04/08/2009 06:12 GMT+7

Từ kênh Vĩnh Tế đến kênh Võ Văn Kiệt - Kỳ cuối: đánh thức bưng biền

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - 15 năm trước, khi về miệt bưng biền này của tứ giác Long Xuyên, phải nhờ mùa lũ lớn chiếc xuồng câu của người nông dân xã Lạc Quới mới chở tôi vào sâu được trong cánh đồng hoang vu, nghèo khó. Lần này về việc đi lại đã dễ hơn nhiều.

Đầu kênh dưới chân cây cầu biên giới, nơi dòng nước Vĩnh Tế bắt đầu chảy vào kênh Võ Văn Kiệt lúc nào cũng ghe xuồng tấp nập xin quá giang. Còn trên con đường ven bờ, xe máy cũng chạy bon bon dù hơi bị trơn trượt nếu gặp mưa lầy.

Utia8SSb.jpgPhóng to
Từ thiếu ăn, ông Trần Văn Điển giờ đã dư thừa lúa để bán nhờ hệ thống kênh đào mới -Ảnh: Quốc Việt

Sức sống bừng lên

Bây giờ quang cảnh miệt này đã thay đổi rất nhiều so với 15 năm trước. Ngay tại nơi mà trước đây tôi từng suýt bị lạc lối vì lau sậy mọc hoang rậm rạp che kín cả đường ra thì bây giờ là tuyến dân cư. Những nhà mái tôn lẫn nhà gạch được quy hoạch thành dãy thẳng tắp trên bờ rộng 40 - 50m được đắp bằng chính đất đào kênh Võ Văn Kiệt. Phía sau dãy nhà dân cư là các đồng lúa đang mùa thu hoạch. Phía bờ bên kia kênh là ruộng lúa bát ngát.

Tăng năng suất lúa

Theo ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhờ làm tốt thủy lợi, khai khẩn được tứ giác Long Xuyên nên hiện năng suất lúa bình quân của vùng đạt trên 12 tấn lúa/hai vụ mỗi năm, trong khi năm 1976 chỉ có 1,98 tấn và năm 1987 là 2,6 tấn/vụ. Riêng An Giang, tổng sản lượng lúa đầu những năm 2000 đã đạt 2,6 triệu tấn, tăng hơn năm lần so với năm 1976, và xuất khẩu được trên 600.000 tấn. Đời sống người dân hiện đã cao hơn nhiều lần so với năm 1976.

Người lái xuồng tấp vô bờ cho tôi ghé lên nhà ông Trần Văn Được ở xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, An Giang. Chuyện đổi đời của ông Được bắt đầu từ khi kênh T5 và các tuyến kênh T4, T6 thông nước. Trước đó, ông từ Ba Chúc vào khai khẩn mấy mẫu đất miệt đồng hoang này. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ trông chờ vào mùa nước để làm lúa mùa nổi, vất vả suốt sáu tháng nhưng mỗi mẫu chỉ thu hoạch 70-80 giạ lúa. Cuộc sống của ông lay lắt bữa đói bữa no.

Hệ thống kênh đào xong vừa có chức năng thoát lũ lớn vừa cung cấp nước ngọt để rửa phèn, tưới tắm lên đồng. Ông Được và hàng xóm bắt đầu hào hứng tăng cày cấy lên hai vụ lúa thuần nông mỗi năm. Lúc đầu họ canh tác nhưng chưa được như ý muốn vì đất vẫn còn nhiều phèn. Tuy nhiên, năng suất lúa cứ nhích dần.

Giờ thì ruộng lúa của họ đã đạt 40-45 giạ mỗi công đất 1.000m2 trong vụ hè thu, 60-70 giạ vụ đông xuân. Thấy đã sống được trên miệt đất này, ông Được dời nhà từ Ba Chúc vô đây ở hẳn. Gia đình ông vừa làm ruộng vừa dành dụm xây dựng được nhà máy sấy lớn nhất vùng này ở xã Lạc Quới. “Nói thiệt bụng là giờ chỉ lo cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, chứ không còn loay hoay ám ảnh bữa đói bữa no như trước nữa” - ông Được tâm sự.

Người hàng xóm Trần Văn Điển cũng cho biết ông vào lập nghiệp ở miệt đất này từ khi kênh T5 đào xong. Ông dựng nhà ngay bờ kênh và chuyển hai mẫu ruộng từ làm một vụ lúa mùa nổi lên làm hai vụ và xen canh cây màu. Ông kể: “Rửa được phèn, đất mới này lại thiệt trúng nhờ lớp mùn cỏ mục dưới chân. Có vụ đông xuân, tui làm trúng gần 70 giạ mỗi công đất mà lại rất nhẹ phân”.

Nông dân từng một thời lóp ngóp với cây lúa mùa nổi nhưng vẫn thiếu ăn quanh năm này tâm sự thêm: “Nếu không có kênh đào qua miệt này sẽ không thể có nước ngọt để trị nổi phèn nặng mà làm được lúa mấy vụ mỗi năm”, ông Điển nói chắc nịch. Sống được với ruộng, ông Điển nhìn xa hơn, lo cho con cái học hành lên cao. Giờ một người đã ra trường đi dạy cấp III, người con gái còn lại đang theo học ngành tài chính.

Ông Trần Hoàng Ẩn, phó chủ tịch UBND xã Lạc Quới, vui vẻ cho biết: “Trước khi đào kênh T5, xã này còn trên 500ha đất hoang. Bây giờ đã được khẩn hoang hoàn toàn và năng suất đạt trên 10 tấn lúa/ha mỗi năm trong toàn bộ 2.184ha đất nông nghiệp. Hồi trước 30-40% dân nghèo phải trôi dạt đi làm mướn cực khổ tứ xứ, giờ chỉ còn khoảng 6%”.

Tiếp tục phát triển

Rời Lạc Quới, xuồng máy lại rẽ nước, xuôi kênh Võ Văn Kiệt hướng ra biển Tây. Dọc bờ kênh các cột điện trải đều, một số khu vực đã xây cả bể lọc để cung cấp nước sạch cho dân. Người lái xuồng mỉm cười nói: “Sau ruộng tốt, nông dân tụi tui quan tâm nhất điều này. Không có điện, không thể phát triển cuộc sống văn minh được. Bây giờ nhiều nhà có cả đầu thu kỹ thuật số để coi mấy chục kênh truyền hình”.

Đến gần đoạn kênh giáp ranh địa bàn huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, nhiều diện tích đất được giữ lại để trồng rừng tràm. Từ khi có kênh đào băng qua cây tràm cũng phát triển tốt hơn, thành nơi bảo tồn thuận lợi hệ thủy sinh. Trong đó, nhiều nhất là các loại cá đồng và chim chóc. Ngoài khu quy hoạch rừng, các đồng lúa cũng mọc lên tươi tốt trên vùng đất từng là rốn lũ của Kiên Giang.

Tới ngã tư giao nhau giữa kênh Võ Văn Kiệt và kênh Rạch Giá - Hà Tiên, tôi rẽ ngang vào thị trấn Hòn Đất để nghe chuyện kể của những người đã gắn bó cả cuộc đời với miệt đất này. Ông Phạm Minh Khởi, trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Hòn Đất, cho hay hầu như suốt hơn 30km kênh Võ Văn Kiệt đều băng qua địa bàn xã Bình Giang.

Đây là một trong những xã bị ngập sâu nhất và cũng nghèo nhất địa phương, mùa nắng bị phèn nặng. Trước khi có kênh đào, ngoài cây tràm, phần lớn diện tích xã này đều bị bỏ hoang cho cây năn, cây sậy mọc um tùm. Bây giờ hơn 17.000ha đất xã Bình Giang và nhiều diện tích đất của các vùng lân cận đang phát triển thành đất nông nghiệp nhờ hệ thống kênh đào T5, T6 chạy qua.

fpzwpSl8.jpgPhóng to
Cống Tuần Thống ở cuối kênh Võ Văn Kiệt xả lũ ra biển -Ảnh: Quốc Việt

Ông Trần Minh Tửng, người gốc Bắc, vào đây từ năm 1954 để khai khẩn, vẫn biết ơn ông Sáu Dân vì gia đình ông thoát nghèo nhờ những con kênh. Từ mỗi năm chỉ làm một vụ lúa nổi thiếu ăn, ông Tửng giờ đã canh tác hai vụ thuần nông năng suất cao để dư lúa thương phẩm. Rồi từ sự thừa lúa đến thông thương thuận lợi của những kênh mới đào đã khiến ông Tửng quyết định dành dụm hơn 100 triệu đồng sắm ghe buôn 45 tấn.

Vừa là nhà buôn vừa là nông dân, ông Tửng giờ đã xây được nhà lớn và nuôi con cháu đi học xa. “Sống nửa thế kỷ miệt này, tui hiểu rõ giá trị của kênh rạch. Ngoài tốt cho đồng ruộng, chúng còn là đường thuận tiện nhất của nông dân. Ghe lái vô tận nhà, tận đồng để mua lúa. Không có đường kênh, sản phẩm nhà nông ra được chợ sẽ đội chi phí cao hơn nhiều”, ông Tửng nói và tâm sự thêm bây giờ nhiều người vừa là nhà nông vừa là nhà buôn. Họ lênh đênh trên sông Hậu, kênh Vĩnh Tế, Thoại Hà, Võ Văn Kiệt... đi “hàng xáo” (mua lúa) chỉ ba, bốn tháng cũng dư dả. Theo kênh Võ Văn Kiệt, một số nông dân còn ra cửa biển đánh bắt cá, cua gần bờ để tăng thêm thu nhập.

Và từ kênh Vĩnh Tế đến kênh Võ Văn Kiệt tiến ra đại dương, con đường phát triển vẫn đang tiếp tục.

------------------------------------

*Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Hào lũy đất phương Nam Kỳ 2: Trấn giữ biên giới Kỳ 3: Thương hồ Vĩnh Tế Kỳ 4: Dấu chân lấm bùn của ông Sáu Dân Kỳ 5: Đào kênh T5

____________________________

Số tới, mời bạn đọc khám phá: Kỳ vĩ ruộng bậc thang Sa Pa

Bạn đọc tạp chí du lịch Travel and Leisure của Mỹ vừa bình chọn ruộng bậc thang cao 121 bậc ở Sa Pa là một trong bảy thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới. Chính quyền tỉnh Lào Cai đang nỗ lực làm thủ tục đề nghị UNESCO công nhận ruộng bậc thang Sa Pa, bãi đá cổ Mường Hoa và vườn quốc gia Hoàng Liên là cụm di sản văn hóa thế giới.

“Cái bồ thóc quý giá của người vùng cao” này vì sao được đánh giá là đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới?

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên