21/06/2005 00:37 GMT+7

Tư liệu mật về đặc công Rừng Sác

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

TT - Tháng 7-1967, đạo diễn điện ảnh Hà Lan Joris Ivens có tặng điện ảnh VN một số máy quay phim chạy dây cót hiệu Paillard Bolex 16mm. Nhà báo kỳ cựu Đỗ Trọng Hội được nhận một máy để quay Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn Miền lần 2.

pGfqmtLn.jpgPhóng to

Những bức ảnh về đặc công Rừng Sác này đã đi vào lịch sử qua cách tác nghiệp dũng cảm của tác giả Văn Sáu - một người thuộc lực lượng nhiếp ảnh của đặc công xưa. Hiện nay toàn bộ số ảnh đặc công trưng bày ở Rừng Sác Cần Giờ là của duy nhất mình ông chụp được

TT - Tháng 7-1967, đạo diễn điện ảnh Hà Lan Joris Ivens có tặng điện ảnh VN một số máy quay phim chạy dây cót hiệu Paillard Bolex 16mm. Nhà báo kỳ cựu Đỗ Trọng Hội được nhận một máy để quay Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn Miền lần 2.

Sau đó chiếc máy này trở thành “quyển nhật ký” sinh động cho ra đời những thước phim độc nhất vô nhị về một lực lượng đặc biệt của quân giải phóng ngay sát nách Sài Gòn: đặc công Rừng Sác!

Hai trăm bảy mươi ngày với Rừng Sác

Sau đại hội anh hùng, Đỗ Trọng Hội tháp tùng cùng ông Lương Văn Nho (Hai Nhã, phụ trách tham mưu Miền) về chiến khu Rừng Sác. Mọi người gom hết số lượng phim “nê” còn lại sau đại hội giao cho Đỗ Trọng Hội.

Giải thích lý do tại sao lại chọn Rừng Sác Cần Giờ, một nơi mà chỉ mới nghe người ta đã rùng mình huống chi là đối với một chàng trai Hà Nội 29 tuổi đời. Ông Hội, bây giờ đã là ông cụ gần 70 tuổi, nói không do dự về ý đồ của mình: “Thời ấy, Rừng Sác có một sức thu hút quá đặc biệt với tôi, bởi nó là địa bàn mà mọi người chỉ được nghe qua như một huyền thoại, tôi tin rằng nơi đây sẽ có được những tư liệu sinh động về cuộc chiến ngay sát bên cạnh Sài Gòn - thủ phủ của Việt Nam cộng hòa!”.

“Vậy là ôm máy quay tìm đường về Rừng Sác Cần Giờ. Những ngày đầu tiên là những ngày đeo bám theo lực lượng bộ đội ra sông Lòng Tàu quay cảnh đánh tàu Mỹ. Nhưng đó là những trận đánh không thành mà lần nào đi đạn bắn cũng rát cả mặt. Anh Hai Nhã đề nghị lập riêng một tổ bảo vệ phóng viên nằm ở bờ sông phía khác cho đỡ nguy hiểm hơn, tôi lắc đầu: Làm như vậy khác nào mình cản đường rút lui của anh em, giả sử họ đánh tàu xong cứ nấn ná chờ mà không rút được thì sao!

Có lần anh em tổ chức đưa trái nổ nặng hàng tấn thả xuống sông để canh đánh tàu. Trái nổ thả lơ lửng trên sông, mình thì leo lên một ngọn cây đước để chờ quay cảnh tàu nổ. Có tới mấy người bên dưới giữ cây đước để nó đừng lung lay mạnh. Chiếc tàu mặt dựng từ từ chạy qua mà trái nổ thì không nổ, nó bắn đạn bay vèo vèo, anh em cứ ghìm cái cây, mình thì phải ngồi thu lu trên đó, khung hình chỉ thu được chiếc tàu lừng lững đi qua…”. Những ký ức đầu tiên về Rừng Sác là như vậy trong mắt phóng viên chiến trường Đỗ Trọng Hội.

“Con người, cuộc sống ở đây cái gì cũng kỳ dị đối với tôi. Có lần một anh đi trinh sát, phải bơi qua sông Lòng Tàu xem có địch không để phát tín hiệu cho tàu chở vũ khí qua bờ bên kia. Bất thình lình anh phát hiện địch đang thả tàu nằm phục. Phải quay về ngay để báo động. Về tới giữa sông anh gặp cá sấu. Phải dùng dao găm đâm vào miệng sấu và vật lộn thật lâu với nó mới về được bờ bên này. Thuyền chở vũ khí của ta được an toàn.

Đơn vị đề nghị tuyên dương người lính này, tôi chưa kịp quay hình thì anh lại mất trong một lần rửa súng bị cướp cò. Lần khác, tôi ghi lại được câu chuyện xúc động của một anh trong một trận đánh địch bị lạc đội hình 20 ngày sau mới tìm về đơn vị được... Rồi thì tôi cũng quay được trận đánh tàu. Đó là lần tôi ngồi trước một bụi cây trống và lia máy chực theo một chiếc tàu. Anh em nổ súng, nó bốc lên từng bực khói kéo dài trên sông Lòng Tranh.

Quá đẹp, quá tuyệt vời nhưng bỗng dưng tôi nghe lóe cả mặt lên, không còn thấy gì cả, rồi máu ấm ấm chảy dài xuống miệng. Bị thương rồi, không thấy đường đâu cả, chỉ ôm máy mà chạy quàng. Người chiến sĩ bảo vệ chạy đâu không thấy. Đang quờ quạng thì anh ấy quay lại bảo: “Anh cứ bám em, em chạy tới đâu anh chạy tới đó nghen!”.

Nước cứ mập mờ, bùn ngập tới ống chân. Bác sĩ mở ngay một điểm “phẫu tiền phương” cách nơi đánh trận chừng hơn ngàn mét. Chiếc máy quay phim dính đầy máu, may mà phim không bị ảnh hưởng gì…”.

Chín tháng ăn nằm sinh hoạt với đặc công Cần Giờ, chính ủy trung đoàn đặc công đại tá Lê Bá Ước hết cử anh em bảo vệ bám sát rồi lại đích thân xuống xuồng chở Hội đi tác nghiệp. Ngoài mọi thứ, còn một lý do mà không nói ra nhưng ai cũng biết: chỉ cần một chút sơ suất, 12 hộp phim mà Hội quay được với chiều dài hơn 4.500m lọt vào tay địch thì đó là một mối nguy chưa ai lường hết được đối với Rừng Sác Cần Giờ… Những thước phim tư liệu sau này, cảnh đánh tàu, cảnh chuẩn bị đánh kho xăng Nhà Bè... được đưa vào các phim Đường ra phía trước, Chiến thắng xuân - hè 1969...

Đối với nhà báo Đỗ Trọng Hội: “Dù sau này có hàng loạt trận đánh tôi tham gia, từ trận Bông Trang Nhà Đỏ cho tới những trận đánh ác liệt nhất bên đất bạn Campuchia năm 1970 trở về sau... nhưng những hình ảnh về đặc công Rừng Sác Cần Giờ vẫn làm tôi xúc động nhất mỗi khi nhìn lại. Bởi từng con người trong đó, rất nhiều người chưa từng được hưởng một chút hạnh phúc hòa bình, họ đã trở thành những tư liệu của ký ức, thành một phần gắn bó với cuộc đời tôi...”.

Câu chuyện về những tấm hình sau 25 năm

Đại tá Lê Bá Ước nhớ lại cái thời Đỗ Trọng Hội quay phim bị thương máu loang ướt máy và những nỗi lo làm sao bảo vệ được những hình ảnh đặc công không lọt vào tay địch: “Còn một người nữa cũng chụp được những hình ảnh quí giá của đặc công, đó là Văn Sáu (anh Bé Sáu, Sáu Này), không có những tấm hình của anh này thì sự tồn tại của đặc công Rừng Sác Cần Giờ khó có người tin được. Cho đến 20 năm sau ngày giải phóng, những quyển sách viết về chiến công của đặc công Rừng Sác vẫn chỉ là những câu chuyện kể như huyền thoại, khó lòng minh chứng. Nếu không có một hôm tôi bắt được liên lạc với anh Văn Sáu...”.

Văn Sáu là người của Ban tuyên huấn khu ủy miền Đông. Thời điểm anh chụp hình đặc công Cần Giờ là thời điểm chuẩn bị đánh kho xăng Nhà Bè. Chính ủy trung đoàn lúc đó đi đâu cũng “bốc” Văn Sáu theo để anh vừa chụp hình vừa đảm bảo hình ảnh đó không lọt ra ngoài: “Tôi cho ông chụp hình công việc chuẩn bị đánh kho xăng nhưng ông phải đi với tôi” - lời đề nghị cũng là mệnh lệnh bởi nguyên tắc trước trận đánh thì không được chụp hình.

Nhưng có lẽ, hơn ai hết, vị chính ủy trung đoàn biết rõ những anh em mình ai sẽ mất - còn sau hiệu lệnh xung phong, những tấm hình ấy sẽ có giá trị như thế nào cho ngày mai này... Chiến trường ác liệt quá, cán bộ R không tới được, chỉ có thể liên hệ bằng mật mã.

Đó là những ngày tháng Văn Sáu lăn lộn với mảnh đất Rừng Sác Cần Giờ, anh chụp được một tấm ảnh để sau này mỗi khi nhắc về đặc công Rừng Sác không thể nào người ta quên được: đó là cảnh xuất kích đánh kho xăng Nhà Bè, trong tám người lính đặc công khom người xuất kích có hai người không quay trở về sau chiến thắng. Anh chụp được những cảnh phục kích tàu, những cảnh dầm mình chờ địch nhưng có một cảnh mà Văn Sáu bảo anh không bao giờ chụp được.

Nhà nhiếp ảnh chiến trường Nguyễn Đức Chính kể: “Văn Sáu hay kể với tôi câu chuyện anh đã rình biết bao nhiêu lần vẫn không chụp được cảnh đánh tàu. Rừng sác Cần Giờ lúc đó bị chất độc khai quang đốt trụi, mỗi khi tàu chuẩn bị đi, nó cho trực thăng rà không sót một chỗ, sau đó cho nã pháo hoặc bắn vãi đạn dọc rừng cây hai bên bờ. Rất nhiều lần suýt chết vì bám theo đặc công đánh tàu. Rồi một lần anh mạo hiểm leo lên một ngọn cây, căng mắt chờ chiếc tàu mặt dựng.

Sau những quần đảo của trực thăng, sau những loạt đạn chát chúa, chiếc tàu mặt dựng lừng lững tiến vào vùng nguy hiểm. Một tiếng nổ bùng lên, cột khói bốc giữa sông, Văn Sáu cầm chắc máy ảnh, bấm lia lịa rồi đạn bắt đầu vãi ra, anh chỉ kịp nhảy đại xuống gốc cây bên dưới chạy về. Chắc mẩm phen này thế nào cũng được bức ảnh để đời, nhưng tấm ảnh rọi ra chỉ là một màu đen loang lổ, không hiểu phim bị cháy từ lúc nào...”.

Rồi một ngày của năm 2000, 25 năm sau chiến tranh, đại tá Lê Bá Ước lại bắt được thông tin về Văn Sáu. Sau ngày giải phóng, anh về công tác ở ngành văn hóa thông tin tỉnh Bình Dương rồi về hưu, làm vườn đâu miệt Bến Cát. Văn Sáu gặp một đồng đội cũ, nhắn rằng: anh hiện còn giữ được 40 tấm phim chụp hình đặc công Rừng Sác Cần Giờ, nhưng người duy nhất mà ông có thể trao lại là đại tá Lê Bá Ước.

Nghe tin, ông Ước tức tốc lấy Honda chạy ngay về Bến Cát, tìm nhà cháu nội của Văn Sáu và run tay nhận lại những tấm phim với hình ảnh đồng đội thân thương của mình. Phim được phóng ra, được rọi lên, được đưa vào Bảo tàng Rừng Sác, được in thành sách, được dựng thành phim... Những người lính đặc công lúc ấy mới thật sự tìm thấy hình ảnh quá khứ của mình.

----------

* Kỳ sau: Ký ức của “người đưa tin chiến dịch thành cổ”

---------------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 1: Những thước phim ghi bằng máu…

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên