17/05/2020 10:23 GMT+7

Truyện ngắn: Vẫn còn con heo

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

TTO - Mẹ là người tiết kiệm, tính toán đến từng đồng từng cắc nhưng chính bố lại nói mẹ chưa hề bạc đãi bản thân và gia đình bao giờ, cái gì cần mua cứ mua, món gì thích cứ ăn.

Truyện ngắn: Vẫn còn con heo - Ảnh 1.

Cũng nhờ tính nết đầy mâu thuẫn và không hiểu nổi ấy, một tay mẹ chèo lái con thuyền gia đình.

Ra trường một cái là Huy đi luôn vào Nam, ngày còn là sinh viên dù ở ký túc xá nhưng Huy chẳng bao giờ phải giữ tiền. Chị gái ở gần, cuối tuần Huy đến chị chơi, tiện kiếm bữa tươi và nhận tiền cho tuần sau.

Chị gái tính rất kỹ. Một tuần mười hai bữa chính và sáu bữa sáng thành ngần này tiền; có ba ngày Huy phải đi cơ sở 2 học, vị chi là sáu chuyến xe buýt mất ngần này tiền; rồi tiền a tiền b thêm một ít cầm dư; Huy cứ thế tiêu xài theo khung chị tính. 

Tuần nào không mời bạn chai nước hay lơ đãng lên nhầm xe buýt phải đi vòng vòng thì số tiền sơ cua ấy còn nguyên.

Vào Nam, Huy có ngay việc làm do ông anh con chú họ giới thiệu. Ngày đầu tiên cầm món tiền to (so với Huy) do chính mình làm ra, Huy thấy ngợp. Huy gọi cho chị gái, và suốt một tiếng đồng hồ sau đó Huy nghiêm cẩn ngồi nắn nót ghi lại những điều chị dặn dù đôi lúc bật cười.

Chị nói, khoản lương đó mình nên chia làm hai phần cho chi tiêu và tiết kiệm rồi cứ theo đó mà xài. 

Ví dụ Huy mỗi bữa ăn quán hết hai lăm nghìn, thêm bữa sáng mười lăm nghìn thì một ngày hết sáu lăm nghìn, nhân với ba mốt ngày. Cứ tính ba mốt ngày một tháng hết đi, để cuối tháng có dư mà nuôi heo. 

Đi cà phê với bạn, hôm ấy bạn mời thì tiền ấy bỏ vào heo, coi như mình đã dùng. Mua cuốn sách giá bìa một trăm mà được giảm giá bốn mươi phần trăm thì phần giảm giá ấy cho heo ăn... 

Tiền trong ví luôn đổi thành tiền mới và tiền chẵn, tiền mới vì nó sạch sẽ, tiền chẵn để ngại tiêu. Trong ví để ít tiền thôi, tự nhủ rằng mình chỉ còn có chừng này phải chi tiêu tằn tiện và đừng bao giờ có ý định mổ heo.

Huy trêu chị nghĩ ra những trò này cũng bạc tóc ấy nhỉ. Chị gái hừ mũi, cứ học mẹ thì không thể sai. Nói đến mẹ thì Huy thua rồi. Vậy là khoản chi đầu tiên là mua một con heo đất .

Tháng đầu, Huy chi khá ổn nhưng chi lố ngoài kế hoạch mất một ít. Và tháng lương thứ hai, Huy bỏ ngay số chi lố tháng trước vào heo, vạch kế hoạch chi tiêu với số còn lại. 

Coi như chuộc lỗi. Sau tháng đầu tiên ăn cơm ngoài, Huy quyết định tự nấu nướng, kết quả tháng ấy heo được ăn một mớ tiền cơm dư ra nhưng khoản để dành hao một mớ vì phải mua nồi chảo.

Mỗi ngày nhìn con heo, Huy cười với nó mày là đứa sướng nhất, chỉ việc ăn. Rồi Huy nghĩ mình sẽ làm gì khi mổ heo cuối năm. 

Đi du lịch, mua quà tết cho bố mẹ và anh chị hay sắm món gì đó. Kết quả là xe cũng muốn đổi, điện thoại cũng muốn, đi chơi cũng thích... Nên thôi Huy không nghĩ nữa, lúc ấy xem heo mập ốm tính sau.

Mùa dịch, Huy may mắn là có thể làm online ở nhà. Cả dãy trọ còn hai phòng có người là phòng Huy và năm đứa nhân viên của tiệm làm tóc đầu hẻm. Tiệm đóng cửa, chúng nó cố thủ trong nhà. Mấy ngày đầu tiên chúng bày ra nhậu và đánh bài ăn tiền. 

Những ngày sau kêu cơm hộp và đánh bài. Chưa hết tuần đầu tiên, Huy nghe tụi nó cộng lại cả đám còn đâu ba trăm rồi còn hai, còn một và tụi nó chuyển sang chơi bài búng tai, khẻ đầu gối. Huy đeo tai nghe làm việc và chấp nhận vì "buồn quá biết làm gì anh ơi".

Rồi cũng chán chơi bài khi tiền chị chủ tiệm gửi cho cũng hết, mà chị lại đang ở quê. Nghe nói có nơi phát gạo, tụi nó đùn đẩy nhau và không đứa nào chịu đi, nói quê lắm. Thân dài mình rộng đầu tóc moden vầy (tại của nhà làm được) mà đi xếp hàng xin gạo cùng ông vé số, bà ve chai, thằng nhóc đánh giày coi sao được. 

Khi ở cái giỏ nơi để tuýp kem đánh răng chỉ còn một tờ hai nghìn với tờ một nghìn nhàu nát, có đứa đi ra ngoài rồi quay về với bịch cơm hộp, nói cầm xe đạp được năm trăm nghìn. Sau xe đạp là điện thoại.

Một chiều, tụi nó đưa sang phòng Huy bịch gạo, nói bác chủ nhà cho hai phòng; hôm sau đưa hai bịch nữa nói đi xin được, ban đầu xếp hàng cũng quê lắm, nhưng mấy cô chú hỏi thăm biết hoàn cảnh còn động viên tụi nó cố lên, ít bữa là sẽ đâu vào đấy miễn mình còn sống còn khỏe. 

Một thằng huých bạn, nói hay lắm, tao không kéo dễ gì mày đi. Thời dịch ai cho chẳng vậy, đều là người tốt. Một thằng lầm bầm, nhưng tốt nhất vẫn là không phải xin ai.

Ngày hai buổi, hai đứa sang phòng Huy nấu cơm. Tụi nó nói anh ở một mình mà tươm tất quá hén. Mai mốt đi làm lại tụi em cũng sẽ nấu cơm, ăn ngoài tốn tiền quá. Thấy Huy mua thức ăn, tụi nó long trọng hứa sẽ trả nợ cho Huy khi tiệm mở cửa lại. Huy cười bảo tính sau đi.

Là Huy nói vậy cho tụi nó khỏi áy náy, chứ nhìn ví mỗi ngày mỗi xẹp Huy cũng xót. Tháng này Huy không bỏ heo được đồng nào, còn chi tiêu không kế hoạch. 

Từ một mình tăng thành sáu miệng ăn, tụi nó thanh niên, đứa nào cũng ba bốn chén, mà Huy cũng thanh niên chứ có phải ông già đâu, lo vừa vừa chứ lo gì cho xa. Kệ, mùa dịch mà, người ta làm ATM gạo, Huy làm ATM thức ăn, có gì còn con heo đó, nó đang cười với Huy đó. Quyển sổ ghi chép Huy cũng cất kỹ, sợ đám nhóc thấy lại mặc cảm.

Trong những ngày giãn cách xã hội, hai lần Huy suýt đập heo nhưng cuối cùng con heo cao số vẫn nằm đó cười. Lần đầu nó thoát do cơ quan chuyển trước lương nửa tháng thay vì cả tháng, lần thứ hai Huy đã giơ cán dao lên lại hạ xuống. 

Tiếc lắm chứ, hơn nửa năm nuôi rồi. Hồi tết về quê Huy phải bọc kỹ nó trong đám quần áo cũ, cuốn vào cái nệm mỏng để giấu. Chị gái nói chị đưa "bí quyết" gia truyền nhưng không tin Huy sẽ làm được, con trai mà, tiền vào túi sau ra túi trước.

Hết thời gian giãn cách, Huy vẫn làm ở nhà, tuần lên cơ quan một lần. Tiệm mở nên đám trẻ đi làm hết, dãy trọ lại vắng tanh yên ả. 

Qua những ngày dịch, tụi nó thân với Huy hơn, chiều về kể mấy nay tụi em làm phờ râu, cắt một cái đầu mất gấp rưỡi thời gian vì tóc ai cũng dài. Tụi nó nói Huy ra tiệm, tụi nó cắt tóc miễn phí. Một đứa đùa, tụi em là ATM tóc.

Cuối tuần, phòng bên cạnh mang về nồi niêu chén bát, nói chị chủ cho. Huy sớt cho tụi nó nửa bịch đường, chén muối với ít hành tỏi. Nghe một đứa nói anh cho tụi em hết luôn đi, tháng này tụi em bao cơm anh. 

Huy bật cười nói mấy đứa lo trả tiền điện tiền nước đi, bác chủ nhà là ATM nhà đã miễn tiền thuê nhưng điện nước phải trả bác, những ngày này ai cũng kẹt, nhưng lá nào thấy mình còn lành còn đùm được cứ đùm thôi.

Huy thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khi còn công việc, thêm bạn bè và còn con heo đang híp mí nè. Ừ, mọi người cứ cười đi, cuối năm Huy mổ heo làm việc lớn cho xem.

Truyện ngắn: Châu thổ Truyện ngắn: Châu thổ

TTO - Đất nứt toạc dưới chân như thể đã hóa thành lớp băng mỏng, vỡ tan dưới sức nặng cơ thể mười tuổi của thằng nhóc, kéo nó xuống một vùng mát lạnh.

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên