12/09/2015 09:25 GMT+7

TS Hải thuyết phục Thủ tướng đầu tư dự án triệu đô ra sao?

THANH HÀ - thanhha@tuoitre.com.vn
THANH HÀ - thanhha@tuoitre.com.vn

TT - Thủ tướng đã hỏi TS Nguyễn Bá Hải cặn kẽ từ tác dụng của kính dẫn đường “Mắt thần” với người khiếm thị đến giá thành, đánh giá của người dùng và nhu cầu thực tế của sản phẩm này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các nhà khoa học trẻ tiêu biểu -  Ảnh: Quang Minh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các nhà khoa học trẻ tiêu biểu - Ảnh: Quang Minh

Sau mười phút trình bày và một cuộc hỏi đáp trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc gặp gỡ của 70 nhà khoa học trẻ với Thủ tướng, TS trẻ Nguyễn Bá Hải đã đủ sức thuyết phục Thủ tướng “quyết” đầu tư kinh phí để thực hiện đề án sản xuất kính “Mắt thần” dành cho người khiếm thị với kinh phí có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Tài trợ triệu đô cho dự án “Mắt thần”

TS Nguyễn Bá Hải (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đã làm không khí cuộc gặp gỡ nóng lên bởi phần trình bày đầy nhiệt huyết xung quanh những ý tưởng nghiên cứu chế tạo kính dẫn đường mang tên “Mắt thần” dành cho người khiếm thị, máy pha cà phê cho đến robot có thể dạy tiếng Anh và con đường đưa các sáng chế của mình vào cuộc sống phục vụ cộng đồng.

Thủ tướng hỏi TS Hải cặn kẽ từ tác dụng của kính dẫn đường “Mắt thần” đối với người khiếm thị đến giá thành, đánh giá của người sử dụng và nhu cầu thực tế của sản phẩm này. TS Hải cho biết anh sẵn sàng tặng sáng chế này cho Nhà nước để phục vụ cộng đồng.

Trong những năm qua, TS Hải đã từ chối thương mại hóa sản phẩm này, tự đứng ra sản xuất hàng ngàn sản phẩm với mục đích phi lợi nhuận từ nguồn tiền cá nhân và các nhà hảo tâm tài trợ để cùng với Trung ương Đoàn tặng cho người khiếm thị nghèo trong cả nước.

Từ sáng chế ban đầu cách đây hơn bốn năm, nay đã qua chín lần nghiên cứu cải tiến để hoàn thiện thành sản phẩm “Mắt thần 2” gọn nhẹ, nặng chưa tới 200gr rất thuận tiện cho người sử dụng, đã sản xuất hàng ngàn chiếc tặng cho người sử dụng và có phản hồi tốt.

Với ước tính hiện VN có khoảng 300.000 người hỏng mắt hoàn toàn và khoảng 1,2 triệu người khiếm thị ở các mức độ khác nhau cần sử dụng sản phẩm này, với giá thành hiện nay khoảng 2 triệu đồng/chiếc, TS Hải cam kết nếu sản xuất theo quy mô lớn hơn có thể giảm xuống còn 1,3-1,5 triệu đồng/chiếc.

Video dự án Mắt thần cho người khiếm thị của TS Nguyễn Bá Hải và cộng sự - TVO thực hiện

Thủ tướng đề nghị TS Nguyễn Bá Hải mở rộng quy mô sản xuất. Trước mắt là để cấp cho khoảng 70.000 người mù có hoàn cảnh khó khăn.

Tiếp đó là cung cấp sản phẩm đúng giá thành sản xuất cho số người mù và khiếm thị có nhu cầu. Kinh phí đầu tư sản xuất sẽ do Nhà nước cấp vốn thông qua Bộ Khoa học - công nghệ.

Ngay tại chỗ, Thủ tướng giao nhiệm vụ trực tiếp cho Bộ trưởng Nguyễn Quân sớm gặp gỡ, trao đổi với TS Nguyễn Bá Hải để lập đề án và đôn đốc việc hỗ trợ thực hiện.

“Chính phủ sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho đề án này” - Thủ tướng khẳng định.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng dành thời gian lắng nghe TS Hải trình bày kế hoạch nghiên cứu và sản xuất máy pha cà phê “made in Việt Nam” và quy trình nâng giá trị thương phẩm cho cà phê xuất khẩu của VN, kế hoạch sản xuất robot có nhiều chức năng, trong đó có thể làm nhiệm vụ dạy tiếng Anh để sử dụng cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi người học không có điều kiện tiếp cận với các hình thức học cùng người bản ngữ...

Tất cả những sản phẩm này được TS Hải và các cộng sự trong nhóm “nghiên cứu nhà trọ” - như Hải tự nhận vì nhóm nghiên cứu được hình thành và bắt đầu “sự nghiệp” từ một căn nhà trọ - thực hiện bằng nguồn kinh phí tự có và tự huy động, chủ yếu theo hình thức phi lợi nhuận.

“Chính phủ luôn luôn mong muốn rằng các bạn bằng tài năng, nhiệt huyết và niềm đam mê của mình tiếp tục theo đuổi hoài bão, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn cho đất nước, là tấm gương sáng về tình yêu khoa học cho các bạn trẻ Việt Nam...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Mong muốn có tiếng nói

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau cuộc gặp gỡ, TS Nguyễn Bá Hải cho biết sau cuộc gặp gỡ này và từ cam kết của Thủ tướng, anh đã có thể nhìn thấy hướng ra cho những kết quả nghiên cứu của mình và các cộng sự.

TS Hải giãi bày: nhiều lúc thiếu tiền để nghiên cứu và thử nghiệm, muốn tìm đến các nguồn kinh phí dành cho khoa học công nghệ nhưng nghĩ đến thủ tục rườm rà và có thể mất tới hàng năm lại nản...

Tương tự, TS Phạm Văn Phúc (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhà khoa học trẻ chuyên nghiên cứu tế bào gốc - cho hay hơn 10 năm nghiên cứu khoa học, làm chủ nhiệm nhiều đề tài các cấp, nhận thấy ngày càng có nhiều chính sách, quy định ràng buộc nhà khoa học.

“Tôi có cảm tưởng có nhà quản lý, có nhà hoạch định chính sách không tin tưởng các nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng. Điều này gây ra sự chán nản và là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến các nhà khoa học rời bỏ các đơn vị nghiên cứu của Nhà nước ra các doanh nghiệp làm” - TS Phúc nói.

Tại cuộc gặp gỡ, các nhà khoa học trẻ cho biết mong muốn lớn nhất của họ là được tin tưởng giao các nhiệm vụ nghiên cứu lớn, tham gia các chương trình nghiên cứu trọng điểm, cấp quốc gia. Ngoài ra, mong muốn của các nhà khoa học trẻ còn là được đóng góp ý kiến để xây dựng các chiến lược phát triển lâu dài cho khoa học nước nhà, như bày tỏ của nữ TS Phạm Thị Tuyết Nhung (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN): “Hãy tin tưởng vào chúng tôi!”.

Đánh giá về đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học trẻ, Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân nhìn nhận: Đội ngũ các nhà khoa học trẻ ngày càng thể hiện vai trò là lực lượng nòng cốt và tiên phong trong hoạt động nghiên cứu và sáng tạo, có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.

Ông Quân khẳng định: “Đội ngũ các nhà khoa học trẻ đã trở thành lực lượng tiên phong trong tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới; là nhân tố quan trọng trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt trong việc tiếp cận các phương pháp nghiên cứu hiện đại, phát triển hướng nghiên cứu mới; là đội ngũ năng động nhất trong hoạt động đổi mới sáng tạo để tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường và xã hội”.

Sau khi lắng nghe nguyện vọng, đề xuất và kiến nghị của các nhà khoa học trẻ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành hơn 45 phút để trao đổi với các nhà khoa học trẻ trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ.

Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ”.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan rà soát, hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học trẻ gắn liền với chính sách đào tạo các nhà khoa học trẻ thành các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.

Đồng thời phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học trẻ được tiếp cận hỗ trợ từ các quỹ khoa học và công nghệ, được tham gia thực hiện nhiệm vụ trong các chương trình, đề án khoa học của Nhà nước.

Nhà khoa học trẻ - TS Nguyễn Bá Hải chia sẻ tâm tư, nỗi niềm, khao khát và nêu kiến nghị tại buổi gặp Thủ tướng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nhà khoa học trẻ - TS Nguyễn Bá Hải chia sẻ tâm tư, nỗi niềm, khao khát và nêu kiến nghị tại buổi gặp Thủ tướng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

TS Nguyễn Bá Hải và “Mắt thần”

TS Nguyễn Bá Hải sinh năm 1983, phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nhân lực công nghệ cao - Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Lĩnh vực nghiên cứu: robot và tự động hóa.

Sản phẩm “Mắt thần” - thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị - được TS Nguyễn Bá Hải nghiên cứu và thử nghiệm lần đầu cách đây hơn bốn năm. Kính thông minh “Mắt thần” (Haptic Eyes) là một loại kính điện tử gọn nhẹ, trong khoảng cách nhất định được lập trình sẵn, kính sẽ nhận diện các vật cản trái, phải, trên, dưới, đứng yên hay di động để báo cho người sử dụng biết chọn hướng đi an toàn.

Đến nay, sau nhiều lần nghiên cứu nâng cấp, từ sản phẩm nặng 2kg với giá thành 20 triệu đồng, TS Hải và cộng sự đã đưa “Mắt thần 2” chỉ còn nặng 200gr, giá thành 2 triệu đồng/chiếc vào sản xuất hàng loạt, với hơn 1.000 sản phẩm đã được cung cấp miễn phí cho người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn. TS Hải dự kiến cho ra mắt phiên bản “Mắt thần 3” được tối ưu hóa tối đa, chỉ còn là một chiếc kính đeo gọn nhẹ, thuận tiện cho người sử dụng.

Thành tích nghiên cứu khoa học của TS Nguyễn Bá Hải:

- Trưởng nhóm nghiên cứu trọng điểm robot sinh học.

- Sáng chế và sản xuất, trao tặng gần 1.000 “Mắt thần - thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị” tại VN và một số nước (Mỹ, Đức, Phần Lan).

- Nghiên cứu sản xuất thành công máy pha cà phê công nghệ kết hợp Nhật - Việt - Ý và hình thành chuỗi cà phê JAVI tạo việc làm cho người thu nhập thấp tại TP.HCM (đang đăng ký sáng chế).

- Hình thành nhóm nghiên cứu từ một thành viên lên đến 30 người với khả năng tự trả lương.

- Có 5 sáng chế quốc tế ở tuổi 28, nhiều công trình nghiên cứu công bố quốc tế.

- Là một trong 10 gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2014, công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2012, hướng dẫn thành công gần 20 thạc sĩ, học bổng chính phủ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Phần Lan.

- Có 6 công trình nghiên cứu quốc tế tiêu biểu.

THANH HÀ - thanhha@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên