Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình - Ảnh: Việt Dũng |
Nói về vấn đề "lạm phát cấp phó" kéo dài gây lãng phí do đại biểu Bùi Thị An nêu ra, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận có sự lãng phí, nhưng giải pháp thế nào thì cần phải có đề án nghiên cứu trong các cơ quan của Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cung cấp số liệu cho thấy ở cấp bộ theo quy định có 4 thì giờ có 5,4 thứ trưởng, tổng cục quy định là 3, thực tế 3,69; cấp vụ quy định là 3 nhưng thực tế là 3,04, cấp sở quy định là 3 nhưng thực tế 3,06... Các đơn vị còn lại cơ bản là không vượt quy định.
Về cấp thứ trưởng, ông Nguyễn Thái Bình cho rằng đây là quy định mang tính cơ động. Quy định một bộ, cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng, nếu tăng thêm thì do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Ở đây, Bộ và các cơ quan đó phải có đề án báo cáo qua cơ quan Đảng ủy, Chính phủ và ban tổ chức trung ương. Theo Cơ chế vô chừng không có điểm dừng, Bộ nội vụ cũng nhiều lần kiến nghị nên có quy định số lượng cứng, nhưng chưa lần nào được thông qua.
Tăng cấp phó không phải vì nhu cầu công việc
Trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nội vụ cũng thống nhất rằng quá nhiều cấp phó là lãng phí ngân sách, tạo sự thiếu đồng bộ.
Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc quá tải cấp phó hiện nay: Do sức ép của công việc lãnh đạo điều hành của một số cơ quan, họp hành quá nhiều. Có những đồng chí khó tính, nếu không phân công thứ trưởng, cấp phó đi thì không cho dự.
Do đặc thù một số ngành, phải có cán bộ phụ trách lĩnh vực được giao. Bộ Nội vụ làm gương rồi nhưng chưa được lan tỏa; Một số cơ quan tổ chức quá nhiều cấp phó mà không xuất phát từ nhu cầu, thậm chí là hậu quả của sự bổ nhiệm vì lý do nào đó.
Công tác tổ chức cán bộ, tất cả các lĩnh vực quản lý của Chính phủ thì lĩnh vực tổ chức cán bộ được phân công, phân cấp mạnh mẽ triệt để. Việc phân cấp công tác cán bộ, nên cấp tỉnh cũng được quyết định nhiều.
Bộ Nội vụ tiếp tục thanh tra kiểm tra nếu phát hiện có cái sai, thiếu sót, nhưng chỉ là kiến nghị đề nghị để có hướng giải quyết. Ông Bình đánh giá rằng, việc bổ nhiệm cán bộ, một số trường hợp người đứng đầu thiếu tính gương mẫu, đội ngũ lãnh đạo thiếu tính chiến đấu, kỷ luật không nghiêm.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng pháp luật chưa có quy định cứng về số lượng cán bộ cấp phó. Bộ nội vụ sẽ tham mưu để có quy định cứng này.
Còn nếu có quy định cứng rồi mà vượt thì đề nghị cơ quan đó tự điều chỉnh. Còn để giải quyết vấn đề hiện tại là phải có đề án nghiên cứu đánh giá trong tất cả các cơ quan của Chính phủ.
Loại bỏ cán bộ công chức nhũng nhiễu, vô cảm
Công chức vô cảm là vấn đề đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu ra đối với bộ trưởng.
Trước đó, các đại biểu khác cũng đã nêu vấn đề cán bộ cấp xã nhũng nhiễu, cửa quyền hách dịch. Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bình khẳng định: "vô cảm là phạm trù đạo đức, bởi vậy để loại bỏ căn bệnh này thì cần tăng cường giáo dục đạo đức phẩm chất của người cán bộ cách mạng".
Còn về vấn đề trình độ cán bộ tư pháp cấp xã cũng như trách nhiệm của các cán bộ cấp cơ sở, thì từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng đề án xác định vị trí việc làm, trên cơ sở đó tính đến cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cho phù hợp, từ đó tính toán, định ra biên chế.
Đó là nội dung đề án cải cách công vụ công chức, có mời tòa án, viện kiểm sát, các ngành chức năng tham gia Ban chỉ đạo đề án này, nếu làm tốt sẽ xác định được số lượng cán bộ công chức viên chức.
Từ việc xác định này sẽ loại bỏ những cán bộ công chức yếu kém, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, những CBCCVC không đáp ứng được yêu cầu có thể đưa ra khỏi bộ máy.
Liên quan chuyện xử lý cán bộ cấp xã, Bộ trưởng Bình cho rằng khi được giao làm Bộ trưởng ông cũng âm thầm đi đến 63 tỉnh thành. Khi tới làm việc, nhiều địa phương có đặt vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ nói chung, nhất là cấp xã. Tuy nhiên, đối với lực lượng này Chính phủ quản lý rất ít, chỉ thành viên UBND các cấp.
Hiện nay thì các cơ quan chức năng đang xây dựng nghị định quy định việc xử lý cán bộ công chức viên chức nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ cấp xã còn nhiều ý kiến khác nhau, sau khi xây dựng xong thì có thể ban hành trong quý 1-2015.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận