Nguyễn Thùy Vân cùng mẹ bán chả cá và trái cây ở mái hiên của một chủ nhà tốt bụng trên đường Ngô Quyền (P.6, Đà Lạt) - Ảnh: M.VINH
Nhà kho ấy là "nhà" của cả gia đình 5 người lớn bé.
Trong 10 năm kể từ khi rời Bà Rịa - Vũng Tàu đến Đà Lạt kiếm sống, đây là lần thứ 2 liên tiếp gia đình Nguyễn Thùy Vân thuê kho làm nhà.
Quày quả gánh hàng từ ngoài chợ về, nghe tiếng con khóc, bà Dương Thị Thọ (58 tuổi, mẹ Vân) hiểu chuyện.
Bà Thọ ôn tồn và quả quyết: "Đi học đi con, muốn thoát nghèo khó thì phải ra khỏi cái nhà quá nghèo này trước. Lo cho thân mình được mới lo được cho cha mẹ".
Đi học đi con, muốn thoát nghèo khó thì phải ra khỏi cái nhà quá nghèo này trước
Bà DƯƠNG THỊ THỌ
Chuyến đi đầu đời
Vân quệt vội nước mắt rồi hai mẹ con sắp xếp hành lý cho hành trình mới của Vân.
Cha Vân, ông Nguyễn Văn Miền (62 tuổi), run run chống gậy mang từ nhà dưới lên một cái thau nhựa đã bạc màu.
Ông bảo: "Con cuộn cái mền, cái chiếu bỏ vô thau, mang vô ký túc xá dùng, đỡ được tiền mua sắm. Sài Gòn đắt đỏ con à".
Ông Miền bị thoái hóa đốt sống, hoại tử khớp xương, không có tiền điều trị nên bệnh mỗi lúc mỗi nặng. Ngoài 60 tuổi nhưng lưng ông đã còng xuống, mỗi bước đi phải chống gậy.
Cả nhà lặng lẽ tìm những món đồ cũ nhưng còn dùng được để Vân mang đi nhập học. Hành lý của Vân là một khối cũ kỹ.
Bà Thọ ái ngại nhìn con, Vân nhìn mẹ: "Không sao hết mẹ, bớt được đồng nào hay đồng đó. Dành dụm rồi còn nộp học phí học kỳ 2".
Giữa đêm, Vân đi nhập học trên chuyến xe tốc hành, loại xe rẻ tiền mà khách du lịch không bao giờ dám đi. Đi cùng Vân là mẹ và chị gái. Họ đi khám bệnh, cả hai người đều mắc những chứng bệnh khó chữa, còn Vân đi nhập học.
"Mẹ an ủi Vân sẽ không sao cả, sẽ sớm quen, sẽ có việc làm thêm, sẽ có tiền, sẽ không bỏ học... Còn Vân cứ nắm tay mẹ không biết nói gì, chỉ mong mẹ sẽ khỏe. Mẹ mình bị nhiều bệnh nặng nên mắt cũng mờ dần rồi" - Vân nói.
Vân là một trong những tân sinh viên đầu tiên báo Tuổi Trẻ nhận được thư xin cấp học bổng.
Gia đình Vân là một trong những gia đình khó khăn ở Đà Lạt. Cha Vân vì đau ốm từ khi còn trẻ nên khi qua tuổi 50 đã mắc nhiều bệnh và không thể lao động.
Ông Miền cố phụ giúp gia đình bằng rổ bánh tiêu rao bán mỗi ngày trước chùa Linh Quang (P.6, TP Đà Lạt). Tiền ông kiếm được chưa nói thuốc men mà ngay cả một bữa ăn cho gia đình cũng không đủ.
Mẹ Vân dẫu chống chọi với những căn bệnh nan y nhưng còn đi lại được nên trở thành lao động chính trong nhà. Bà Thọ xin một chủ nhà tốt bụng đặt cái bếp nhỏ ở hiên nhà để bán chả cá chiên.
"Ngày mà bà ấy bán nhiều nhất chắc khoảng 150.000 đồng, tính cả vốn lẫn lãi, lãi khoảng 30.000 đồng. Lời lãi không nhiều nhưng ốm yếu như bà Thọ thì muốn làm việc khác cũng không được.
Làm không ra tiền mà phải lo thân đau ốm, chồng bệnh, cô con gái đầu cũng bệnh nặng, cưu mang thêm đứa cháu ngoại không cha, giờ gồng gánh nuôi thêm cô con út vào đại học.
Mong là nó vô đó có việc làm liền chứ mẹ không nuôi nổi rồi" - ông Nguyễn Ngọc Hòa, người cho bà Thọ trú nhờ để bán chả cá, chia sẻ.
Nhịn uống thuốc cho con đi học
8 tuổi, Thùy Vân theo cha mẹ rời quê đến Đà Lạt tìm cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo vì nghe ở đó đất tốt, làm nông dễ. Cả nhà Vân tá túc tại một nhà kho thuê để cha mẹ đi làm thuê làm mướn.
Chưa kịp thoát khỏi nhà kho để tìm một căn nhà đúng nghĩa thì bệnh tật ập đến. Từ nghèo, gia đình Vân đi tới cảnh kiệt quệ.
Từ chỗ đi làm mướn, cả cha mẹ Vân bị dạt ra lề đường mưu sinh. Và cũng từ đó Vân đến trường bằng học bổng, chi tiêu bằng tiền trợ cấp hộ nghèo và sự san sẻ của nhà hảo tâm.
Sau giờ học, Vân gắng sức phụ cha mang rổ bánh tiêu đi xa hơn cổng chùa để bán và phụ mẹ chiên chả cá nhưng cũng không đủ cho cả gia đình đau ốm sống qua ngày tằn tiện.
"Mỗi khi đi học về, mình đi qua cổng chùa Linh Quang thấy cảnh cha lọm khọm bán bánh ở lề đường mà buồn lắm. Mình cứ nghĩ phải chi người đang gánh những cực nhọc đó là mình.
Cảm giác mình vô dụng nhưng không biết làm sao, muốn bỏ học đi làm mà sợ không có nghề nghiệp như cha mẹ, không những không phụ được mà còn trở thành gánh nặng.
Đầu mùa hè vừa qua, mình đã đến xin làm việc tại một quán cà phê, mục đích kiếm thêm giúp đỡ gia đình, nhưng có lẽ với vóc dáng nhỏ bé yếu ớt của mình, chủ quán đã không tiếp nhận.
Nhiều lần mình suy nghĩ mình có nên học đại học hay không? Nếu đi học thì có đủ điều kiện hay không? Đến gần ngày nhập học mình càng khó nghĩ" - Vân kể.
Mẹ Vân năm lần mười lượt bắt con phải đi học. Vân nói: "Con không có tiền, mẹ cũng không có tiền mà mẹ". Bà Thọ quay mặt đi, bỏ lại sau lưng một lời nói dứt khoát như ra lệnh: "Mẹ có tiền. Mẹ để dành cho con lâu lắm rồi".
Bà Thọ biết với sức học của một học sinh trường chuyên, lại 12 năm đều là học sinh giỏi thì cánh cửa đại học không quá khó với Vân. Nhưng dành dụm cho ngày Vân đi học xa thì bà không đủ sức.
Tiền bạc lần lượt đi theo những cơn bệnh của vợ chồng bà và cô con gái lớn cùng những tai ương.
Chuyện con đi học cần hơn
"Tiền nhà hảo tâm cho để mổ chữa bệnh tôi lấy cho nó đi học. Việc đó cần hơn, tôi cũng lớn tuổi rồi" - bà Thọ nói.
Bà cần tương lai cho con mình hơn bởi đã từ lâu bà không thiết tha thân mình còm cõi bệnh tật. Viêm gan, tiểu đường, bướu cổ hành hạ bà mỗi ngày và biến chứng khiến đôi mắt bà yếu dần nhưng bà vẫn mặc kệ: "Chuyện nó đi học cần hơn mà".
Đến khi nhập học xong Vân mới biết chuyện mẹ lấy tiền chữa bệnh để Vân nhập học. Vân xúc động ngẩn ngơ và ánh mắt ánh lên sự lo âu, hốt hoảng.
"Khi có thời khóa biểu mình sẽ đi tìm việc ngay. Mình kiếm tiền bù lại để mẹ chữa bệnh. Mẹ mình không ổn đâu" - Vân khóc nghẹn giữa ký túc xá vắng lặng trong những ngày đầu nhập học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận