03/02/2014 07:30 GMT+7

Từ một tuổi thơ rất xanh

ĐỖ VĂN THIỆN
ĐỖ VĂN THIỆN

TTXuân - Với tôi, thật thú vị khi những hoạt động môi trường tôi tham gia, những dự án môi trường tôi thực hiện được khơi gợi từ một tuổi thơ rất xanh.

IvPYJaCX.jpg
Đỗ Văn Thiện

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê hẻo lánh của huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, xa cách với Sài Gòn nhộn nhịp. Tôi vẫn thường nửa đùa nửa thật với chúng bạn ở Sài thành: “Tuổi thơ của tao dữ dội lắm!”.

Nếu một ngày không có mẹ

Chúng tôi không có diều cá mập, diều bướm hay diều rồng như trẻ con Sài Gòn, thay vào đó là những con diều giấy làm từ giấy tập cũ, giấy báo, giấy gói bánh mì... Những ngày Trung thu, xóm tôi rộn rã. Không phải vì tiếng tò tí te hay tiếng hát từ những chiếc lồng đèn điện tử, mà là tiếng “xe lon”. Tôi nhắm mắt lại là nhớ đến những “đoàn quân xe lon” sáng rực đèn cầy cả một xóm nhỏ với đủ các loại “hoa đèn” mà chúng tôi phải bỏ cả ngày đục đẽo những chiếc lon sữa bò - đồ phế liệu chúng tôi năn nỉ xin được từ các quán giải khát.

Những ngày lễ Phật giáo, mẹ hay khuyên hai anh em tôi phóng sinh chim cá chúng tôi nuôi. Tôi vẫy vùng không chịu vì đó là “chiến tích” đáng tự hào, là niềm vui sau giờ tan lớp. Rồi một đêm nọ, mẹ dạy anh em tôi về ý nghĩa của gia đình. Mẹ hỏi: “Nếu ngày nào đó con thức dậy và không thấy mẹ nữa, con sẽ làm sao?”. Đứa em trai của tôi vừa lên 10 tuổi nhanh nhảu: “Con đi tìm mẹ như Tiểu Long Nhân tìm mẹ bạn ấy vậy!”. Câu hỏi của mẹ và câu trả lời của em khiến tôi đau đớn nhớ lại sự kiện một năm trước đó - năm 2001: một buổi sáng thức dậy anh em tôi đã không còn được nhìn thấy ba. Một chiếc xe quái ác đã cướp ba tôi đi mãi chẳng về. Tôi lại chột dạ nghĩ về câu hỏi của mẹ và câu trả lời của em tôi. Sự thật thì Tiểu Long Nhân chẳng thể tìm thấy mẹ, và nỗi lo sợ không tên lại hiện lên rõ mồn một trong đầu khiến đứa trẻ như tôi lạnh cả gáy.

Tôi hiểu ý mẹ. Tôi liên tưởng đâu đó xung quanh nhà tôi, nơi có cái tổ chim nho nhỏ ấm áp, những chú chim con vẫn đang chờ ba, chờ mẹ trở về. Còn ba mẹ chúng thì đang xù lông chịu lạnh trong cái lồng tre tôi treo ở góc nhà. Ai sẽ cho lũ chim con ăn? Ai chăm nom khi chúng ốm? Sáng hôm sau, tôi lẳng lặng mang lồng chim ra sau vườn, mở cửa lồng, trả tự do cho hai con chim. Đứa trẻ như tôi đã tiếc đứt ruột khi nghe mấy con chim bên nhà chúng bạn hàng xóm hót rôm rả. Nhưng cảm giác trả tự do cho những con chim nhỏ cũng thật tuyệt vời!

Bay xa nữa nhé, những giấc mơ xanh!

Tháng 9-2009, tôi xách balô về Sài Gòn học đại học - nơi có đèn trung thu điện tử, diều vải, hồ cá cảnh hiện đại, lồng chim kim loại vững chắc… Những câu chuyện tuổi thơ vẫn là hành trang tôi thường kể lại với giọng điệu đầy tự hào cho lũ trẻ mà tôi dạy thêm ở Sài Gòn. Tháng 6-2013, tôi tham gia hoạt động môi trường, nghe có vẻ không liên quan nhưng thú thật tôi đã chán với những bài tuyên truyền môi trường khô cứng.

Tôi chán với việc người lớn yêu cầu lũ trẻ không xả rác, mà không nói cho chúng biết phải làm gì với phế thải xung quanh. Hay cấm trẻ con không được bắt chim, bắt cá mà không kể cho chúng biết những giá trị thiêng liêng cao quý về gia đình đằng sau đó. Và cũng thật vô vị khi chỉ dạy trẻ em trồng cây bằng những thước phim, bằng những quyển sách, hay yêu cầu trẻ không bẻ lá bẻ cành mà không để chúng tự trồng, tự chăm sóc, tự nâng niu và yêu quý.

Tôi quyết định chọn một phần tuổi thơ của tôi với những món đồ chơi tái chế hay những câu chuyện xúc động về gia đình để gửi vào dự án “Sách giáo dục trẻ em quản lý và xử lý rác thải”. Sản phẩm đầu tiên của dự án là cuốn sách Giải cứu hành tinh Xanh. Quyển sách ra đời với nhân vật chính là “cậu bé Lu” - cũng là hình ảnh tôi khi còn nhỏ. Cậu bé đã dũng cảm giải cứu hành tinh Xanh khỏi tay lão chuột Mốc khổng lồ và đồng bọn, trả lại cuộc sống bình yên, tươi đẹp cho gia đình của ếch Leo.

Từ cuốn sách ấy, tôi mong trẻ em biết chế đồ chơi, đồ dùng học tập từ những thứ mà chúng từng bỏ đi như cái chai, cái lọ, tờ giấy báo hay chỉ cái lon. Tôi muốn trẻ em có thể tự trồng được một cái cây, chăm sóc cây để từ đó biết quý hàng triệu triệu cây xung quanh chúng. Tôi mong trẻ em biết yêu ba mẹ chúng hơn, yêu sự đoàn tụ hơn, và vì thế đừng bắt chim, bắt cá bỏ lồng.

Vài đứa trẻ xin tôi bản thảo sách để về “dụng võ”. Và cũng có giáo viên, sinh viên hỏi mượn sách về dạy cho học trò. Niềm hạnh phúc ngày tôi thả hai con chim về tổ lại ùa về, giản đơn đến lạ. Tôi đã kể lại những câu chuyện mà tôi đi, nghe, thấy và gửi gắm công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường tới trẻ em, thanh thiếu niên… Chỉ mong ước sẽ ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia hành trình xanh để những bức tranh môi trường Việt Nam sẽ có thêm nhiều mảng màu tươi sáng.

Sau những chuyến thăm một số nước phát triển như Nhật, Đức, Thái Lan; sau những công trình nghiên cứu khoa học về chính sách kinh tế ngành năng lượng sạch và môi trường, tôi đang không ngừng mơ ước về ngày những cánh quạt gió khổng lồ mang năng lượng sạch sẽ xuất hiện dọc theo chiều dài đất nước hình chữ S yêu thương.

Đỗ Văn Thiện, 23 tuổi, cử nhân khoa quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV TP.HCM, là tác giả dự án môi trường “Sách giáo dục trẻ em quản lý và xử lý rác thải” với sản phẩm ban đầu là cuốn sách Giải cứu hành tinh Xanh với nhiều thông điệp môi trường và hướng dẫn phân loại, xử lý rác.

Thiện từng tham gia chương trình hợp tác công nghiệp xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN tại Thái Lan - Campuchia, kiến tập tại cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan vào tháng 1-2013, tham gia chương trình giao lưu thanh niên Nhật Bản - ASEAN tại Nhật Bản tháng 6-2013… Giữa tháng 1-2014, Thiện sẽ tham gia chương trình học bổng 2 tuần khóa học An ninh con người và khoa học năng lượng tại Kyoto, Nhật Bản.

ĐỖ VĂN THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên