31/08/2018 11:40 GMT+7

Tự chủ trường phổ thông: Tự chủ chớ quên trách nhiệm!

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Dám chịu trách nhiệm, coi trọng việc giải trình trách nhiệm vẫn được xem như cái “phanh” để kiểm soát các trường được giao tự chủ.

Tự chủ trường phổ thông: Tự chủ chớ quên trách nhiệm! - Ảnh 1.

Giáo viên Trường THPT Yên Hòa, một trong số các trường đang thực hiện tự chủ, trao đổi để xây dựng chương trình - Ảnh: V.H.

Nhưng nếu may mắn có được điều đó thì hành trình tiến đến tự chủ vẫn còn nhiều khó khăn.

Trách nhiệm về... tiền

Cô Nguyễn Thị Thu Anh - hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội - cho biết khi thực hiện tự chủ, đòi hỏi người đứng đầu nhà trường phải giải tốt bài toán về tài chính. Hiểu một cách cơ bản là trường tự chủ bị cắt một khoản ngân sách và bù đắp bằng nguồn thu từ người học. 

Đây cũng là điều mà cơ quan nhà nước lo sợ chưa dám buông, vì thực tế rất nhiều trường chẳng "tự chủ" vẫn lạm thu.

"Nếu không đặt ra trách nhiệm giải trình, nếu bỏ hẳn đi vế phải công khai, minh bạch và sẵn sàng chịu trách nhiệm thì tình trạng lạm thu có thể sẽ xảy ra và tự chủ sẽ thất bại" - cô Thu Anh khẳng định. 

Hiện trường thu gần 3 triệu đồng/học sinh/tháng cho học phí học hai buổi/ngày, tiền ăn bán trú, tiền học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài và các phí quản lý... Đây là mức thu không cao đối với một trường chất lượng cao đang thực hiện tự chủ.

"Vì phải tự trang trải, đảm bảo yêu cầu chất lượng giáo dục, phải chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài chính nên chúng tôi buộc phải thực hiện công khai, minh bạch và đặc biệt là tiết kiệm" - cô Thu Anh nói.

Cô Thu Anh kể một câu chuyện về tiết kiệm: "Có một loạt bàn ghế bị xộc xệch, thay vì thuê cơ sở bên ngoài vào sửa với mức phí cao, trường có dụng cụ và nhân viên nhận làm, chi phí sửa chữa bớt đi cả chục lần so với bình thường. 

Hay khi trường có công trình phải cải tạo, không cào bằng từ phụ huynh mà tiếp nhận sự tư vấn, tính toán, giới thiệu những địa chỉ để thi công đảm bảo chất lượng nhưng tiết kiệm từ phụ huynh".

Trong khi đó, thầy Hà Xuân Nhâm - hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - chia sẻ: "Nhiều người lo "thả" ra thì các trường tự chủ sẽ lạm thu, nhưng với trường chúng tôi thì điều này không xảy ra. Chúng tôi có đề án, kế hoạch và thực hiện đúng nội dung đó. Nếu sai phạm chúng tôi phải chịu trách nhiệm. 

Tương tự, tất cả việc bố trí giáo viên, trả lương, kế hoạch dạy học, cam kết chất lượng đều rõ ràng, công khai, có sự giám sát không chỉ của cấp quản lý mà của cả phụ huynh, học sinh, người lao động trong trường".

Tuy vậy, thầy Nhâm cũng cho rằng "tự chủ" vẫn có nguy cơ lạm thu nếu không duy trì các nguyên tắc, thể hiện trách nhiệm của trường trong việc giải quyết bài toán tài chính.

Trách nhiệm về việc rời "sư phạm quyền uy"

Trong khi hệ thống trường công lập "bội thực" các khẩu hiệu, phong trào mà phần lớn đều bị rơi vào hình thức, đối phó thì ở một số trường phổ thông đang tự chủ lại nỗ lực xây dựng một môi trường sư phạm khác. 

Thầy Hà Xuân Nhâm cho rằng việc rời "sư phạm uy quyền" về "sư phạm dân chủ" là hành trình cần hướng đến. Ở một số trường phổ thông đang thực hiện tự chủ thì việc này có thể thấy rõ ràng.

Có thể ví dụ việc các trường Nguyễn Tất Thành, Phan Huy Chú, THCS & THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội nhiều năm nay đã thực hiện việc tổ chức để học sinh đánh giá giáo viên, nhận xét về môn học do các giáo viên giảng dạy... 

"Chính vì không ngại những ý kiến trái chiều và một khi đã cùng bàn, cùng tìm cách tháo gỡ thì chúng tôi có sự đồng thuận sâu và sức lan tỏa rộng của sự nhất trí, đồng lòng. Việc góp ý, nhận xét này đã giúp từ hiệu trưởng, giáo viên đến bảo vệ, lao công mỗi người vươn lên, không ngừng làm mới, không ngừng cố gắng" - thầy Nhâm chia sẻ.

Còn ở Trường Nguyễn Siêu, theo cô Doãn Tuyết Mai, trưng cầu ý kiến học sinh cho những kết quả rất bất ngờ như lần lấy ý kiến năm học trước, môn lịch sử lại là môn có đông học sinh của trường yêu thích nhất. 

Từ kết quả này, ban giám hiệu soi lại cách đổi mới dạy học của tổ lịch sử và thấy rõ việc đổi mới đã tạo nên những chuyển biến thật.

Không ngại trưng cầu ý kiến, sử dụng các kênh thông tin khác nhau để điều chỉnh việc quản trị, quản lý chuyên môn là một "văn hóa khác" mà một số trường tự chủ đang làm. 

Môi trường dân chủ và công bằng tạo động lực, nuôi dưỡng tâm huyết khiến nhiều giáo viên ở các trường THPT Phan Huy Chú, Nguyễn Tất Thành hay Nguyễn Siêu đều có chung nhận xét là "cảm giác hạnh phúc ở môi trường làm việc".

"Có những giáo viên đã từ bỏ biên chế, chấp nhận làm hợp đồng ở Trường Nguyễn Tất Thành vì họ được làm việc, sáng tạo và ghi nhận, đó là một trong những cái đích trên hành trình tự chủ mà chúng tôi hướng đến" - cô Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ.

Tương tự, thầy Nhâm cho biết: "Trường tôi có người hưởng 2-3 lương vì họ làm nhiều đầu việc khác nhau, hiệu suất công việc khác nhau. Việc xóa dần sự cào bằng tạo nên môi trường làm việc năng động. Người trì trệ, không đổi mới mình sẽ cảm thấy bị tụt lại".

Vẫn còn nhiều ràng buộc

Dù "phải lo tiền" nhưng trường tự chủ vẫn đang bị ràng buộc quá nhiều bởi các quy định vốn chỉ phù hợp với trường được bao cấp.

"Ví dụ, lẽ ra trường tự chủ phải được chủ động chọn mời thầy giỏi, được phép chấm dứt hợp đồng với giáo viên không đáp ứng được yêu cầu thì hiện nay còn nhiều quy định cứng cả trong quản lý chuyên môn, khiến trường tự chủ nhưng chưa được làm chủ" - cô Thu Anh cho biết.

Chọn an toàn thì khó tự chủ

Tự chủ trong việc thay đổi cách quản trị, xây dựng quy định nội bộ để hướng tới một nền "sư phạm dân chủ" cũng không phải việc dễ dàng, đặc biệt là với hệ thống trường công lập truyền thống.

"Trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, nhưng khi thanh tra giáo dục đi kiểm tra vẫn áp những quy định như trước, vẫn yêu cầu việc kiểm tra học sinh theo cách truyền thống. Việc đó rất khó cho các trường tự chủ" - một giáo viên nói.

Rất nhiều cái mới sẽ phải được mạnh dạn thực hiện, nhưng như thế rủi ro cũng xuất hiện bất cứ lúc nào. Bởi thế, với tư tưởng an toàn trên hết, phần lớn hiệu trưởng các trường phổ thông công lập không muốn tự chủ.

Tự chủ trường phổ thông - hành trình khó khăn Tự chủ trường phổ thông - hành trình khó khăn

TTO - Tương tự như ở bậc ĐH, một số trường phổ thông đang thực hiện tự chủ, nỗ lực thay đổi cách quản trị, dẫn tới chuyển biến về chất lượng. Nhưng khác với ĐH, họ gặp khó khăn hơn gấp nhiều lần.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên