Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (thứ 2 từ phải qua) cùng lãnh đạo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Tổ chức lao động quốc tế trao đổi bên lề hội thảo về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội sáng 29-11 - Ảnh: Đ.Dũng
Tại hội thảo quốc tế "cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam", ngày 29-11, sau khi nghe hơn chục ý kiến phát biểu của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng chính sách bảo hiểm xã hội phải song hành và đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và xã hội, phải tính toán lợi ích trung hạn và dài hạn.
Theo Phó thủ tướng, vì Việt Nam khác các nước khác khi vẫn có những đối tượng được nhà nước đóng bảo hiểm xã hội - chẳng hạn như 1,3 triệu người nghỉ hưu trước 1995 và rất đông các đối tượng chính sách khác, nên muốn cải cách thành công thì phải có quyết tâm chính trị cao, và có sự đồng lòng của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cần tiến hành đồng bộ, toàn diện, trọn gói, tránh điều chỉnh rời rạc. Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội phải song hành với cải cách bộ máy quản lý, điều hành.
Lộ trình cải cách phải gắn với khả năng của nền kinh tế và ngân sách nhà nước. Cần xem xét ưu tiên đối tượng nào trước để mở rộng diện bao phủ, với mức đóng - hưởng hợp lý, hơn là bao phủ thấp mà mức hưởng cao (đóng ít và hưởng cao như hiện nay).
"Đây là bài học Việt Nam cần lưu ý. Đã bảo hiểm thì phải có nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, muốn mở rộng diện bao phủ thì phải tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường lao động. Cần chính thức hóa khu vực phi chính thức, xem như giải pháp mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội.
Phó Thủ tướng cho rằng cải cách chính sách bảo hiểm xã hội thì giải pháp không được "gây sốc" như một số thay đổi gần đây, chính sách và biện pháp cần linh hoạt, phải có sự kế thừa những thành tựu chứ không nên đập bỏ đi hết để xây lại mới.
Phó Thủ tướng cho biết ông cũng đồng tình với hầu hết các ý kiến đã nêu tại hội thảo rằng bảo hiểm xã hội cần mở rộng diện bao phủ, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp. Bảo hiểm xã hội cần xây dựng bảo hiểm hưu trí đa tầng, có tầng phổ quát là nhà nước sẽ hỗ trợ, đóng bảo hiểm thay và có tầng bảo hiểm bắt buộc, tự nguyện.
Phải thiết kế mức đóng - hưởng phù hợp, cần quy định mức đóng tối thiểu - tối đa, không nên quy định đóng ít, đóng ngắn (ít năm) lại hưởng cao và hưởng dài như hiện nay.
Báo cáo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết đến nay, cả nước đã có trên 14,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Hàng năm, có từ 4 - 5 triệu lượt người được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn và khoảng 150.000 người hưởng mới các chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn; gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì có trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
Theo bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, chính sách bảo hiểm xã hội của ta đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Diện bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp do mức độ tuân thủ chính sách và quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc còn yếu trong khu vực chính thức và tỷ lệ tham gia thấp trong khu vực phi chính thức. Hiện tại có từ 6-7 triệu người cao tuổi chưa có lương hưu.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên sớm thực hiện cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, cần tăng tuổi nghỉ hưu và giảm tỷ lệ hưởng.
Cần xây dựng một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, khai thác mọi phương án tài chính để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc làm bền vững và an sinh xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận