31/07/2009 04:24 GMT+7

Từ kênh Vĩnh Tế đến kênh Võ Văn Kiệt - Kỳ 2: Trấn giữ biên giới

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Nếu sông Hồng đã từng lưu danh chiến sử đất Bắc tổ quốc thì Vĩnh Tế chính là con kênh trấn giữ biên thùy cõi phương Nam. Từ cuộc chiến đánh đuổi quân Xiêm đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi đánh đổ quân diệt chủng Pol Pot đều có khí phách và xương máu của bao người lính Việt nhuộm thắm dòng kênh Vĩnh Tế.

Kỳ 1: Hào lũy đất phương Nam

cnsPjkrE.jpgPhóng to
Ông Bạt vẫn không quên những trận đánh ác liệt bảo vệ biên giới ở phòng tuyến Vĩnh Tế - Ảnh: Quốc Việt

Phòng tuyến biên giới

* Kênh Vĩnh Tế dài gần 100km dọc biên giới tỉnh An Giang, Kiên Giang với Campuchia. Thượng nguồn kênh giao sông Hậu ở thị xã Châu Đốc, hạ nguồn nhập sông Giang Thành ở Hà Tiên để ra biển Tây. Qua xói lở và nạo vét, hiện kênh Vĩnh Tế rộng khoảng 40-70m, sâu 3-4m so với mực nước biển tùy đoạn.

* Kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5) dài 48km, rộng 30-36m và sâu 3m, thông kênh Vĩnh Tế ở Tri Tôn, An Giang, chảy qua Hòn Đất, Kiên Giang rồi đổ ra biển Tây.

Ngoài quốc phòng, giao thương, kênh Vĩnh Tế và kênh Võ Văn Kiệt rất quan trọng để thoát lũ và phát triển nông nghiệp, kinh tế - xã hội vùng tứ giác Long Xuyên.

Rời bờ, tôi xuống chiếc ghe nhỏ ở cửa kênh Vĩnh Tế giao với dòng Hậu Giang để xuôi miền biên giới Thất Sơn. Người lái ghe Trần Văn Minh một tay điều khiển máy, một tay hì hục tát nước vì chiếc ghe cũ nát. Chỉ những vết lỗ rỗ được trét vá tạm bợ trên miệng ghe, anh nói đó là dấu đạn từ hơn 30 năm trước.

Câu chuyện của anh lái ghe cứ miên man theo sóng nước biên thùy. Người đàn ông có nét mặt dày dạn phong sương già trước tuổi 39 này kể: “Từ lúc tóc còn để ba vá gáo dừa, tui đã theo tía má dọc ngang sông nước miệt này. Bận đó, kênh Vĩnh Tế ngày đêm đông vui dữ lắm. Ghe xuồng chở khách, chở hàng xuôi ngược tấp nập. Đến những năm 1977-1978 chiến sự biên giới ác liệt đã làm con kênh biên giới này đột nhiên vắng hẳn bóng dân.

Tui còn nhớ rành rọt chuyến ghe chở gạo cuối cùng hồi năm 1977 của tía má tui từ Châu Đốc về miệt rừng Kiên Lương đã bị lính Pol Pot phục bắn bể đầu ghe. May mà có mấy anh bộ đội ở sư đoàn 330 đánh chặn nên ghe tui chạy thoát được, nhưng ông già cũng bị trúng đạn vô vai phải bỏ hẳn nghiệp gạo sông nước”.

Chuyện trò chưa dứt thì ghe đã cặp bờ xã Vĩnh Tế. Tôi dừng chân ở xóm dân cư cổ bên kênh này do nơi đây từng xảy ra nhiều chiến sự ác liệt trong chiến tranh biên giới. Người cựu chiến binh Bùi Hồng Bạt tóc bạc nhiệt tình dẫn tôi đi thăm từng địa điểm mà ông và đồng đội đã từng đấu súng với quân Pol Pot trên phòng tuyến Vĩnh Tế. Bây giờ cảnh vật dọc bờ kênh đoạn từ Vĩnh Tế đến Nhơn Hưng, rồi An Phú, An Nông là những xóm nhà dân và cánh đồng lúa vàng thật bình yên, nhưng hồi chiến tranh biên giới không một căn nhà dân nào còn nguyên vẹn. Lính Pol Pot cứ tràn qua được là đốt sạch, giết sạch nhà cửa, ruộng vườn, người dân.

Người lính già kể ông rời làng quê Thanh Hóa gia nhập quân ngũ năm 1976. Vừa vào đến Sa Đéc, đóng quân chưa ấm chỗ, đơn vị của ông được điều động xuống bảo vệ biên giới An Giang. Lính Pol Pot vượt kênh để tiến sâu vào giết chóc người Việt, tiểu đoàn 306, sư đoàn 330 của ông đã tham chiến rất nhiều trận ở phòng tuyến Vĩnh Tế, đánh đuổi bọn chúng về nước.

Đến giờ, ông Bạt vẫn xúc động nhớ mãi trận đánh ác liệt ngay đêm giao thừa năm 1978 ở xóm Cây Mít, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên ngay bờ kênh Vĩnh Tế. Canh lúc bộ đội VN đang thắp nhang mừng giao thừa, lính Pol Pot tràn sang tấn công dữ dội. Chúng dùng hỏa lực nặng từ B40 đến các loại pháo cối bắn phủ đầu ác liệt để cố đẩy lùi tiểu đoàn 306 ra khỏi phòng tuyến Vĩnh Tế. Tuy nhiên, bộ đội VN đã chống trả kiên cường. Chiến sự diễn ra quyết liệt suốt đêm. Không lính Pol Pot nào tràn qua được hỏa điểm tiền tiêu để sang kênh Vĩnh Tế, trực diện với lực lượng chính của tiểu đoàn 306. Bình minh ửng lên thì chúng phải rút đi, để lại hàng chục xác chết rải rác trên cánh đồng bên kia kênh.

Suốt buổi sáng, tôi theo người lính già tìm lại ký ức chiến tranh bên bờ Vĩnh Tế. Cầu sắt Hữu Nghị bắc qua kênh ra cửa khẩu Tịnh Biên đã được dựng lại sau khi bị đánh sập ngay từ những trận chiến biên giới đầu tiên. Không ai nhớ nổi bao nhiêu chiến cuộc lớn nhỏ đã diễn ra trải dọc bờ kênh này. Chính tiểu đoàn 306 của ông Bạt cũng tham chiến trong trận đánh tổng lực ở núi Phú Cường để trả thù quân Pol Pot thảm sát nhiều người Việt ở Ba Chúc. Sau khi gây tội ác, chúng rút lên cố thủ trên ngọn núi bên bờ kênh. Đặc công VN đột nhập lên đỉnh núi đánh xuống, bộ đội từ dưới đánh lên, những tên lính Pol Pot may mắn trốn thoát lóp ngóp bơi qua kênh Vĩnh Tế trốn về nước. Đến khi bộ đội VN đánh đuổi quân Pol Pot vào sâu trong đất Campuchia, dòng Vĩnh Tế mới trở lại bình yên.

9QFIFs9d.jpgPhóng to
Cầu biên giới Hữu Nghị ra cửa khẩu Tịnh Biên từng bị sập trong chiến tranh biên giới Tây Nam - Ảnh: Quốc Việt

Dòng kênh kháng chiến

Trở lại lịch sử, kênh Vĩnh Tế cũng từng lưu dấu bao lớp cha anh đi kháng chiến vệ quốc. Nhiều người đã gọi Vĩnh Tế là “kênh vĩnh biệt” để thể hiện phòng tuyến dày đặc của đối phương cũng như sự quả cảm không sợ hi sinh của người lính cách mạng. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, không còn nhớ bao nhiêu lần vượt con kênh biên giới thời chống Mỹ. Nhưng có một điều ông không thể quên, đó là tính yết hầu của phòng tuyến này. Ngày xưa, Thoại Ngọc Hầu và triều đình nhà Nguyễn đã nhìn thấy điểm xung yếu đó. Và trấn giữ bờ cõi là một trong những lý do chính để tiền nhân quyết định cho đào kênh Vĩnh Tế trải dài suốt gần 100km từ Hà Tiên qua miệt Châu Đốc, An Giang. Rồi những đội quân Pháp, Mỹ cũng nhìn thấy rõ vị trí chiến lược đó để bố trí quân.

Nhắc lại một thời kháng chiến sinh tử, ông Nhị kể đối phương phòng thủ mấy lớp dày đặc rải suốt Vĩnh Tế để ngăn chặn bộ đội VN qua lại biên giới. Đồn bót chi chít trên bờ, dưới nước dày đặc tàu chiến và canô tuần tra ngược xuôi, ban đêm pha đèn sáng rực như ban ngày. Ngoài ra, lính biệt kích còn hay phục sẵn trên đồng hoang hai bên bờ kênh để đón lõng chiến sĩ cách mạng. Những lần phải đột nhập qua lại Vĩnh Tế, anh em thường bịn rịn, chia tay nhau vì biết trước sự nguy hiểm đang đợi mình ở con kênh biên giới.

Đợt chiến sự khốc liệt tháng 10-1969, ông Nhị và nhóm anh em giao bưu An Giang nhận nhiệm vụ vượt kênh Vĩnh Tế vào khu kháng chiến. Mặc dù có đặc công dẫn đường, nhưng nỗ lực qua sông đến sáu lần của họ đều bị thất bại. Đối phương bố trí phòng thủ kín kẽ đến mức con chó bơi qua sông ban đêm cũng khó tránh bị phát hiện. Đến lần thứ bảy, khi họ lặn được đến gần bờ bên đây thì bị lộ. Đối phương pha đèn, tập trung hỏa lực bắn xối xả xuống kênh. Đại đội trưởng Vân, trung đội trưởng Hai Hùng, tiểu đội trưởng Dân hi sinh ngay trên dòng Vĩnh Tế. Chỉ có ông Nhị và một số đồng đội địa phương rành địa hình kịp thoát lên bờ.

Rồi khi chiến cuộc trôi qua, dòng Vĩnh Tế trở lại bình yên, nhưng thi thoảng người dân vẫn lặn vớt được bom đạn dưới lòng kênh. Mãi đến những năm cuối thế kỷ 20, lực lượng công binh vẫn còn rà phá được hàng tấn bom đạn để nạo vét kênh. Có những chiếc xáng cạp vẫn bị trúng mìn nổ làm hư hại nặng. Vậy mới biết để hồi sinh con kênh trấn biên này, đã có biết bao mồ hôi và xương máu người Việt đổ xuống.

---------------------------------------------

Bước qua chiến tranh, dòng Vĩnh Tế lại ngược xuôi khách thương hồ. Dòng kênh phả sức sống lên vùng đất một thời rực lửa chiến tranh và hoang vu, nghèo khó.

Kỳ tới:Thương hồ Vĩnh Tế

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên