06/07/2017 17:13 GMT+7

Từ giáo sư già đến cô sinh viên trẻ

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Giáo sư Roger Naslain sống an nhàn ở tuổi thất tuần trong căn nhà ven rừng ở ngoại ô Bordeaux (Pháp). Lâu lâu ông lại nghe tiếng máy bay tiêm kích Rafale từ căn cứ không quân gần đó.

*** Error ***
Li-Li Whuang (trái) và luật sư tại tòa án Versailles tháng 11-2007 - Ảnh: AFP

“Canada luôn là mục tiêu cho hoạt động gián điệp truyền thống của một số quốc gia muốn tiếp tục bí mật thu thập thông tin về chính trị, kinh tế và quân sự của Canada

Người phát ngôn CSIS Tahera Mufti

Ông mơ màng nghĩ đến các linh kiện động cơ máy bay M88 được mạ bằng vật liệu tổng hợp nền gốm chịu được sức nóng 3.000OC. Ông chính là người sáng chế vật liệu đó.

Đánh cắp công nghệ cao của Pháp

Năm 1988, giáo sư Roger Naslain lập phòng thí nghiệm các vật liệu tổng hợp nhiệt cấu trúc tại Đại học Bordeaux-I nhằm sáng chế các loại vật liệu dùng cho hệ thống phóng máy bay và tên lửa. Hoạt động nghiên cứu được thực hiện trong khu vực hạn chế theo quy định của Bộ Quốc phòng Pháp.

Các công trình nghiên cứu đã mang đến cho ông huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp và nhiều giải thưởng khoa học uy tín của Mỹ và Nhật.

Năm 2011, Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Đức Giang đã trao cho ông huân chương hữu nghị chính phủ. Sau đó, ông đã được gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Lần đầu vào năm 1990, ông đến Viện nghiên cứu gốm Thượng Hải. Rồi từ năm 1995, ông liên hệ thường xuyên với giáo sư Trương Lý Thông, người phụ trách một phòng thí nghiệm về không gian do quân đội Trung Quốc chỉ đạo.

Cơ quan tình báo Pháp bắt đầu để ý đến mối quan hệ này bởi bà Trương đã được Trung Quốc trao huân chương quốc phòng. Bà cũng là người đăng ký sáng chế đầu tiên của Trung Quốc về vật liệu tổng hợp nền gốm, lĩnh vực chiến lược cao chỉ có Pháp và Mỹ thống trị thời đó.

Kết quả điều tra không được công bố nhưng đầu năm 2007 ông Roger Naslain không được tiếp tục phong học hàm giáo sư danh dự và bị cấm đến phòng thí nghiệm. Nghi ngờ của cơ quan phản gián có cơ sở.

Ông không biết tên ông được nêu trong báo cáo mật dày 25 trang tập hợp các mục tiêu và các phương pháp gián điệp công nghiệp của Trung Quốc được Ủy ban Liên bộ về tình báo kinh tế (D2IE) gửi cho văn phòng tổng thống Pháp năm 2010. Báo cáo nhận xét ông đã vô tình chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.

Một quan chức phản gián Pháp giấu tên nhận xét Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến các nhà khoa học như Roger Naslain.

Ông giải thích: “Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc đã lập chương trình tuyển dụng các nhà khoa học nước ngoài gần nghỉ hưu, mời họ dự hội thảo, giảng bài và đôi khi trả thù lao rất hậu. Trung Quốc cử người đón họ ở sân bay, bố trí ở tại các khách sạn sang trọng, tặng quà cáp, trao huân chương... Nhiều nhà khoa học đã rơi vào bẫy”.

Không chỉ săn đón các nhà khoa học, Trung Quốc còn huy động du học sinh, kỹ thuật viên, nhân viên công ty vào hoạt động gián điệp công nghiệp.

Tháng 9-2011, hai kỹ thuật viên làm việc cho một công ty động cơ điện ở Yên Đài (tỉnh Sơn Đông) sang Pháp thực tập tại Công ty Converteam, công ty chuyên cung cấp động cơ cho tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral và Tonnerre của quân đội Pháp. Họ bị bắt gặp chụp ảnh mẫu động cơ điện trong khu vực cấm.

Trước đó vào cuối năm 2007, du học sinh Trung Quốc Li Li Whuang đã bị kết án 1 năm tù. Cô này thực tập tại nhà máy thiết bị ôtô Valeo, bị bắt năm 2015 vì bí mật sao chép hồ sơ của Valeo. Tang vật là sáu máy tính và hai đĩa cứng cùng nhiều thư điện tử mã hóa trao đổi với Trung Quốc.

Cách đây hai năm, Tổng cục An ninh nội địa Pháp đánh giá hoạt động gián điệp Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn công nghiệp.

Trung Quốc chú trọng đánh cắp thông tin về thiết bị thử nghiệm và tấn công mạng, đặc biệt là thông tin về công nghệ cải tiến, không gian, hàng không và y sinh.

Qing Quentin Huang-Ảnh: Toronto Star
Qing Quentin Huang - Ảnh: Toronto Star

Canada cũng không thoát

Một ngày cuối tuần tháng 12-2013, Qing Quentin Huang, 53 tuổi, cư trú tại Waterdown (tỉnh Ontario) đã bị bắt. Hai hôm trước, hiến binh hoàng gia đã đủ chứng cứ chứng minh Huang tìm cách chuyển thông tin mật về tàu tuần tra cho Trung Quốc.

Kỹ sư hàng hải Qing Quentin Huang vốn là dân nhập cư gốc Trung Quốc đã nhập quốc tịch Canada, làm việc cho Công ty Lloyd's Register, nhà thầu của hãng đóng tàu Irving.

Lúc bấy giờ Irving đang đóng từ 6-8 tàu tuần tra hoạt động trên Bắc cực theo hợp đồng đóng tàu chiến của chính phủ trị giá 33 tỉ USD trong 30 năm.

Theo hồ sơ vụ án, trong năm 2013 Huang đã hai lần gọi điện thoại cho đại sứ quán Trung Quốc ở Ottawa báo tin sẵn sàng cung cấp tin mật.

Cơ quan Tình báo an ninh Canada (CSIS) hay biết đã báo sự vụ cho cảnh sát. Một đặc vụ hóa trang giả danh viên chức đại sứ quán Trung Quốc tiếp xúc với Huang và đề nghị chép thông tin mật vào USB. Huang làm theo, sau đó bị bắt.

Huang bị truy tố hai tội danh: mưu toan cung cấp thông tin mật về chương trình đóng tàu của chính phủ cho thực thể nước ngoài và cố ý quan hệ trái phép với thực thể nước ngoài.

Đầu tháng 6-2017, thẩm phán thông báo không thể hủy bỏ tội danh bị truy tố thứ hai theo yêu cầu của Huang.

Trong chiến lược hàng hải của Canada, ngoài tàu khu trục còn có tàu tuần tra, tàu nghiên cứu và tàu phá băng. Nếu thông tin bị rò rỉ, Trung Quốc sẽ có lợi thế về chiến thuật, quân sự và cạnh tranh vì nắm rõ các đặc điểm tàu bảo vệ chủ quyền Canada.

Cuối tháng 11 năm ngoái, CSIS đã phát thông báo khẳng định Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục nhắm đến các mục tiêu thông tin tình báo mật và công nghệ của Canada cũng như những người đại diện cho Chính phủ Canada.

CSIS đánh giá để phục vụ cho lợi ích chính trị, kinh tế và lãnh thổ, các nước có liên quan đã áp dụng nhiều hình thức như gián điệp, chặn thông tin về các lĩnh vực kinh tế, các lợi ích và tài sản chiến lược, các định chế xã hội cùng kiều dân.

Vụ gián điệp gần đây nhất của Trung Quốc ở Canada xảy ra vào năm 2014. Canada cảnh báo tin tặc được Chính phủ Trung Quốc tài trợ đã can thiệp vào hệ thống mạng của Hội đồng Nghiên cứu quốc gia.

Lúc đó Canada phải dừng hoạt động hệ thống mạng của cơ quan chính phủ này một thời gian dài. Tình báo Canada nghi ngờ “một cơ quan nhà nước cấp cao” của Trung Quốc đứng sau vụ này.

Ngày 22-6-2017, ông Daniel Jean (cố vấn an ninh và tình báo của thủ tướng Canada) cùng ông Uông Vĩnh Thanh (tổng thư ký Ủy ban Chính pháp Trung Quốc) đã đồng chủ trì Đối thoại cấp cao Canada - Trung Quốc lần thứ hai về an ninh quốc gia và pháp quyền tại Ottawa.

Theo thông cáo chung, hai bên nhất trí không chính phủ nào tấn công mạng để đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ hoặc cố tình ủng hộ hoạt động như thế, trong đó bao gồm các bí mật thương mại và các thông tin tình báo thương mại bí mật nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoặc cho các lĩnh vực thương mại.

Hai bên cũng cam kết tiếp tục thảo luận về pháp quyền, các hệ thống pháp lý, án tử hình, ứng dụng luật, dẫn độ và bàn giao người bị kết án.

Hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về hiệp định dẫn độ, tiến tới ký kết thỏa thuận về tài sản bị tịch biên và hồi hương người nước ngoài vi phạm luật nhập cư.

 

Kỳ 4: Móc nối Hoa kiều hoạt động tình báo
Kỳ 3: Gián điệp ở PACOM
Kỳ 2: Nhân viên ngoại giao Mỹ sa bẫy
Kỳ 1: Cựu đặc vụ CIA bán tin

>> Kỳ cuối : 5 phương pháp gián điệp

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên