Giảng viên Nguyễn Phương trong giờ dạy thể dục cho sinh viên - Ảnh: MINH GIẢNG
"Hôm nay thầy sẽ thực hiện đoán suy nghĩ của các bạn. Bạn nào xung phong?" - thầy Nguyễn Phương đề nghị. Nhiều cánh tay sinh viên đưa lên sẵn sàng. Thầy Phương chọn một sinh viên và yêu cầu suy nghĩ về một món ăn. Anh đưa ngón tay mình chạm vào trán sinh viên. Khoảng 5 giây, sinh viên mở mắt, anh cho biết sinh viên suy nghĩ về món gỏi gà. Sinh viên này gật đầu, nhiều tràng pháo tay vang lên.
Sinh viên hứng thú
Đây là một trong số nhiều trò ảo thuật trong giờ giáo dục thể chất của giảng viên Nguyễn Phương. Anh là ảo thuật gia từng được ghi nhận hai kỷ lục thế giới, được tặng bằng khen của Chính phủ về những thành tích này. Anh Phương nói ảo thuật cũng như dạy học, điều quan trọng là nắm bắt được tâm lý và khai thác sao cho hiệu quả. Sinh viên Trần Kim Tuyền cho biết giờ thể dục học ngoài trời đôi khi rất nắng nóng nhưng lại chờ tiết học này để vận động cũng như được xem các trò ảo thuật. Điều này giúp học sinh có cảm giác thoải mái và gần gũi, không ngại học môn thể dục.
Trong khi đó, Trần Trường An cho rằng khác biệt lớn nhất và cũng là động lực cho mình học tốt môn thể dục là chuyện thầy giáo luôn học cùng. "Chạy 1.500m là một thử thách rất lớn, nhất là với các bạn ít vận động. Tuy nhiên, giáo viên luôn chạy cùng và hối thúc nên bạn cảm thấy có động lực và đây là điều rất khác so với những tiết học thể dục trước đây. Bình thường giáo viên ngồi tại chỗ và giao nhiệm vụ cho học sinh chứ không chạy cùng" - An nói. Trương Vinh Văn chia sẻ khi nhập học mình nặng 125kg, không mặc vừa bất kỳ áo thể dục nào của trường, giờ thể dục phải mặc đồng phục sơmi. Sau vài tháng học thể dục và được thầy giáo hướng dẫn tập thêm ở nhà, hiện Văn đã giảm được 10kg và có thể hoàn thành 4 vòng sân cho cự ly 1.500m.
Tạo động lực cho người học
Nguyễn Phương đi dạy từ năm 2007. Khi còn là sinh viên giáo dục thể chất, anh tự mày mò học các trò ảo thuật vì đam mê bộ môn này. Với anh, dạy học và biểu diễn ảo thuật có khá nhiều điểm tương đồng và anh đã áp dụng để có những tiết học thú vị cho học trò. Anh nói, để tiết mục ảo thuật thành công, đầu tiên phải làm cho khán giả thích mình trước. Khi họ đã có thiện cảm, dù ảo thuật có bị lộ thì họ cũng sẵn sàng bỏ qua và ủng hộ. Dạy học cũng vậy, để học sinh thích môn học, thường giáo viên phải làm cho học sinh có cảm tình trước. "Những trò ảo thuật, các trò chơi vận trong xem kẽ trong giờ học của tôi là cách tạo thiện cảm cho học sinh, từ đó các bạn thực sự muốn học môn này" - anh chia sẻ.
Từ thực tế dạy học, anh Phương cho biết không ít sinh viên coi thể dục là môn phụ và học cho có chứ không chú tâm mà một phần vì giáo viên chưa tạo được thiện cảm và động lực để kích các bạn học thể dục. "Lứa tuổi này nhiều bạn không thích học thể dục, đôi khi còn quậy hoặc không tham gia. Các em chỉ cần một niềm vui hay sự kích thích nào đó sẽ có động lực và nhiệt tình học tập, không chỉ ở trường mà còn ở nhà. Nhiệm vụ của thầy giáo là tạo được động lực. Những trò ảo thuật trong giờ giải lao không chỉ giúp các bạn thư giãn mà còn là cách tạo thiện cảm bước đầu với thầy. Khi mình chạy cùng, sinh viên sẽ có nhiều động lực hơn" - anh nói.
Giảng viên này cũng cho rằng giáo dục thể chất là môn học vận động giúp học có thêm sức khỏe. Lâu dần sẽ hình thành thói quen tập thể dục, tự vận động ở nhà để nâng cao sức khỏe chứ không chỉ là môn học thuần túy. Theo anh Phương, có nhiều lý do khiến sinh viên ngại học môn này. Thể hình quá mập hay ốm cũng khiến sinh viên ngại, thể chất yếu trong khi đây là những đối tượng cần phải vận động nhiều. Do đó giảng viên phải có phương pháp phù hợp. Ngoài việc học cùng, diễn ảo thuật hay tổ chức các trò chơi vận động, việc đặt ra những thử thách cụ thể cũng là động lực để các bạn tham gia. "Những sinh viên sợ chạy, có thể dùng điểm số hay phần thưởng để kích thích các bạn. Một sinh viên thừa cân chỉ cần chịu tập thể dục giảm được 2kg tôi sẽ cho 10 điểm" - anh Phương nói.
Tạo được không khí học tập sôi động
Ông Phạm Hữu Lộc - hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng - cho biết thầy Phương là giảng viên rất nhiệt tình và đã tham gia giảng dạy ở trường rất lâu. Cách dạy của thầy Phương tạo không khí và môi trường học tập sôi động và thích thú cho sinh viên. Đó là điều đặc biệt.
"Môn giáo dục thể chất vốn không được sinh viên coi trọng, nhiều khi học chỉ để đối phó chứ không phải học vì mục đích tập luyện và hình thành thói quen vận động rèn luyện sức khỏe. Đôi khi giảng viên cũng dạy theo kiểu đối phó luôn, chứ không thực sự chú tâm. Việc giảng viên chú tâm và tạo được không khí học tập sôi động như vậy là điều rất đáng quý" - ông Lộc nói.
Sinh viên vận động là thành công
15 năm dạy giáo dục thể chất, anh Phương cho biết khả năng của mỗi người khác nhau và đôi khi chưa bộc lộ hết, chỉ cần một chút xúc tác sẽ bung ra.
"Tôi có cảm giác không ít giảng viên lẫn lộn giữa giáo dục thể chất và thể dục thể thao. Giáo dục thể chất giúp sinh viên tự rèn luyện sức khỏe nên không cần thiết phải đúng kỹ thuật hay thời gian quy định của môn học đó. Các em đánh bóng chuyền chưa đúng kỹ thuật cũng không sao, việc các em tham gia vận động đã là thành công. Nếu sinh viên làm đúng hết kỹ thuật và thời gian quy định thì các em đã là vận động viên trong các trung tâm huấn luyện thể dục thể thao! Không ít giảng viên quá chú trọng chuyên môn mà quên mất mục tiêu của giáo dục thể chất" - anh Phương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận