Hàng loạt những sai phạm mà khi bị phát hiện hầu hết các NXB đều cho rằng: lỗi của đơn vị liên kết, hoặc sách lậu |
Nhưng còn một câu hỏi cần phải đặt ra là làm sao để đừng xuất hiện những cuốn sách sai, lỗi như thế.
Vì nhìn vào sự việc, qua câu trả lời của ông Nguyễn Hoàng Cầm, giám đốc NXB Lao Động - Xã Hội, với Tuổi Trẻ (xin được trích nguyên văn những gì tôi được đọc) là: “Hình bìa này không đúng với bìa chúng tôi đã duyệt trước đó, và khi đối tác in xong chúng tôi chưa duyệt sách, chưa có quyết định phát hành thì đơn vị liên kết đã phát hành sách ra ngoài thị trường. Ngay cả tên sách cũng không đúng như chúng tôi duyệt. Tên sách đúng phải là Tìm hiểu Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014, nhưng đối tác đã cắt bớt hai chữ “tìm hiểu”.
Như vậy, đối tác liên kết có thể nộp đơn xin giấy phép xuất bản một cuốn A có bìa B, nhưng sau đó lại âm thầm in ấn và phát hành một cuốn A’ với bìa B’… thì nhà xuất bản (tức nơi cấp giấy phép) vẫn không hay biết.
Điều này có nghĩa là việc xin giấy phép, cấp giấy phép chỉ là một thủ tục chỉ có giá trị hình thức?
Với thủ tục hình thức này, sẽ có bao nhiêu cuốn sách xin A rồi sau đó ra A’ thậm chí K, H… nữa mà (các) nhà xuất bản không hay biết. Và chỉ đến khi, dư luận ồn ào lên tiếng, báo chí vào cuộc, NXB mới bảo: đối tác không làm đúng thủ tục.
Số lượng đầu sách hàng năm ra rất nhiều. Con số của bà Mai Thị Hương, trưởng Phòng Quản lý xuất bản thuộc Cục Xuất bản, in và phát hành, trong vụ việc lùm xùm những sai sót của cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh, cung cấp: Một năm, Cục nhận được từ 28.000 đến 30.000 đầu sách với khoảng 300.000.000 bản.
Và chính bà Hương thừa nhận: “Trong khi đó, Phòng quản lý xuất bản chỉ có 10 người thì 4 người chuyên về lưu chiểu dữ liệu, 6 người làm công tác quản lý văn bản. Nên việc đọc hậu kiểm chỉ là một phần công việc của phòng chúng tôi. Một năm, giỏi lắm, chúng tôi đọc hậu kiểm được không quá 50% số sách nộp lưu chiểu".
Công việc hậu kiểm không làm xuể, thì công tác tiền kiểm phải đảm bảo chất lượng, đằng này, như bà Hương đã chỉ ra và thực tế cũng cho thấy, chính các NXB đã buông lỏng quản lý.
Những vụ việc lùm xùm liên quan đến sách liên tục diễn ra trong những tháng gần đây, và điều đáng lưu ý, rơi vào những cuốn đã tồn tại khá lâu trên thị trường, đa phần đều được các nhà xuất bản nói rằng: sách do đối tác liên kết làm.
Có cảm giác như NXB chỉ là cái vỏ bọc để đơn vị liên kết kinh doanh? Hay trong một góc nhìn khác, liệu có thể hiểu NXB ký giấy phép và nhận tiền quản lý phí, nhưng khi có chuyện xảy ra lại nói lỗi là do của đơn vị liên kết?
Trong bản tin Cục xuất bản tiếp tục xử lý “từ điển rác” (Tuổi Trẻ ngày 21-10), Đại diện Cục Xuất bản, in và phát hành cho biết, sắp tới, Bộ Thông tin-Truyền thông sẽ ban hành thông tư có ràng buộc chặt chẽ hơn đối với đối tác liên kết của NXB.
Chưa biết, sắp tới là lúc nào, và thông tư ấy liệu có những nội dung gì để đảm bảo vá được cái lỗ thủng to đùng trong mối quan hệ liên kết xuất bản này, hạn chế chuyện lọt sàng xuống nia những cuốn sách rác.
Và ngoài ra, có một ý kiến của bạn đọc Phan Hiệp bình luận dưới bản tin Phạt 252 triệu đồng NXB làm “sách luật in hình Công Lý” cũng rất đáng tham khảo: Phạt vậy vẫn chưa ổn. Cần phải xem lại trách nhiệm các cá nhân có trách nhiệm trong in ấn xuất bản cuốn sách này để xem xét xử lý đến nơi đến chốn thì may ra còn lấy lại được uy tín đối với người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận