Một nghiên cứu gần đây của nhóm tác giả thuộc Trường Y khoa Harvard cho biết phản ứng của cơ thể với việc tiêu thụ cùng một lượng calo sẽ khác nhau vào buổi sáng so với buổi tối.
Hormone đói "vùng dậy" khi nào?
Ăn muộn hơn vào ban đêm - hoặc chỉ vài giờ trước giờ ngủ - góp phần tạo ra một số thay đổi trong trao đổi chất, làm tăng cảm giác đói vào sáng sớm hôm sau và có thể làm tăng nguy cơ tăng cân lâu dài.
Các nhà nghiên cứu ở Harvard đã tìm cách giải đáp cơ chế tăng cân thông qua việc kiểm soát lượng calo, thời lượng ngủ và mức độ hoạt động thể chất.
Một trong những phát hiện quan trọng nhất từ nghiên cứu này, theo ông Frank AJL Scheer - nhà thần kinh học tại Trường Y Harvard, đồng thời là tác giả nghiên cứu: “Calo là calo, nhưng phản ứng của cơ thể với lượng calo đó sẽ khác nhau vào buổi sáng so với buổi tối”.
Cô Nina Vujovic - nhà thần kinh học, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Harvard - cho biết nhóm phát hiện ăn trong vòng 4 giờ trước giờ ngủ có ảnh hưởng đến hai loại hormone liên quan cảm giác đói. Ăn gần giờ ngủ, cơ thể đốt cháy ít calo hơn và calo chuyển thành chất béo dự trữ dễ dàng hơn.
Ăn trễ, gene phân hủy chất béo "tắt công tắc"
Tất cả 16 người tham gia thử nghiệm đã sống nội trú tại bệnh viện và trải qua hai kịch bản khác nhau kéo dài 6 ngày/lần và cách nhau vài tuần.
Thiết kế chéo này có thể giúp các nhà nghiên cứu thấy được tác động của 2 lần ăn kiểu khác nhau trên cùng một cá nhân.
Trong cả hai kịch bản, họ cùng tiêu thụ số lượng và loại calo như nhau và cùng ngủ từ đêm đến 8h sáng, cùng ăn trưa lúc 13h chiều, chỉ khác giờ ăn buổi sáng và buổi cuối cùng trong ngày.
Trong tuần “ăn sớm”, họ ăn sáng lúc 9h sáng và ăn tối lúc 17h30 chiều. Trong tuần “ăn muộn”, bữa trưa là bữa đầu tiên của họ, sau đó là bữa lúc 17h30 chiều và 21h30 tối.
"Nghiên cứu này chỉ ra một số tác động sinh lý của việc ăn khuya, điều mà một số nghiên cứu quan sát bệnh nhân ngoại trú không thể làm được”, tiến sĩ Kelly C. Allison, giám đốc Trung tâm cân nặng và sức khỏe rối loạn ăn uống tại Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết.
Kết quả cho thấy những người ăn muộn có xu hướng cảm thấy đói nhanh hơn trong thời gian thức dậy. Đặc biệt là vào buổi sáng, họ thèm đồ ăn có tinh bột hoặc thịt.
Phù hợp với phát hiện đó, những người ăn muộn có mức leptin thấp. Đây là một loại hormone được sản xuất từ các tế bào mỡ. Thiếu leptin khiến cơ thể cảm thấy đói và ăn nhiều hơn mặc dù cơ thể có đủ chất béo dự trữ.
Mặt khác, người ăn sớm có mức ghrelin giảm trong giờ thức dậy. Hormone ghrelin được sản xuất từ các tế bào nội tiết ruột của đường tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày và thường được gọi là "hormone đói" vì nó làm tăng cảm giác đói.
Có 7 người tham gia, trong đó có 2 phụ nữ, đã đồng ý sinh thiết mô mỡ ngay dưới da.
Khi các nhà nghiên cứu phân tích hoạt động của gene trong các mẫu này, họ phát hiện việc ăn muộn đã "tắt công tắc" ở một số gene phân hủy chất béo trong khi "bật công tắc" ở một số gene khác để lưu trữ chất béo.
Từ nghiên cứu trên, bà Allison nói: “Lời khuyên lâm sàng tốt nhất mà chúng tôi có thể đưa ra, dựa trên bằng chứng mà chúng tôi có được cho đến nay: Hãy ăn bữa tối càng sớm càng tốt”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận