![]() |
Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, vị lãnh đạo cao cấp ở chiến trường Củ Chi từ 1958-1968 - Ảnh: Đ.Đ. |
Tác giả của sự hợp nhất chiến lược đó là một nhà lãnh đạo - “tư lệnh” vùng đất thép sau này trở thành thủ tướng chính phủ. Đó là ông Sáu Dân, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông đã sống và chiến đấu ở chiến trường này 10 năm, từ 1958-1968.
Tại nhà riêng của ông, vị lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định năm xưa giờ đây tóc bạc trắng bồi hồi nhớ lại...
Hợp nhất Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, hình thành Tam giác sắt
Năm 1958, ông Võ Văn Kiệt - lúc đó người ta thường gọi là Sáu Dân - được Xứ ủy Nam kỳ điều động về hoạt động ở Khu ủy Gia Định. Xứ ủy Nam kỳ lúc này đóng ở căn cứ Trung ương Cục (khu vực Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Còn căn cứ Khu ủy Gia Định đóng ở các xã phía bắc Củ Chi, là các xã An Phú, Phú Mỹ Hưng bây giờ.
“Từ Tây Ninh tôi về móc nối với Gia Định. Tôi yêu cầu tổ chức cho tôi ba ngày để đi tìm hiểu về Sài Gòn”. Sài Gòn lúc đó đối với ông Sáu Dân là hết sức lạ lẫm, đường sá còn không thuộc, không biết chứ chưa nói nết người. Mỗi ngày ông ngồi xe Honda cho cơ sở chở đi... bát phố.
Càng đi ông càng ngỡ ngàng rồi reo lên mừng rỡ trong lòng: có Sài Gòn thì có Gia Định - có Gia Định thì có Sài Gòn. Địa thế của khu vực này là tựa vào nhau, cùng tiến cùng thoái. Con mắt của một nhà cầm quân cho ông thấy: không có bàn đạp Gia Định thì khó mà tiến về Sài Gòn.
“Tôi về bàn với anh Tư Hổ (Nguyễn Hồng Đào) và trình bày đề xuất của mình, xin sáp nhập hoạt động của Khu ủy Sài Gòn và Gia Định lại. Anh Tư Hổ đồng ý ngay. Rồi nhiều đồng chí khác ủng hộ”. Ông Sáu Dân về xin ý kiến xứ ủy và được chấp thuận, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định ra đời, sau này thành căn cứ của lực lượng T4.
Sau này có dịp đến thăm đồng chí Võ Văn Kiệt (lúc này đã nghỉ các chức vụ lãnh đạo), ông Tư Chu (Nguyễn Đức Hùng) - vị thủ lĩnh tài ba, táo bạo của lực lượng biệt động Sài Gòn - cứ trầm trồ: “Anh xin sáp nhập Sài Gòn - Gia Định là một quyết định cực kỳ quan trọng...”.
Chính sự tác hợp này đã giúp lực lượng biệt động Sài Gòn xuất quỷ nhập thần, thoắt ẩn thoắt hiện giáng cho quân địch những đòn sấm sét mà chúng chẳng biết đối phương ở đâu ra, từ đâu xuất hiện. Căn cứ Củ Chi trong những ngày tháng đó là hậu phương của lực lượng biệt động: công tác huấn luyện, học tập và cả việc đưa người thoát ly cũng về nơi này.
Từ căn cứ địa đạo Củ Chi, nhà lãnh đạo chiến trường vẽ lên bản đồ chiến lược những căn cứ mới, hình thành một hệ thống căn cứ bổ trợ mà sau này là những địa danh nổi tiếng của các lực lượng kháng chiến Sài Gòn: căn cứ núi Dinh, căn cứ Thị Vải... (Bà Rịa - Vũng Tàu), căn cứ Châu Thành (Bến Tre)... Sự hình thành các căn cứ bổ trợ đã phá thế cô độc của căn cứ Củ Chi.
Các lực lượng kháng chiến tùy tình hình mà di chuyển liên thông để phục vụ yêu cầu cách mạng. Nhằm mở rộng hơn nữa tầm hoạt động và bảo vệ lực lượng, khai thác sự tương hỗ giữa các vùng, ông Sáu Dân còn đích thân vượt tuyến qua Bình Dương, liên lạc với lực lượng kháng chiến ở đây đề nghị sự qua lại chiến lược, tiến thoái tương trợ lẫn nhau.
Ông cũng trở về Tây Ninh làm việc với tỉnh ủy để “xin” đoạn Trảng Bàng. Về sau, Củ Chi - Bến Cát - Trảng Bàng trở thành vùng căn cứ và trận địa hãi hùng nhất của các lực lượng Mỹ - ngụy, được mệnh danh là Tam giác sắt.
“Địa đạo thật sự là điều vĩ đại nhất của cuộc kháng chiến ở chiến trường Củ Chi!”, ông Sáu Dân nói chắc nịch như đó là một điều hiển nhiên. Mấy mươi năm đã trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ rất rõ cái cảm giác đầu tiên của mình khi tiếp cận hệ thống địa đạo còn sơ khai hồi ấy (1958):
“Tôi là người sống ở vùng sông nước (ông là người Vĩnh Long - PV). Theo cách mạng từ nhỏ, khi gặp địch hoặc có biến thì chỉ chém vè dưới sông, kênh rạch. Tụi nó phát hiện thì cũng khó đường chạy. Hoặc chỉ riêng việc trầm mình dưới nước cả ngày không thôi thì cũng thấy ê ẩm... Vậy cho nên về nhận Củ Chi, thấy đất gò là tôi mừng lắm! Tôi chỉ đạo làm mạnh hơn nữa hệ thống địa đạo Củ Chi”.
Mười năm ông tham gia lãnh đạo chiến trường Củ Chi là mười năm máu lửa và ác liệt. Đây cũng là giai đoạn địa đạo Củ Chi phát triển mạnh mẽ trong lòng đất, lan tỏa và kết nối thành hệ thống căn cứ địa liên hoàn.
Rủ nhau xem M113 lội nước!
![]() |
Hôm đó địch mở trận càn từ hướng Bến Cát qua. Lúc này ông đang đi công tác tại xóm Còng, cách Bến Cát con sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn đoạn thượng nguồn khá hẹp, chừng hai, ba trăm mét nhưng lòng sông sâu và chảy xiết. “Lại một trận ác liệt nữa đây...”, những người dân lẩm bẩm phàn nàn. Và như lệ thường, du kích triển khai đội hình và người dân chuẩn bị sơ tán vào lòng đất.
Thế nhưng bất ngờ những tiếng ù ù, rền rền lạ thường từ xa vẳng lại, nghe như tiếng sấm nhưng âm âm từ lòng đất. Lát sau đã thấy những chiếc xe lạ hoắc, trùi trũi dàn hàng ngang tiến tới.
“Chúng tôi í ới gọi nhau kéo ra bờ sông xem, tha hồ chỉ trỏ và bán tán xem nó là cái giống xe gì! - Vị nguyên thủ tướng cười hấp háy - Mình kéo nhau ra đứng ở bờ sông, nghĩ rằng nó ở bên kia, cách con sông nó không lội qua được nên tha hồ bàn tán. Ngờ đâu nó cứ xộc thẳng xuống sông rồi đùng đùng lội qua. Trời ơi! Trên đời sao có xe biết lội? Vậy là tháo nhau mà chạy về địa đạo, phía sau nó vừa lội nước vừa bắn đùng đùng.
Lúc này cứ thấy miệng hầm là vọt xuống, tránh voi chả xấu mặt nào. Đoạn hầm mà tôi trờ tới có lẽ lâu ngày không có người xuống nên xuất hiện một ổ kiến càng thật to. Loại này mà lao xuống thì nó cũng... làm thịt mình luôn chứ không cần tới lính Mỹ. Cậu cảnh vệ của mình nhanh trí cởi áo ra, lùa nguyên ổ kiến vào cho mình lao xuống. Thoát trận đó nên sau này mới biết nó là chiếc M113 lội nước!”.
Ông vừa kể vừa cười sảng khoái. “Chính cái thằng xe mình sợ đó sau này anh em tụi tôi “thịt” cũng nhiều và nhờ đó mà làm ăn được!”. Chừng như thấy chúng tôi ngạc nhiên về việc “làm ăn được”, ông nói lại: “Là làm ăn được theo đúng nghĩa làm ăn đó!”.
Hóa ra sau này khi hay tin du kích bắn hạ được xe M113, những người Hoa kiều ở Chợ Lớn lần tìm đến Củ Chi đặt hàng mua một số linh kiện máy móc và vỏ nhôm. “Cứ mỗi chiếc anh em tụi tôi bán được 10.000-15.000 đồng, đủ mua gạo mắm, thuốc thang cho cả đại đội ăn trong cả tuần”. “Làm ăn” được đến nỗi khi cạn kiệt lương thực, thực phẩm thì anh em bộ đội, du kích cứ nhong nhóng chờ bọn xe lội nước đến để kiếm tiền “cải thiện”.
Mất mát đau thương…
Đó là ngày 10-12.
Ngày ông Sáu Dân không bao giờ quên và cũng là ngày ông giỗ người vợ cùng hai đứa con của mình...
Hôm đó ông đang đi công tác ở vùng Hiệp Phước (thuộc huyện Nhà Bè) thì nghe đài miền Bắc phát bản tin địch phóng rocket bắn tan nát tàu chở khách Thuận Phong, giết chết hàng trăm dân thường vô tội. Đây là chuyến tàu chở khách chạy đường sông Sài Gòn, tuyến Sài Gòn - Bình Dương - Dầu Tiếng.
Đến đoạn rạch Ông Tổng, bến đò Giồng Sỏi - một lộ trình bình thường như bao ngày bình thường khác - đột nhiên con tàu bị máy bay Mỹ quần theo bắn nát. Máu nhuộm đỏ một quãng sông... Từ Nhà Bè, ông Sáu Dân nghe bụng nóng như lửa đốt.
“Lúc đó tôi lo nhất là giao liên và khách của mình không biết có đi trên tàu đó không”. “Khách” là cán bộ được giao liên đưa đường. Ông không hề biết vợ mình từ Rạch Giá nách hai đứa con, một trai một gái, lên căn cứ thăm chồng cũng đi trong chuyến tàu định mệnh ấy...
Ông ngồi bất động, đôi mắt lạc thần. Vị “tư lệnh” vùng đất thép oai hùng năm xưa; vị nguyên thủ tướng quắc thước tuổi 84 mái tóc trắng xóa, chất chứa trong lòng một nỗi đau không thể bật thành lời. Hồi lâu, ông nói như nói một mình, vẫn trong tư thế bất động và đôi mắt lạc thần: “Vợ tôi mới sinh con trai. Đứa con trai tôi chưa biết mặt...”.
----------
* Kỳ cuối: Củ Chi máu và hoa
----------------
Tin, bài liên quan:
- Kỳ 7: Đội quân “xuất quỷ nhập thần”- Kỳ 6: Kỳ quan trong lòng đất- Kỳ 5: Củ Chi: từ hầm bí mật đến địa đạo chiến- Kỳ 4: Con sinh ra từ lòng đất- Kỳ 3: 30 nấm mồ tập thể- Kỳ 2: Vịnh Mốc - Cồn Cỏ: hành trình máu!- Kỳ 1: Những ngôi làng bên dưới cuộc chiến
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận