Những câu chuyện và ý kiến từ bạn đọc Tuổi Trẻ cùng bàn về việc làm sao ngăn chặn chuyện xấu này.
Một đi không trở lại
Nhóm bạn của tôi có một chuyến du lịch biển. Tại một quán nước giải khát chúng tôi hỏi: "Bao nhiêu tiền một trái dừa?". Anh chủ quán nói 40.000 đồng/trái. Thấy giá quá cao, tôi đã trả 20.000 đồng/trái và chủ quán đồng ý bán ngay. Chúng tôi mua 10 trái. Khi tính tiền, chủ quán nói tất thảy là 380.000 đồng.
Chúng tôi thắc mắc 20.000 đồng/trái thì 10 trái chỉ có 200.000 đồng sao lại tính tới 380.000 đồng? Chủ quán giải thích: "Tôi bán 40.000 nhưng chị trả 20.000 đồng/trái. Tôi đồng ý bán nhưng chỉ bán 1 trái thôi. Chị lấy 10 thì 9 trái kia vẫn là giá 40.000 đồng". Vừa nói, ánh mắt chủ quán nhìn chúng tôi sắc lẹm. Xung quanh có vài ba người hùng hổ xấn tới nên chúng tôi trả đủ tiền theo yêu cầu và đi luôn.
Cả nhóm đang hào hứng cho chuyến đi chơi bỗng thất vọng với kiểu làm du lịch như vậy. Có người trong nhóm còn nói: "Đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng đến nơi đây".
Phan Thị Tuyết
Đừng "tham bát bỏ mâm"
Nhiều người bán hàng ở các điểm du lịch chỉ quan tâm đến việc bán được để kiếm tiền trước mắt nên cứ bán giá thật cao, bán hàng kém chất lượng... mà quên đi hậu quả lâu dài đối với ngành du lịch của địa phương, của cả nước.
Đối với du khách, mỗi lần đi đến đâu mà bị "chặt chém", gây khó dễ, không thiện cảm... thì dễ rơi vào trạng thái ức chế, không muốn trở lại, thậm chí họ cũng sẽ khuyên người thân của họ không đến nơi đó. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến người bán mà còn ảnh hưởng xấu cho du lịch địa phương.
Để giữ hình ảnh chung, các tỉnh thành cần quyết liệt ngăn chặn và xử lý mạnh tay các kiểu bán giá cắt cổ với du khách.
Nguyễn Quế Diệu
Đủ chiêu trò "gài bẫy" du khách
Người bán bánh rán, trái cây chèo kéo du khách. Một số người đánh giày tự ý kéo chân, lấy keo dán vào giày của du khách rồi đòi tiền. Có những nơi người bán hàng rong ép du khách mua nón, dù, quạt... Người bán vào tận bàn ăn để chào mời chèo kéo.
Một số người bán đồ chơi như chim bay, robot... cố tình để món đồ bay về phía khách, nếu đồ chơi bị hư hoặc khi khách nhặt giùm sẽ phải mua. Tôi từng gặp những du khách phải bỏ chạy khi rơi vào tình huống này.
Một thành phố du lịch nổi tiếng hàng chục năm vì sự thân thiện nay tăng giá bán từng trái dừa, chửi du khách khi hỏi mà không mua... tự nhiên mất tiếng tốt. Một du khách đã nói với tôi: "Đây là nơi mà tôi thấy người Việt rất hung dữ và không thân thiện chút nào!".
Tôi phải thường xuyên hướng dẫn du khách việc mua bán, chỉ khách cách cài đặt app gọi xe, xem bản đồ cự ly xa gần để khách có thể sử dụng xe buýt khi không có tôi đi cùng.
Đồng thời, tôi gợi ý cho du khách những câu từ dí dỏm để khi mua hàng trao đổi một cách vui vẻ với người bán, tránh xảy ra xung đột.
Tuy nhiên đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần tạo cơ sở dữ liệu nhận phản hồi từ du khách. Chúng ta cần hướng đến hoạt động du lịch bền vững, để cộng đồng dân cư có lợi và sẽ bảo vệ du khách đến với mình.
Nguyễn Tấn Danh (hướng dẫn viên, giảng viên ngành du lịch)
Quyết liệt ngăn hàng rong
Từ sau dịch Covid-19 tới nay việc quản lý hàng rong ở phố cổ Hội An rất cực. Khách rất đông. Hàng rong góc nào cũng có, họ bán giá như thế nào khó kiểm soát được hết.
Để hạn chế hàng rong, thời gian qua chúng tôi cử lực lượng làm quyết liệt, tịch thu "tang vật" đưa về phường. Thu xe họ lại mua xe khác nhưng chỉ có cách này may ra hàng rong giảm dần. Về lâu dài cần có giải pháp căn bản, đó là chuyện cung - cầu. Nếu khách không mua hàng rong cũng tự động giảm, đây là điều cần sự chung tay của du khách.
Ông Võ Đăng Phong (chủ tịch UBND P.Minh An, TP Hội An, Quảng Nam)
Có thể bị xử lý hình sự vì tội cưỡng đoạt tài sản
Theo nghị định 144/2021, hành vi chèo kéo, đeo bám gây mất trật tự công cộng mức phạt tiền 300.000 - 500.000 đồng.
Theo nghị định 109/2013, hành vi bán hàng rong vi phạm quy định về giá bán, "chặt chém" khách hàng mức phạt như sau: phạt cảnh cáo với hành vi không niêm yết giá, niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng, mức phạt tiền 300.000 - 500.000 đồng khi vi phạm từ lần thứ hai trở lên.
Phạt tiền 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết của hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá. Ngoài ra buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết.
Trường hợp người bán hàng rong có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần khách hàng, tùy theo mức độ và hành vi có thể bị xử lý hình sự tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức hình phạt tù 1 - 5 năm.
Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM)
Bố trí một phần vỉa hè cho hàng rong
Hiện UBND Q.1 (TP.HCM) đang tổ chức thực hiện đề án sắp xếp lại hàng rong trên phố đi bộ Nguyễn Huệ và các tuyến đường lân cận. Những cơ sở kinh doanh, khách sạn được bố trí một phần vỉa hè phía trước để tổ chức cho hàng rong buôn bán.
Việc làm trên vừa phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân, du khách vừa hạn chế được tình trạng hàng rong tự phát gây mất trật tự. Đội quản lý trật tự đô thị của 10 phường ở quận 1 sẽ thường xuyên đi kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tạm thời hè phố, buôn bán hàng rong, đặc biệt tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ. UBND Q.1 đã chỉ đạo các phường xử lý nghiêm đối với các điểm bán hàng rong bừa bộn hoặc trông giữ xe có giấy phép nhưng "hét giá".
Ông Lê Đức Thanh (chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận