Phóng to |
Hạm đội 7 của hạm đội Thái Bình Dương - Ảnh: Navy.mil |
Đô đốc Samuel J. Locklear III, tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, trong cuộc điện đàm từ Hawaii với 60 phóng viên của 15 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trong đó có Tuổi Trẻ) đã khẳng định như trên.
Theo ông, châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực quân sự hóa nhất thế giới với bảy nước có chi phí quốc phòng cao nhất cùng năm quốc gia có vũ khí hạt nhân. Tất cả những yếu tố này, cùng với vị trí chiến lược đặc biệt, tạo thành một khu vực phức tạp lại còn đối mặt với hàng loạt thách thức có thể làm ảnh hưởng tới an ninh khu vực và toàn cầu...
“Hơn nữa, ở châu Á - Thái Bình Dương hiện không cơ chế nào đủ sức điều phối các mối quan hệ hay giải quyết các xung đột nảy sinh. Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương. Vì vậy, việc Mỹ tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương là cực kỳ quan trọng” - ông nhấn mạnh.
* TVBS (Đài Loan): Trung Quốc và Nhật đang rất căng thẳng quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Nếu xảy ra xung đột thì Mỹ có can dự vào?
- Tôi không đưa ra những suy đoán việc Mỹ phản ứng thế nào về mặt quân sự khi xảy ra chuyện gì trên thế giới. Về tình huống trên biển Hoa Đông, trước hết tôi xin nói rõ là Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ. Chúng tôi hi vọng mâu thuẫn này sẽ được giải quyết một cách hòa bình, không dọa nạt lẫn nhau và không sử dụng vũ lực. Xét trên góc độ kinh tế, an ninh và con người ở khu vực, ngay chuyện nghĩ tới việc sử dụng vũ lực để giải quyết một mâu thuẫn đã là điều không thể chấp nhận được rồi. Chúng ta cần có cơ chế giải quyết các mâu thuẫn này một cách hòa bình, bởi vì mâu thuẫn sẽ còn xảy ra trong tương lai.
* Báo The Australian: Chúng ta đã nói nhiều về việc tái cân bằng của Mỹ ở khu vực. Chúng tôi muốn hỏi là hợp tác quân sự này sẽ đi theo hướng nào và Úc có tầm quan trọng ra sao?
- Việc tái cân bằng của Mỹ ở khu vực không đồng nghĩa với việc lập thêm căn cứ quân sự ở đâu đó trong khu vực. Đó không phải là mục tiêu của chúng tôi mà là xây dựng các mối quan hệ sẵn có ở khu vực tương đối hòa bình trong vòng 60 năm qua này và tiếp tục duy trì, xây dựng mối quan hệ đó.
* Tuổi Trẻ: Trong ASEAN, nhiều nước đang bị chi phối ít nhiều giữa hai cường quốc, một cũ và một đang lên. Các nước đều quan ngại trước các động thái của Trung Quốc và cảm thấy bị đe dọa. Cùng lúc họ thấy tuyên bố chuyển hướng của Mỹ vẫn chỉ trên lời nói hơn là cam kết thực tế?
- Tôi hiểu ý bạn nói về nguy cơ mâu thuẫn tiềm tàng giữa cường quốc cũ, ý là Mỹ, và cường quốc đang lên, ý là Trung Quốc. Tôi nghĩ chuyện cọ xát về mặt lợi ích là chuyện sẽ xảy ra. Chúng ta phải tìm cách kiểm soát sự cạnh tranh giữa hai cường quốc. Điều đó có thể làm được. Khi xảy ra bất đồng, chúng ta phải tránh những hiểu lầm về ý đồ của nhau. Chúng ta phải tìm những điểm mà lợi ích hai bên tương đồng. Ở khu vực, những lợi ích tương đồng của hai bên là vô số. Có những điểm mà lợi ích của hai bên có khác biệt dẫn đến mâu thuẫn nhưng đó chỉ là những mâu thuẫn hạn chế. Và trong mâu thuẫn, ngày nay có nhiều cơ chế để ta giải quyết được.
Như ASEAN hiện đang cố giải quyết một số mâu thuẫn liên quan tới chủ quyền lãnh thổ với Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC). Tôi nghĩ các nước trên thế giới nên ủng hộ các nước ở khu vực, kể cả Trung Quốc và ASEAN, để khuyến khích họ tìm cách giải quyết xung đột mà không tạo ra hiểu lầm và ảnh hưởng tới môi trường an ninh chung.
Phóng to |
Đô đốc Samuel J. Locklear III, tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương - Ảnh: Defense.gov |
Đô đốc bốn sao Samuel J. Locklear III, 59 tuổi, tư lệnh Thái Bình Dương, một trong những bộ tư lệnh quan trọng nhất của quân đội Mỹ, thống lĩnh toàn bộ các quân chủng của Mỹ ở khu vực trên diện tích khoảng 272 triệu km2 kéo dài từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương và từ Bắc cực xuống Nam cực. |
- Đầu tháng 1, chúng tôi đã có cuộc đối thoại rất thành công tại Hà Nội. Chúng tôi nói về những sáng kiến mới để thúc đẩy quan hệ song phương, hợp tác tìm kiếm cứu nạn, an ninh trên biển, viện trợ nhân đạo, thiên tai...Chúng tôi rất lạc quan về tương lai quan hệ hai bên và hi vọng sẽ tiếp tục phát triển quan hệ này để đảm bảo hòa bình khu vực.
Điều chúng tôi hi vọng thực hiện với các đối tác và đồng minh là tiếp tục hợp tác, cả về quân sự lẫn kinh tế, để đảm bảo sự có mặt lâu dài của Mỹ ở khu vực.
* Tuổi Trẻ: Mỹ đang đương đầu với rất nhiều cuộc khủng hoảng từ Bắc Phi tới Trung Đông... Việc thực hiện cam kết ở quá nhiều nơi có quá tải với Mỹ?
- Từ sau vụ khủng bố 11-9, Mỹ đã phải tiến hành cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu, do vậy đã bị lôi kéo rất sâu vào một số cuộc chiến rất tốn kém, kéo sự chú tâm của chúng tôi về Trung Đông. Sau 10 năm, sau Iraq và Afghanistan, giờ đây chúng tôi cần xem lại tương quan quân sự của mình trong tương lai sẽ thế nào, lợi ích tương lai của mình ở đâu, đâu là những lợi ích chính của mình... Và rất nhiều câu hỏi khác. Tất cả câu trả lời đều hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương cho thấy Mỹ hiểu rõ tầm quan trọng của khu vực này.
Về chuyện có bị quá tải hay không, tôi xin nhấn mạnh dù Mỹ có như thế nào trong tương lai thì lợi ích quan trọng của chúng tôi vẫn là ở châu Á - Thái Bình Dương, vẫn nằm ở sự can dự tích cực với khu vực với tư cách là một đối tác tốt, một đồng minh tốt và một người bạn tốt của mọi quốc gia.
* Báo Yomiuri Shimbun: Ở châu Á - Thái Bình Dương, ASEAN là trung tâm của rất nhiều hoạt động hợp tác, đối thoại trong khu vực. Tuy vậy, ở đây vẫn thiếu vắng một cơ chế hợp tác an ninh và quân sự?
- Sẽ không có một thể chế an ninh nào có thể phù hợp với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì sự đa dạng khác biệt quá lớn của nó. Một mô hình mà mọi người hay hỏi tôi là tại sao không có một NATO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tôi từng phục vụ trong NATO, nhưng tôi không thấy sự tương đồng như vậy ở đây.
Tôi chỉ thấy những mảng nhỏ lắp ghép của các mối quan hệ an ninh ở những vùng khác nhau trong khu vực. Những mảng này phối hợp với nhau tạo thành môi trường an ninh chung của khu vực. Và những mảng này cùng hợp tác để đảm bảo môi trường an ninh đủ mạnh để đối phó với mọi chấn động có thể xảy ra từ thiên tai đến khủng hoảng. Chúng ta có một số cơ chế tương đối hoàn thiện như ASEAN. Những cơ chế khác hiện vẫn đang trong tiến trình hoàn thiện và chúng tôi hoan nghênh những điều đó.
Vai trò của Mỹ không phải là làm chủ hay chi phối từng mối quan hệ an ninh này. Mỹ sẽ là đối tác quan trọng, sẽ hỗ trợ nguồn lực cho các nước, đào tạo hay hỗ trợ kinh nghiệm nếu cần thiết, và rồi đảm bảo các tổ chức an ninh khu vực cùng hướng tới một mục tiêu chung. Tôi tin là chúng ta đang cùng hướng về mục tiêu đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận