Nhiều diễn đàn lập ra để "đấu tranh" với mong muốn Shopee hạ thời gian hoàn tiền còn 7 ngày như trước.
Như Shopee thông tin, sàn đưa ra các chính sách mới nhằm tăng trải nghiệm tích cực cho khách hàng, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người bán.
Thực tế đa số người mua hàng đều vui vẻ với trải nghiệm được kéo dài thời gian trả hàng/hoàn tiền lên đến 15 ngày để mua đúng sản phẩm, hài lòng về chất lượng.
Nhưng ngược với niềm vui của người mua là nỗi khổ từ phía người bán. Họ cho rằng dù khách đã thanh toán và bấm xác nhận, nhưng tiền bán hàng trên Shopee vẫn chậm về tài khoản, thậm chí hơn cả 15 ngày.
Cộng đồng người bán hàng cho rằng họ bị "chèn ép", thậm chí nghi ngờ khi Shopee giới thiệu dịch vụ cho vay SEasy dành cho nhà bán hàng, liệu có phải... vay lại của chính mình?
Từ những tranh cãi trong triển khai các chính sách mới, cho thấy người mua được bảo vệ quyền lợi khi mua hàng, nhưng cũng thấy rất rõ Shopee chưa xem trọng tiếng nói của người bán hàng.
Nếu như Shopee xem hàng triệu người kinh doanh trên sàn như một đối tác sòng phẳng, có bước chuẩn bị chuyển dần từ chính sách cũ sang chính sách mới để điều chỉnh, thích nghi hoặc truyền thông cụ thể... chắc chắn sẽ không có những phản ứng tiêu cực hay bức xúc. Nói như các chủ shop là "thông báo cái rụp, làm cái rẹt".
Khi mà kinh doanh bán buôn kiểu truyền thống đang rất khó khăn và không hợp thời thì bán hàng online chính là xu thế đang bùng nổ và còn phát triển mạnh mẽ.
Chỉ trên một sàn nhưng có sự cạnh tranh gay gắt từ hàng ngàn thương hiệu, để tồn tại, dĩ nhiên nhà bán hàng phải thay đổi cách thức, chính sách mới trong kinh doanh.
Chính sách mới để thích nghi với xu hướng tiêu dùng mới là phù hợp nhưng phải là "cây cầu nối" giữa người bán và người mua. Shopee nên tôn trọng, hài hòa quyền lợi từ cả hai phía, để tạo ra uy tín cho nhiều đối tác, ở đây có cả Shopee.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỉ lệ người dùng Internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hằng tuần ở mức trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%.
Như vậy khi một nửa dân số Việt mua sắm online, kéo theo hàng triệu nhà lao vào khởi nghiệp kinh doanh online.
Chỉ cần công cụ đăng ký là một chiếc điện thoại hay máy tính, không cần mặt bằng hay tìm hiểu thị trường, các chủ shop sẽ bấm Yes/OK rất dễ dàng, dẫn đến bỏ qua các bước đọc kỹ về quy định của các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, quy định về đổi/trả hàng.
Đó cũng là hệ quả của việc những phản ứng, những quyền lợi của người bán bị bỏ ngỏ. Mỗi nhà bán hàng rất cần thiết đọc kỹ các quy định của sàn thương mại, ràng buộc như thế nào, đổi trả ra làm sao... để mỗi chủ shop sẵn sàng là một nhà kinh doanh thực thụ trên sàn, tránh thiệt hại về sau.
Ở nhiều nước, các sàn thương mại lớn, người bán và người mua có thể chấm điểm lẫn nhau để có những giao dịch chất lượng.
Tại Việt Nam, cũng rất cần xây dựng thang điểm, những sao để đánh giá không những từ phía người bán mà cả người mua hàng. Có như vậy mới sàng lọc được ở cả hai phía, để công bằng hơn trên môi trường kinh doanh số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận