19/07/2024 16:19 GMT+7

Từ chuyện muốn đặt tên con Nguyễn Bảo Phà Chạy: Đặt tên sao không gây khó cho con?

Cái tên rất quan trọng cho cuộc đời đứa bé. Không nên đặt tên tùy hứng, bởi sau này muốn đổi lại tên, thủ tục không đơn giản.

Cháu bé sinh non được bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang chăm sóc tận tình - Ảnh: CHÍ CÔNG

Cháu bé sinh non được bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang chăm sóc tận tình - Ảnh: CHÍ CÔNG

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, với mong muốn ghi lại kỷ niệm đặc biệt và tỏ lòng biết ơn các lực lượng chức năng đã nỗ lực giúp vợ mình "vượt cạn" thành công, anh Nguyễn Văn Bé Sáu (xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, Kiên Giang) đã chọn cái tên Nguyễn Bảo Phà Chạy đặt cho con.

Trước đó chiều 14-7, khu vực nhà anh Sáu nước đổ về nhiều, khiến nhiều hộ dân lân cận bị ngập sâu cục bộ, mà vợ anh lại chuyển dạ.

Trước tình thế nan giải này, anh Sáu phải nhờ đến các chiến sĩ Công an TP Phú Quốc chuyển vợ anh nằm trên băng ca đến Trung tâm Y tế TP Phú Quốc lo việc sinh nở.

Con anh bị sinh non, sức khỏe yếu..., lực lượng chức năng địa phương đã tạo mọi điều kiện để con anh vào đất liền, điều trị an toàn.

"Nguyễn Bảo Phà Chạy - cái tên nhắc nhớ những kỷ niệm khó quên khi vợ đi sinh trong lúc mưa gió mịt mù, nước ngập chia cắt đường nhưng vẫn đong đầy hạnh phúc yêu thương của mọi người dành cho", anh Bé Sáu cho biết.

Sau khi Tuổi Trẻ Online thông tin, bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều bạn đọc cho rằng cha mẹ nên cân nhắc đặt tên để không gây khó cho con sau này.

Theo bạn đọc Vinh, nên đặt tên con đơn giản, ý nghĩa. Đặt tùy hứng sau này lớn lên có thể gây mặc cảm, tự ti cho con. Hơn nữa, muốn đổi lại tên phải chứng minh mới đổi được.

Luật sư Dương Phúc Hậu - Đoàn luật sư TP.HCM - chia sẻ thêm xung quanh vụ việc này.

Cân nhắc kỹ trước khi đặt tên khai sinh 

Với đứa con máu mủ yêu thương mà mình đứt ruột sinh ra, cái tên sẽ đi theo con đến suốt cuộc đời. Vì vậy tên thể hiện sự đầu tư nghiêm túc của bậc làm cha mẹ. Phải được chăm chút, chọn lựa thật kỹ ngay từ đầu, không nên tùy tiện làm theo ý thích hay sự tùy hứng của cha mẹ.

Luật sư Dương Phúc Hậu - Ảnh: NVCC

Luật sư Dương Phúc Hậu - Ảnh: NVCC

Trước khi đặt tên chính thức, nếu muốn, cha mẹ có thể gọi tạm con bằng một cái tên dễ kêu, dễ nhớ, bình dị để gọi ở trong nhà trước như Tí, Tèo, Mít, Ổi…

Cần thiết trước khi đặt tên khai sinh cho con, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của người lớn tuổi xung quanh, như ông bà, những người đã có kinh nghiệm. Ngoài ra có thể tham khảo trong "ngân hàng" tên Việt Nam ở các trang web uy tín để chọn cái tên cho phù hợp.

Tóm lại, việc đặt tên khai sinh cho con là việc vô cùng quan trọng, không được làm tùy tiện để gây khó cho con sau này.

Ngoài ra, việc đặt tên còn phải theo quy định dân sự hiện hành. Nếu đặt tên không phù hợp, sẽ phải điều chỉnh và gây bao hệ lụy sau này cho con mình.

Quy định có cấm đặt tên quá dài, tên lạ?

Khoản 3 điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một số hạn chế trong việc đặt tên cho cá nhân.

Cụ thể, tên đặt không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Tên phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam,...

Ngày 19-7, anh Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết liên quan đến đặt tên con là Nguyễn Bảo Phà Chạy được cộng đồng mạng quan tâm, anh rất vui.

Tuy nhiên cái tên trên chỉ là trong đầu anh thoáng nghĩ qua lựa đặt cho vui cho con và gợi nhớ kỷ niệm vợ con anh vượt qua khó khăn, mạnh khỏe.

“Sinh non thiếu tháng, con tôi cũng yếu ớt, việc lựa chọn tên gọi vui để con tôi dễ nuôi, mạnh khỏe. Chứ khi lấy tên khai sinh, tên thật thì gia đình tôi lựa chọn tên đặt cho hợp lý, có ý nghĩa cho con”, anh Sáu nói.

CHÍ CÔNG

Dự thảo Bộ luật Dân sự từng có đề xuất giới hạn đặt tên cá nhân trong 25 ký tự. Tuy nhiên sau đó đề xuất này không được thông qua.

Để khuyến khích, ở khoản 1 điều 6 thông tư 04 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp có yêu cầu khi đặt tên cho con và thực hiện khai sinh thì tên không được đặt quá dài, khó sử dụng.

Do đó có thể khẳng định hiện nay Bộ luật Dân sự cũng như các văn bản liên quan đến hộ tịch đều không quy định đặt tên con có bao nhiêu ký tự và cũng không có hướng dẫn tên thế nào là quá dài, không được phép đặt.

Chính điều đó đã khiến thực tế có nhiều trường hợp tên quá dài hoặc tên quá lạ, gây ra những chuyện "dở khóc dở cười".

Các trường hợp được thay đổi tên

Thực tế khi phải điều chỉnh hộ tịch, xin thay đổi tên họ cho con gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp và mất thời gian.

Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

- Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.

- Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt.

- Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con.

- Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình.

- Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi.

- Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính.

Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Như vậy nếu không có sai sót khi đăng ký khai sinh, không thuộc trường hợp cải chính tên, nhưng việc sử dụng tên đã đăng ký khai sinh gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó thì cá nhân, người đại diện theo pháp luật của họ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên theo quy định...

Về thẩm quyền, theo quy định tại điều 27 và điều 46 Luật Hộ tịch, UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch giải quyết việc thay đổi tên cho người chưa đủ 14 tuổi; UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi tên cho người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước...

Một số lưu ý khi đặt tên khai sinh cho con

- Không đặt những cái tên hồi bé nghe dễ thương và độc đáo, nhưng lớn lên không thích hợp bởi các ngành nghề cần sự nghiêm túc.

- Thử các trường hợp nói lái của tên để tránh khi trẻ lớn khó bị nói lái hoặc xuyên tạc tên.

- Tránh đặt những cái tên khi ghép các chữ cái đầu tiên của họ, đệm, tên vào lại thành một từ có nghĩa xấu, xui xẻo… khiến trẻ bị trêu chọc. Tránh một số từ ngữ có ý nghĩa không phù hợp.

- Tránh những cái tên khó gọi về ngữ âm, trúc trắc về thanh âm vì khó gọi sau này trẻ sẽ bị gọi không đúng tên.

- Nếu muốn đặt những cái tên cho lạ, khác biệt cho trẻ, cần cân nhắc về chính tả và phát âm kẻo nhiều người không viết chính tả hay phát âm đúng tên sẽ tốn thời gian để sửa chữa (so với chính tả thông thường).

Những cái tên ít phổ biến cũng hạn chế chọn để tránh cho trẻ lớn lên gặp nhiều tình huống khó xử, hoặc bị liên tưởng khác về tên.

Cũng có quan niệm cho rằng tên độc, lạ có thể dẫn đến những tính cách bất thường của trẻ.

Đặt tên cho con theo kiểu gửi gắm tương lai rực rỡ: Cười muốn Đặt tên cho con theo kiểu gửi gắm tương lai rực rỡ: Cười muốn 'trụy tim' là có thật nha!

Có những trường hợp, cái tên vô tình hay hữu ý chứa đựng luôn cả yếu tố hài hước bên cạnh sự ý nghĩa và may mắn, ngay lập tức cái tên ấy sẽ thành "hiện tượng" xả stress!

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên