Xem toàn bộ diễn biến vụ đánh bom khủng bố ở Boston
Phóng to |
Phóng to |
Lực lượng SWAT truy lùng nghi can tại Watertown ngày 19-4 - Ảnh: Reuters |
Phóng to |
Người dân Watertown lo sợ ở trong nhà khi cảnh sát làm nhiệm vụ - Ảnh: Reuters |
Mọi việc diễn tiến khá nhanh kể từ khi người Mỹ thu dọn những đổ vỡ của vụ đánh bom ngày 15-4. Cuộc điều tra được tiến hành ráo riết, quy tụ sức mạnh của cả hệ thống công quyền lẫn của những người dân tức giận trước hành động khủng bố hèn hạ: tấn công vào một cuộc thi đấu thể thao vốn tượng trưng cho hòa bình và sức khỏe của con người.
Đến khi hình ảnh hai kẻ tình nghi được lan truyền qua hệ thống truyền thông khổng lồ của Mỹ thì không ít người tin rằng việc bắt giữ chúng chỉ là vấn đề thời gian, thậm chí là thời gian rất ngắn. Thực tế đã diễn ra như thế. Hai nghi can không kịp chạy quá xa khỏi hiện trường.
Đọ súng ác liệt
Kịch bản truy đuổi như phim hình sự diễn ra từ khoảng 22g20 ngày 18-4 (10g20 sáng 19-4 giờ Việt Nam) khi cảnh sát được báo có vụ cướp một cửa hàng ở Cambridge, cách TP Boston một con sông. Vài phút sau đó, bọn cướp chạy sang Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và bắn chết một cảnh sát tại viện. Đến lúc này cũng chưa ai biết đó là hai nghi can của vụ đánh bom bằng nồi áp suất trước đó vài ngày.
Bọn cướp tỏ ra rất manh động, tìm mọi cách để tẩu thoát. Chúng cướp một chiếc Mercedes-Benz màu đen và may mắn là chúng thả chủ xe xuống gần một trạm xăng sau nửa giờ bắt chủ xe làm con tin. Thông tin được chuyển ngay đến cảnh sát. Chiếc xe sau đó nhanh chóng bị chặn tại Watertown, khu ngoại ô gần Cambridge.
Hai tên cướp điên cuồng nổ súng vào các cảnh sát đang đuổi chúng sát nút. Các nhân chứng quan sát từ cửa sổ nhà mình cho biết họ thấy hai thanh niên nấp sau chiếc xe và dùng súng bắn trả hàng chục cảnh sát cách đó vài chục mét. Một nữ giáo sư của MIT kể trên Twitter: “Cảnh sát và đèn xe cảnh sát sáng lóa khắp nơi. Đâu đâu cũng thấy súng ống và chó nghiệp vụ. Cả thành phố như ngưng trệ. Nó làm tôi nhớ lại tình cảnh New York ngay sau vụ khủng bố 11-9 khi tôi còn sống ở đó”.
Andrew Kitzenberg, một cư dân 29 tuổi ở Watertown, thuật lại rằng hai tên mang một quả bom trông giống như một nồi áp suất - loại bom từng gây nổ giết người ở đích đến cuộc chạy marathon Boston. Chúng mồi và ném quả bom giữa màn đấu súng. Vụ nổ, như nhân chứng 65 tuổi Loretta Kehayias mô tả, làm sáng rực cả ngôi nhà. “Tôi chưa từng thấy điều gì như vậy”. Những hành khách chờ tại các trạm tàu và xe buýt được khuyến cáo nhanh chóng trở về nhà. MIT yêu cầu sinh viên ở yên trong trường vài giờ sau vụ nổ súng.
Một tên bị hạ. Hắn bị bắn nhiều phát và tử vong sau đó tại bệnh viện. Tên thứ hai kịp biến mất trong đêm tối. Cảnh sát Boston đành phát thông báo liên tục yêu cầu dân chúng ở trong nhà, các cửa hiệu bị buộc đóng cửa, các phương tiện giao thông công cộng ở Watertown và một số khu vực quanh đó được lệnh không hoạt động.
Phóng to |
Chân dung Tamerlan (đã chết) do FBI công bố - Ảnh: Reuters |
Phóng to |
Hình ảnh nghi can đang trốn chạy Tsarnaev được cơ quan an ninh Boston công bố trên mạng xã hội |
Hai nghi can là hai anh em ruột?
Nghi can số hai, được mô tả là “có vũ trang và nguy hiểm”, nhảy vào xe, lái xuyên qua một rào chắn của cảnh sát và tẩu thoát. Một cảnh sát bị thương trong màn đấu súng. “Chúng tôi tin rằng đây là một kẻ khủng bố, hắn tới đây là để giết người. Chúng ta cần phải bắt giữ hắn” - cảnh sát trưởng của Boston, ông Edward Davis, tuyên bố tại cuộc họp báo. Ông cũng thường xuyên cập nhật thông tin lên Twitter với mong muốn người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin.
Có lẽ đây là lần đầu tiên cảnh sát phải dùng thêm mạng xã hội để hướng dẫn dân chúng. Hình ảnh các nghi can cũng được cập nhật liên tục lên Twitter, đặc biệt là “nghi can đội mũ trắng” - kẻ còn đang tẩu thoát.
Người dân trong khu vực - vốn đang phải ở trong nhà để đảm bảo tính mạng - cũng dùng Twitter để truyền tải thông tin cho người dân cả nước đang hồi hộp theo dõi cuộc săn người. Diễn biến còn nóng hơn cả phim Hollywood. Từng phút, từng phút, người ta thấy được hình ảnh đội đặc nhiệm phản ứng nhanh SWAT và lực lượng FBI phối hợp đi lùng kẻ tẩu thoát qua từng căn nhà ở khu vực được cho là hai nghi can từng trú ngụ. Thậm chí người dân còn bị đưa ra khỏi nhà, đưa lên xe buýt để lực lượng công quyền rộng chỗ làm việc.
Cảnh sát Watertown, Newton, Brighton và Cambridge được báo động về nghi can được trang bị súng trường và thuốc nổ. Một số cơ quan truyền thông Mỹ đưa tin hai nghi can là hai anh em người gốc Chechen, trong đó Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, đã chết và kẻ đang lẩn trốn là Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi. Cả hai đều là công dân thường trú hợp pháp tại Mỹ. Cơ quan an ninh Boston ngay lập tức cũng đưa lên mạng xã hội thông tin và hình ảnh của Dzhokhar, xác nhận đối tượng này từng là sinh viên tại TP Cambridge.
Boston và các khu vực lân cận như một chiến trường lớn. Cảnh sát xuất hiện khắp các con đường trong khi các trực thăng quần thảo trên bầu trời. Robot gỡ bom được đưa đến kiểm tra những chiếc túi mà các nghi can để lại. Nhân chứng mô tả với Reuters những cảnh sát trang bị tận răng, với súng trường, lục tìm từng con phố một. Cảnh sát đã yêu cầu người dân Newton, Waltham, Belmont, Cambridge và Allston-Brighton ở trong nhà và tránh xa cửa sổ, “không trả lời nếu người gọi cửa không phải là cảnh sát”.
Dù FBI chưa chính thức xác nhận liên hệ giữa vụ truy đuổi với vụ đánh bom hồi đầu tuần, cảnh sát Boston cho biết kẻ đang bị truy đuổi chính là “nghi can đội mũ trắng” trong những bức ảnh mà FBI công bố ngày 18-4 để nhờ công chúng nhận diện. Cả hai nghi can được xác định là hai người đàn ông trẻ có vẻ rất điềm tĩnh ngay sau khi hai quả bom phát nổ tại vạch đích cuộc thi marathon Boston.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại lễ tưởng niệm các nạn nhân ngày 18-4 đã thề sẽ tìm ra và bắt các hung thủ máu lạnh trả giá. Ông tuyên bố trước 2.000 người tham dự: “Nếu chúng muốn khủng bố chúng ta, phải cho thấy rõ rằng chúng đã chọn nhầm thành phố”.
Ông Cayle Ryan Pietras (một nhà làm phim ở New York): Tôi nghĩ những thảm họa như ở Boston và Texas sẽ khiến người dân rất giận dữ và mất niềm tin. Một mặt, chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu làm thế nào mà chúng có thể xảy ra. Mặt khác, chúng tôi mong đợi sẽ có những hình phạt đích đáng cho những kẻ thủ ác và bảo đảm an toàn cho chúng tôi trong tương lai. Vụ việc xảy ra đã trở thành nỗi ám ảnh đáng tiếc: sự sống còn của chúng tôi không còn được bảo đảm khi luôn đối diện với nỗi sợ hãi rằng mạng sống của chính mình có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào theo một cách bất ngờ và bạo lực. Cá nhân tôi nghĩ những thảm họa như thế thức tỉnh tôi khỏi cái gọi là sự “ngây thơ của người Mỹ” và nhắc nhở rằng chúng tôi đang phải giải quyết những bất ổn xã hội và nguy hiểm đang tăng lên từng ngày, luôn luôn chuẩn bị đối mặt với những bất trắc có thể xảy ra trong tương lai.
Ông Thomas Maresca(nhà báo Mỹ đang sinh sống tại TP.HCM): Vụ đánh bom kinh hoàng ở Boston sẽ in sâu trong tâm trí nhiều người. Chứng kiến vụ tấn công này có lẽ nhiều người sẽ bị tổn thương và thậm chí thay đổi hành vi thường ngày, chẳng hạn như tránh tụ tập ở những nơi đông đúc. Nhưng theo tôi nghĩ, hầu hết mọi người sẽ tiếp tục sống nhưng sẽ cẩn trọng hơn một chút. Cho đến nay ai cũng thừa nhận nước Mỹ đã thay đổi kể từ vụ khủng bố 11-9 khi chính quyền ban hành nhiều biện pháp an ninh hơn. Nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác đang sống ở một nước Mỹ nguy hiểm hơn so với trước đây. QUỲNH TRUNG ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận