22/12/2017 15:07 GMT+7

Từ 1-1-2018: Đóng và xử lý vi phạm bảo hiểm xã hội thế nào?

ĐỨC BÌNH (ghi)
ĐỨC BÌNH (ghi)

TTO - Từ 1-1-2018, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc sẽ thay đổi. Bên cạnh đó, hành vi phạm pháp luật về BHXH sẽ bị xử lý hình sự.

Từ 1-1-2018: Đóng và xử lý vi phạm bảo hiểm xã hội thế nào? - Ảnh 1.

Từ trái qua: ông Trần Văn Liệu - phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, ông Lê Quân - thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tại buổi tọa đàm sáng 22-12 - Ảnh: Đ.BÌNH

Đây là một trong những điểm mới của Luật BHXH (năm 2014) mà đến ngày 1-1-2018 nhiều điều khoản quan trọng trong luật này mới chính thức có hiệu lực.

Để thông tin về các nội dung mới của Luật BHXH, sáng 22-12, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm về chủ đề này, với sự tham gia của ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Lê Quân - thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và ông Trần Văn Liệu - phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam…

Thay đổi "nền" tiền lương đóng BHXH

Theo thứ trưởng Lê Quân, Luật BHXH năm 2014 đã quy định lộ trình về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp.

Cụ thể, từ năm 2016 đến hết năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. 

Còn từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Tức từ ngày 1-1-2018, việc quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tiếp cận gần với tiền lương thực tế của người lao động, đảm bảo quyền thụ hưởng các chế độ BHXH khi người lao động nghỉ việc hưởng BHXH từ quỹ BHXH (đặc biệt đảm bảo ổn định cuộc sống khi người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu).

- Vậy cách tính mới có nghĩa mức đóng BHXH sẽ được tính trên tổng thu nhập? Xin ông giải thích cụ thể hơn những khoản bổ sung và khoản phụ cấp nào được tính đóng BHXH từ ngày 1-1-2018?

- Thứ trưởng Lê Quân: Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản phụ cấp lương và bổ sung khác đều làm căn cứ tính đóng BHXH.

Các khoản phụ cấp lương tính đóng BHXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên...

Các khoản không làm căn cứ tính đóng BHXH bắt buộc, gồm: các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động; các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Như vậy, những khoản phụ cấp lương, khoản bổ sung khác tính đóng BHXH là những khoản tương đối ổn định, thường xuyên; còn những khoản phụ cấp lương, khoản bổ sung khác không xác định được cùng với mức lương, gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động là khoản phụ cấp, bổ sung thường xuyên biến động nên không làm căn cứ tính đóng BHXH.

Từ 1-1-2018: Đóng và xử lý vi phạm bảo hiểm xã hội thế nào? - Ảnh 2.

Ọng Lê Quân - thứ trưởng Bộ LĐTB&XH tại buổi tọa đàm sáng 22-12 - Ảnh: Đ.BÌNH

* Những điều chỉnh này sẽ mang lại các tác động gì?

- Thứ trưởng Lê Quân: Việc quy định tiền lương tháng đóng BHXH dần tiếp cận gần với tiền lương thực tế của người lao động là cần thiết nhằm đảm bảo quyền thụ hưởng các chế độ BHXH khi người lao động nghỉ việc hưởng BHXH từ quỹ BHXH (đặc biệt nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống khi người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu khi về già).

Việc quy định thực hiện đóng theo lộ trình nêu trên và đóng trên các khoản phụ cấp lương, khoản bổ sung tương đối ổn định, thường xuyên; vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xác định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

"Mức đóng BHXH từ 1-1-2108 không tăng nhiều, thậm chí có nhiều doanh nghiệp không tăng" -ông Quân nhận định.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng đồng tình: "cơ bản không có biến động lớn".

Cách tính lương hưu mới ảnh hưởng tới 21.000 lao động nữ

Nhiều ý kiến cho rằng cách tính lương hưu từ 1-1-2018 đối với lao động nữ có sự "khập khiễng" khi phụ nữ có cùng số năm công tác là 25 năm, chỉ sau một đêm (từ 31-12-2017 đến 1-1-2018) đã bị mất 10% lương.

Giải đáp điều này, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết chính sách bao giờ cũng có một lớp cát ngang thể hiện sự bất bình đẳng.

Theo ông Lợi, Luật BHXH năm 2006 quy định lương hưu của lao động kể từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi là 2% với nam, nữ giới 3%. Nhưng Luật BHXH 2014 quy định từ ngày 1-1-2018 cả nam và nữ đều được hưởng 2% để phù hợp với Luật bình đẳng giới. 

Chính vì thế, từ ngày 1-1 tới đây, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%. Đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.

Vì vậy, nếu phụ nữ giảm lương hưu từ 3% xuống còn 2% thì giảm sút 4% tiền lương và sự sụt giảm này không lớn. 

Theo tính toán, đến ngày 1-1-2018, nước ta sẽ có khoảng 50.000 phụ nữ đến tuổi nghỉ hưu, trong đó có 21.000 phụ nữ đóng BHXH từ 15 đến dưới 30 năm. Số lượng người chịu tác động lớn nhất 6 - 10% có 3.000 người. Còn lại chủ yếu người chịu tác động 2 - 4%.

Theo ông Lợi, không nên sửa luật nữa vì số người ảnh hưởng không nhiều, mức ảnh hưởng cũng không lớn, thay vào đó nên "bù đắp" thiệt thòi cho lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018.

Về vấn đề này, ông Lê Quân cho biết Bộ LĐTB&XH đã chủ động phối hợp BHXH Việt Nam rà soát, đánh giá tác động của một số quy định của Luật BHXH sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, trong đó có nội dung liên quan đến cách tính lương hưu của lao động nữ để báo cáo Chính phủ. 

Mới đây, Chính phủ cũng đã có báo cáo gửi Quốc hội về vấn đề này.

Xử lý hình sự các hành vi vi phạm Luật BHXH

Theo ông Lê Quân, ngày 20-6-2017, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), đã bổ sung tội gian lận BHXH, tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN ngoài việc bị phạt tiền lên tới 3 tỉ đồng có thể bị phạt tù đến 10 năm.

Để thực hiện nội dung nêu trên, cần thiết phải có hướng dẫn thật cụ thể của Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân tối cao về các hành vi "gian lận", "gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác" để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định.

Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp tích cực với các cơ quan có liên quan (Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao, BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan khác) xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai nội dung nêu trên của Bộ luật hình sự.

Ông Trần Văn Liệu - phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam - cũng như ông Quân, ông Lợi cho rằng tình trạng trốn đóng BHXH rất đa hạng, nhiều hình thức, có nhiều trường hợp doanh nghiệp thu nhưng không đóng lại, doanh nghiệp trốn đóng, hoặc chây ì và cũng có doanh nghiệp mất khả năng thanh toán...

"Quan điểm của chúng tôi là không nên hình sự hóa tất cả các hành vi vi phạm luật BHXH. Đưa các vi phạm này để xử lý hình sự cũng là để đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh. Quốc hội không mong muốn hình sự hóa, bất khả kháng mới phải xử lý hình sự" - ông Liệu nói.

ĐỨC BÌNH (ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên