân nhắc kỹ để xem xét bỏ quy định đưa “...họ và tên cha; họ và tên mẹ...” vào CMND.

Thứ hai, về tính hợp lý. Khi thực hiện quy định đưa họ tên cha, họ tên mẹ vào CMND của một công dân, tôi thấy nhiều trường hợp tạo ra sự “nhạy cảm, phiền toái” cho công dân, như trường hợp do hoàn cảnh đặc biệt mà khi công dân ra đời việc xác định họ tên cha và họ tên mẹ là không thể như thụ tinh trong ống nghiệm, bà mẹ đơn thân nuôi con một mình...

Đặc biệt, có ý kiến cho rằng việc đưa họ tên cha, mẹ của một công dân vào CMND để đáp ứng mục đích phân biệt một cách chính xác về nhân thân của người đó, để giúp việc truy tìm, phân loại... Ý kiến này lại càng thể hiện sự bất cập trong tư duy. Có thể việc này tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, nhưng hình như người ta chưa tính đến những tác dụng ngược. Có những công dân có được may mắn là bố hoặc mẹ làm “ông to, bà lớn” thì đưa những thông tin này là quá “có lợi” cho họ khi tiếp xúc, giải quyết các vụ việc cụ thể hoặc để họ lạm dụng làm oai, làm phách, có khi trưng ra để “dọa dẫm” cơ quan, người có thẩm quyền thi hành công vụ. Hoặc cá biệt, cũng có trường hợp bố hoặc mẹ không may vướng vào “chuyện nọ, chuyện kia”, ít nhiều làm ảnh hưởng đến con cái. Ở đây tôi thấy còn phảng phất tư duy của “chủ nghĩa lý lịch”, “con vua, con sãi” hoặc quan niệm “cha ăn mặn, con khát nước” rất không có lợi trong bối cảnh hiện nay.

Như vậy, việc trình Chính phủ ban hành một nghị định mới thay thế nghị định số 05/1999/NĐ-CP và nghị định 170 là hết sức cần thiết.

Thuận lợi cho công dân

Việc ghi tên cha, mẹ vào CMND ở nước ngoài cũng đã thực hiện chứ không riêng gì ở Việt Nam. Nghị định 170 đã quy định nội dung này. Theo quy trình, Bộ Công an soạn thảo xin ý kiến công an các tỉnh thành, các bộ ban ngành, sau đó tập hợp lại trình Bộ Tư pháp thẩm định. Sau khi thẩm định, Bộ Tư pháp trình Chính phủ và Chính phủ lấy ý kiến các thành viên. Khi các thành viên Chính phủ đồng ý thì văn bản này mới được ban hành. Chúng tôi đã làm đúng trình tự văn bản quy phạm pháp luật. Bây giờ muốn sửa đổi phải xin ý kiến của các thành viên Chính phủ để sửa nghị định chứ không phải Bộ Công an có thể làm được.

Tôi cho rằng ở đây không có chuyện vi phạm quyền con người. Việc đưa tên cha mẹ vào CMND mới là để tốt nhất cho dân, thuận tiện trong việc giao dịch, đỡ phiền hà trong nhiều hoạt động như thuế, ngân hàng, học hành... Khi người dân cần thực hiện các hoạt động này, cần có chứng nhận về nhân thân sẽ không cần thiết phải phiền hà đến cơ quan chức năng. Khi thực hiện cấp CMND mới, thông tư của Bộ Công an cũng có những quy định về việc một số trường hợp sẽ không ghi tên cha mẹ. Đó là những trường hợp con ngoài giá thú, thụ tinh trong ống nghiệm, con nuôi hay các trường hợp đặc biệt khác. Như vậy sẽ đảm bảo được những bí mật cần thiết cho công dân.

Ngoài ra, việc thay đổi số CMND từ 9 số sang 12 số là chúng tôi thực hiện đón đầu của hoạt động chính phủ điện tử. Chính phủ đang giao Bộ Công an thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân. Do đó, khi ai sinh ra đến 14 tuổi, đủ tuổi làm CMND sẽ được cấp một số CMND chính là mã số công dân và sẽ gắn với người đó suốt đời, trong mọi hoạt động của người này.

Không chỉ với người dân, việc cấp CMND theo mẫu mới còn mang lại lợi ích lớn cho quản lý xã hội. Ví dụ như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, BHXH, các ngành có thể lấy được một số thông tin trên CMND để phục vụ hoạt động của ngành.

Tháng 9-2012 chúng tôi sẽ triển khai thí điểm tại ba quận huyện của Hà Nội. Toàn bộ dự án kinh phí Chính phủ cấp cho 24 triệu thẻ là 400 tỉ đồng nhưng nay do trượt giá nên chúng tôi phải xin bổ sung. Trong toàn quốc thì còn phụ thuộc vào kinh phí, nếu có đầy đủ kinh phí phải thực hiện trong 5-10 năm mới hoàn thành vì gồm cả cấp mới, cấp đổi cho công dân.

TS Lê Hồng Sơn (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên