11/09/2022 08:53 GMT+7

Từ chối dịch vụ không an toàn

CẨM PHÔ
CẨM PHÔ

TTO - Khi đi xuồng, đò, thuyền, ca nô..., câu đầu tiên bước lên phương tiện tôi luôn hỏi là áo phao, kể cả khi mực nước nông và bản thân biết bơi.

Từ chối dịch vụ không an toàn - Ảnh 1.

Nhiều người đi phà từ tỉnh Đồng Nai qua TP.HCM trên sông Soài Rạp nhưng không mặc áo phao - Ảnh: TỰ TRUNG

Khi đặt phòng khách sạn cho chính mình hay đặt giùm ai khác, tôi đều xem kỹ các điều kiện an toàn, xác định xem lối thoát hiểm ở đâu. Chuyện cũng tương tự ở các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, nhà hàng và quán bar, tôi càng đặc biệt chú ý đến lối thoát hiểm.

Tôi biết nhiều người có cùng cách nghĩ và làm như tôi. Nỗi sợ thúc đẩy để tôi cẩn trọng hơn một chút cũng không thiệt hại gì. Ngặt nỗi, nhiều người (kể cả chủ phương tiện hay cơ sở lưu trú, nhân viên bảo vệ và người thân của tôi) cũng cho rằng tôi "kỹ tính đến mức cầu kỳ, lo xa thành ra lắm chuyện".

Giống như hướng dẫn an toàn bay ở mọi chuyến bay, các lối thoát hiểm đều được thông báo trước tiên và luôn đảm bảo sự thông thoáng ở khu vực xung quanh, hành khách ngồi ở các hàng ghế này cũng được hiểu rõ trách nhiệm phối hợp của họ khi cần. 

Là người sử dụng dịch vụ, tôi nghĩ mình có quyền lợi yêu cầu được đáp ứng đầy đủ điều kiện an toàn và cũng có trách nhiệm từ chối nếu chúng đang thiếu hoặc yếu.

Thói quen này tôi học được khi làm việc với các đối tác nước ngoài ở vai trò người tổ chức chương trình. Họ thường hỏi rất kỹ về các điều kiện an toàn khi chọn lựa địa điểm, nhất là lối thoát hiểm. 

Lối thoát hiểm có thể là lối thang bộ được chỉ dẫn bằng đèn EXIT màu xanh hoặc thậm chí là cửa sổ hướng ra ban công hoặc mái tôn nhà hàng xóm... 

Thậm chí có người còn hỏi cả cách thiết kế loại cửa thoát hiểm, phải là loại chỉ cần đẩy một cái là ra nhanh chóng, không thể chấp nhận loại cần nắm tay xoay hay kéo.

Rồi đến cả phòng ở, họ cũng yêu cầu chọn phòng có cửa sổ, có ban công và cân nhắc đến cửa vào ở gần lối thoát hiểm. Nơi nào có hai lựa chọn thoát hiểm thì họ mới đồng ý trả tiền để ở. 

Nếu không có, họ nhắc nhở tôi báo cho người quản lý biết để khắc phục hoặc chuyển khách sạn. Cái giá phải trả cho nhu cầu có chỗ thoát khi cần thiết luôn đắt hơn những lựa chọn khác, họ vẫn chấp nhận để có được sự ưu tiên về an toàn này.

Tôi không tin tuyệt đối vào cánh cửa có gắn chữ "lối thoát hiểm". Có lần đến gần thử mở, cửa còn bị khóa chốt, không thể mở được từ bên trong! Lối thoát hiểm chẳng có đèn sạc và lắm khi bị biến thành kho chứa phế phẩm, giấy báo - những vật liệu ngáng đường và dễ cháy!

Chúng ta chỉ cần lưu tâm và tự đặt câu hỏi: "Nếu cháy mình sẽ chạy hướng nào? Làm sao để thoát thân khi có sự cố khẩn cấp?". Và nên lên tiếng khiếu nại, phản ảnh với người có trách nhiệm về sự thờ ơ, chủ quan của người cung cấp dịch vụ. 

Đừng xem nhẹ những điều kiện cơ bản ảnh hưởng tới tính mạng con người. Cho dù khả năng xảy ra cháy nổ chỉ là 0,1% thì khi có cháy, ở hoàn cảnh không lối thoát, ai cũng sẽ thành nạn nhân của "bà hỏa".

Mọi thứ đều là sự lựa chọn và lên tiếng, không chỉ cho bản thân mà còn là một đóng góp cho cộng đồng.

Không mặc áo phao khi lên tàu và gặp nạn, phó giám đốc sở nói gì? Không mặc áo phao khi lên tàu và gặp nạn, phó giám đốc sở nói gì?

TTO - Ông Trần Ngọc Sơn - phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị - đã cho rằng mình và những người trong đoàn kiểm tra sơ suất nên không mặc áo phao khi lên tàu đi kiểm tra, sau đó bị nạn giữa sông Thạch Hãn.

CẨM PHÔ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên