Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Việc này đã trở thành sự kiện nóng nhất trong cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ tiêu biểu diễn ra sáng 11-9 tại Hà Nội.
TS Nguyễn Bá Hải (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đã làm không khí cuộc gặp gỡ nóng lên bởi phần trình bày đầy nhiệt huyết xung quanh những ý tưởng nghiên cứu chế tạo kính dẫn đường cho người khiếm thị, máy pha cà phê, cho đến robot có thể dạy tiếng Anh và con đường đưa các sáng chế của mình vào cuộc sống phục vụ cộng đồng.
Ngay lập tức, những thông tin của TS Hải thu hút được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ.
70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu ở nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược… đã tham dự cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh. Họ đều là các nhà khoa học ở thế hệ 8X, chưa quá 35 tuổi nhưng đã đạt nhiều kết quả trong nghiên cứu khoa học như giành các giải thưởng KH&CN, có sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ, có nhiều bài báo đăng trên tạp chí uy tín quốc tế; sách chuyên khảo; có công trình được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao… |
Thủ tướng hỏi cặn kẽ từ tác dụng của kính dẫn đường đối với người khiếm thị đến giá thành và nhu cầu thực tế của sản phẩm. Hải cho biết anh sẵn sàng tặng sáng chế này cho xã hội, cho Nhà nước.
Trên thực tế, trong những năm qua Hải đã sản xuất hàng ngàn sản phẩm với mục đích phi lợi nhuận từ kinh phí của bản thân và các nhà tài trợ, hảo tâm để cùng Trung ương Đoàn tặng cho người khiếm thị nghèo ở những địa bàn khó khăn.
Sau khi nghe TS Hải báo cáo từ sáng chế ban đầu cách đây hơn bốn năm, nay đã qua chín lần nghiên cứu cải tiến để hoàn thiện thành sản phẩm gọn nhẹ, đã sản xuất hàng ngàn chiếc tặng cho người sử dụng và có phản hồi tốt, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cần hỗ trợ để nhóm nghiên cứu mở rộng dự án có ý nghĩa xã hội này.
Ước tính hiện VN có khoảng 300.000 người hỏng mắt hoàn toàn và khoảng 1,2 triệu người khiếm thị ở các mức độ khác nhau cần sử dụng sản phẩm này. Và với giá thành hiện nay khoảng 2 triệu đồng/chiếc, nếu sản xuất theo quy mô lớn hơn có thể giảm xuống còn 1,3-1,5 triệu đồng/chiếc, Thủ tướng đề nghị anh mở rộng quy mô sản xuất.
Trước mắt để ưu tiên cấp cho khoảng 70.000 người mù có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước. Sau đó cung cấp sản phẩm với đúng giá thành sản xuất cho số người mù và khiếm thị có nhu cầu. Kinh phí đầu tư sản xuất sẽ do Nhà nước cấp vốn thông qua Bộ KH&CN.
Ngay tại chỗ, Thủ tướng trực tiếp giao Bộ trưởng Nguyễn Quân sớm gặp gỡ, trao đổi với TS Hải và đôn đốc thực hiện dự án này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng dành thời gian lắng nghe TS Hải trình bày kế hoạch nghiên cứu và sản xuất máy pha cà phê "made in Việt Nam" và quy trình nâng giá trị thương phẩm cho cà phê xuất khẩu của VN, kế hoạch sản xuất robot có nhiều chức năng.
Trong đó có thể làm nhiệm vụ dạy tiếng Anh để sử dụng cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi người học không có điều kiện tiếp cận với các hình thức học với người bản ngữ…
Tất cả những sản phẩm này được TS Hải và các cộng sự trong nhóm “nghiên cứu nhà trọ” thực hiện bằng nguồn kinh phí tự có và tự huy động.
Trao đổi với chúng tôi sau cuộc gặp gỡ, TS Hải cho biết tuy đã nhiều năm mày mò nghiên cứu, thậm chí phải bán xe, đi ở trọ để có bao nhiêu tiền đều dồn vào sản xuất thử nghiệm nhưng chưa tiếp cận được với các nguồn kinh phí của Nhà nước, các quỹ phát triển KHCN do e ngại thủ tục phức tạp.
Hôm nay, anh đã có thể nhìn thấy hướng ra cho những kết quả nghiên cứu của mình để có thể đến với cộng đồng ở quy mô mà nếu chỉ mình anh và cộng sự với sự giúp sức của các nhà tài trợ sẽ khó hoặc rất lâu mới đạt được.
TS Nguyễn Bá Hải đưa ra những khó khăn và kiến nghị trong quá trình nghiên cứu khoa học - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận