Các CĐV Sài Gòn cổ vũ đội nhà - Ảnh: N.K
Việc 18 cầu thủ ra đi khỏi Sài Gòn FC thực sự là một tin sốc bởi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là V League 2021 khởi tranh.
Cách hành xử lạ kỳ
Nhưng chúng ta sẽ không thể xác quyết rằng cuộc thay máu hàng loạt này của chủ tịch kiêm HLV trưởng Vũ Tiến Thành là đúng hay sai bởi đơn giản: đúng-sai tương lai sẽ trả lời.
Nếu mùa giải tới SGFC có kết quả tốt, quyết định của ông Vũ Tiến Thành sẽ là đúng. Thậm chí lúc ấy ông còn được khen ngợi, ít nhất là từ giới chủ CLB. Ngược lại, thành tích mà bết bát, quyết định ấy chắc chắn sẽ bị coi là sai lầm tai hại và lúc đó, lời chê sẽ còn nhiều hơn lúc này rất nhiều lần.
Cái chúng ta cần bàn ở câu chuyện này nằm ở điểm khác. Đó là văn hóa CLB và một trong những thứ tạo nên văn hóa ấy là cách hành xử nội bộ với nhau. Đơn cử, chuyện ông Vũ Tiến Thành đối xử với HLV Nguyễn Tuấn Phong chẳng hạn. Đó là một cách cư xử khá lạ kỳ và khó lý giải.
Sài Gòn chia tay gần 20 cầu thủ sau V-League 2020- Ảnh: N.K
Nếu một cầu thủ hay HLV bị thanh lý thì lý do có thể là chất lượng chuyên môn, là tuổi tác, là thái độ làm việc. Và ở trường hợp của Nguyễn Tuấn Phong, chúng ta có thể hiểu nguyên nhân không nằm ở chuyên môn hay ở tác phong làm việc mà có lẽ nằm ở mối quan hệ cá nhân thì đúng hơn.
"Phong là người có nhân cách, sống hoòa đồng luôn được cầu thủ yêu quý. Về chuyên môn là HLV thông minh, trách nhiệm và có trình độ". Đó là nhận xét của HLV Nguyễn Thành Công về Tuấn Phong. Còn HLV Hoàng Văn Phúc, người cũng có thời gian ngắn làm việc cùng Tuấn Phong ở Sài Gòn FC, cho biết: "Phong hòa đồng với anh em cầu thủ lắm. Chuyên môn tốt, tác phong nghiêm túc, thái độ chuyên nghiệp".
Trong khi đó, nhiều cầu thủ Sài Gòn FC nhận xét đại ý rằng "anh Bin (Tuấn Phong) hiền, không thích phe phái, không thích va chạm. Chỉ có công việc thôi. Với HLV trưởng nào anh ấy cũng làm hết mình cả". Tất cả các nhận xét tích cực này cho thấy trong công việc, Nguyễn Tuấn Phong là con người tích cực như thế nào.
Nhưng còn ở khía cạnh quan hệ con người với nhau, sau những chia sẻ của Nguyến Tuấn Phong với Tuổi Trẻ, rất có thể chuyện thanh lý Nguyễn Tuấn Phong đến từ lý do rất cá nhân là "không thích làm việc với nhau nữa"? Và về lý, ở cương vị chủ tịch một CLB, ông Vũ Tiến Thành hoàn toàn có quyền sa thải một ai đó khi mà ông ta thấy không cần đến cá nhân ấy nữa. Đặc biệt là khi cá nhân đó từng có những lần góp ý thẳng thắn và không thuận tai đối với ông Vũ Tiến Thành trong suốt quá trình làm việc với nhau (theo như chia sẻ của Nguyễn Tuấn Phong-nv).
Người hâm mộ nghi ngờ
Nhưng cho dù nguyên do là gì đi nữa, chuyện với Nguyễn Tuấn Phong và 18 cầu thủ ra đi đã khiến rất nhiều người yêu mến CLB nổi giận. Họ cảm thấy bị phản bội. Họ bị đặt vào một tâm trạng lo lắng khi không biết mùa giải mới CLB của mình sẽ như thế nào. Họ nghi ngờ về chuyện những người điều hành CLB đang không bỏ qua cái tôi cá nhân để vì lợi ích chung lâu dài.
Có thể nói rằng hình ảnh của Sài Gòn FC đã thay đổi một cách tiêu cực chỉ trong vòng vài ngày. Từ một CLB được xem là mang lại sức sống, sự hấp dẫn, điểm nhấn ấn tượng cho V League, Sài Gòn FC đang trở thành một CLB có dấu hiệu ‘thanh trừng nội bộ vì lý do cá nhân" trong mắt người hâm mộ. Và cho dù không có chuyện thanh trừng vì lý do cá nhân đi nữa, người hâm mộ vẫn hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi nghi ngờ.
Văn hóa từ người lãnh đạo
HLV kiêm chủ tịch CLB Vũ Tiến Thành - Ảnh: N.K
Một CLB thu hút được người hâm mộ, thu hút được các cầu thủ đến với mình là do nó có nét đặc thù văn hoá riêng. Ở Việt Nam, rất ít CLB có được nét đặc thù văn hóa riêng ấy.
Riêng Sài Gòn FC, phải thừa nhận thời gian qua họ bắt đầu tạo ra một nét văn hóa riêng và chính điều đó khiến lực lượng CĐV của họ bắt đầu tăng dần. Nhưng cái nét văn hóa riêng kia vừa mới manh nha thì vụ bê bối 18+1 lại nổ ra và xóa sạch những gì tích cực đã từng được xây dựng.
Cái này thì chúng ta có thể quy toàn bộ trách nhiệm cho ông Vũ Tiến Thành. Văn hóa của một tập thề luôn được khởi tạo từ người dẫn đầu. Tích cực hay tiêu cực là do chính từng hành vi của người dẫn đầu ấy tạo nên tác động lớn cả ở nội bộ lẫn ở hình ảnh bên ngoài.
Hãy nhìn vào trường hợp của một CLB vĩ đại của thế giới là Barcelona để so sánh. Đó là CLB đề cao tính hi sinh, đề cao giá trị tập thể vượt trên giá trị cá nhân, đề cao sự đối xử với nhau như trong một gia đình. Và khi hình ảnh ấy bị ảnh hưởng trầm trọng bởi cách chủ tịch Bartomeu cư xử với Messi, Suarez và các cầu thủ khác, ông Bartomeu đã phải chịu từ chức trước áp lực của cộng đồng để tránh làm vấy bẩn thêm biểu tượng văn hoá của Barcelona.
Đòn đau vào văn hóa của CLB
Quay trở lại với SGFC, khi người hâm mộ nghi ngờ tính liêm chính trong các quyết định thanh lý HĐ của giới điều hành, điều đó có nghĩa là hình ảnh CLB đang hoen ố và riêng tin đồn (có thể là thất thiệt đấy) rằng SGFC xử tệ bạc với cầu thủ và HLV cũng đã đủ là một đòn đau vào văn hóa của CLB này. Và rõ ràng, ông Vũ Tiến Thành phải là người chịu trách nhiệm toàn bộ.
Khi dịch COVID-19 ở cao trào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu một câu rất hay là "không để bất kỳ ai bị bỏ lại". Câu nói này như động lực để nhiều doanh nghiệp cố gắng gồng mình tránh việc cho nhân viên nghỉ việc. Nhờ đó mà xã hội mới lấy lại được sinh khí để vượt khó.
Vậy mà ở SGFC, nơi người ta nói về "We are One" (chúng ta là một) như một triết lý, họ lại sẵn sàng bỏ lại những cá nhân từng đóng góp rất nhiều cho CLB ở sau lưng mình.
Ông Vũ Tiến Thành từng khẳng định và cam kết xây dựng một SGFC mang đậm bản sắc người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn thì hào hiệp, nghĩa khí, không bỏ rơi bằng hữu cộng sự bao giờ. Bản thân rất nhiều người trong cả nước còn nhắc đến Sài Gòn bằng mấy chữ "bao dung". Thế thì cách mà trong số 18+1 kia có những người đúng nghĩa là bị gạt ra rìa có mang bản sắc người Sài Gòn, văn hóa Sài Gòn hay không?
Nếu có một thứ văn hóa CLB ở Sài Gòn FC thì những biểu hiện lúc này cho thấy đó là một thứ văn hóa kỳ quái, được tạo thành bởi những quyết định khó hiểu của những con người khó tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận