23/12/2019 06:37 GMT+7

Trường tự chủ, giảng viên thu nhập 63 triệu/tháng

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Từ mức thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng, chỉ sau vài năm áp dụng cơ chế tự chủ, thu nhập của cán bộ, giảng viên ở một số trường đại học đã tăng vọt lên hàng chục triệu đồng, có trường phó giáo sư thu nhập bình quân hằng tháng lên tới 63 triệu.

Trường tự chủ, giảng viên thu nhập 63 triệu/tháng - Ảnh 1.

Nhờ cơ chế tự chủ, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có điều kiện học tập tốt, nhận được nhiều hỗ trợ hơn - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo các chuyên gia, tự chủ ĐH sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các trường công lập, tạo sinh khí mới cho nền ĐH nước ta. 

GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: "Tự chủ tài chính sẽ tạo ra khả năng thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, thu hút nhân lực ngoài biên chế, có thể tạo sự liên kết với các tổ chức kinh tế, khoa học cùng tham gia việc đào tạo và nghiên cứu khoa học".

63 triệu đồng/tháng

Đó là thu nhập bình quân của PGS Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa được ông Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng nhà trường - tiết lộ. Theo thống kê, thu nhập bình quân mỗi tháng trong năm 2019 của PGS ở trường này là 63 triệu đồng, TS là 33 triệu đồng. Hiện tại, nhà trường có 42 PGS và 152 TS.

"Đây không phải lương, mà là bình quân thu nhập đầu người trong 11 tháng qua. Số tiền này bao gồm các khoản lương, dạy, nghiên cứu khoa học, thu nhập vượt giờ dạy, thưởng... Thực tế có người đạt thu nhập trên 100 triệu đồng và cũng có người không đạt mức trên" - ông Dũng nói.

Ông Phan Hồng Hải, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết thu nhập bình quân của toàn thể cán bộ, nhân viên, giảng viên nhà trường trước khi tự chủ (năm 2015) là 15 triệu đồng/tháng, đã liên tục tăng qua các năm và đến năm 2019 khoảng 19 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập của giảng viên có trình độ TS trở lên hiện nay là 28 triệu đồng/tháng. 

Trường có chính sách thu hút chất xám trình độ cao về công tác. Theo đó, TS được hỗ trợ 100 triệu đồng/người, PGS 120 triệu đồng và GS 150 triệu đồng. 

"Ngoài ra, trường còn trả phụ cấp hằng tháng với cán bộ, viên chức có học hàm, học vị cao: TS 4 triệu đồng/tháng, PGS 5 triệu đồng/tháng và GS 7 triệu đồng/tháng. Nhà trường còn hỗ trợ giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn. 

Đối với nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài được hưởng 40% lương cơ bản, sau khi tốt nghiệp trở lại công tác nhận bổ sung 60% khoản lương cơ bản còn lại và 50% tiền thưởng các ngày lễ, tết. Nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp và nhận bằng được nhà trường thưởng 50 triệu đồng" - ông Hải chia sẻ.

Trường tự chủ, giảng viên thu nhập 63 triệu/tháng - Ảnh 2.

Với cơ chế tự chủ, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có điều kiện kết hợp với các doanh nghiệp đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại cho sinh viên thực hành - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Xây dựng quy chế tự chủ trong việc trả lương cho giáo viên và cán bộ quản lý, nhân viên theo nguyên tắc gắn thu nhập với chuyên môn, kết quả và chất lượng giáo dục - đào tạo, kết quả hoạt động tài chính của trường nhằm khuyến khích, trọng dụng, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giỏi, trình độ cao.

PGS.TS Trần Quốc Toản (Hội đồng Lý luận trung ương)

Nếu các nguồn thu chỉ đảm bảo chi mà không thể tích lũy để tái tạo nhà trường thì mất đi ý nghĩa tự chủ. Các hiệu trưởng chỉ chăm chú vào việc trả lương cho thầy cô sao cho cao hơn trước tự chủ là làm hỏng tự chủ ĐH. Thay vì cần phát triển nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng học thuật của giảng viên, nâng tầm nhà trường thì lại chỉ tìm nguồn thu cho việc tăng thu nhập giảng viên. Phải làm rõ được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong lĩnh vực tài chính, thu và quản lý học phí.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Tiền đâu để tăng thu nhập?

Lãnh đạo các trường đều cho rằng giảng viên giỏi mới làm nên học trò giỏi. Chỉ khi nào thu nhập đủ sống, người giỏi mới gắn bó, tránh chảy máu chất xám. Chất lượng nhà trường không tốt sẽ không thể thu hút đầu vào, sinh viên ra trường cũng khó xin việc. Chính vì có cơ chế chi trả lương, thưởng, thù lao hấp dẫn, chất lượng đầu vào khi tuyển chọn cán bộ, giảng viên của trường gần đây đã tăng lên rõ rệt. 

Ông Phan Hồng Hải nhận định khi trường được tự chủ áp dụng chính sách chi trả thu nhập này đã kích thích tinh thần làm việc của cán bộ, viên chức. Nhà trường cũng chủ động các chính sách nhằm thu hút đội ngũ có trình độ cao về công tác tại trường, đồng thời cũng giữ chân được người giỏi. 

Tuy nhiên do với hơn 1.400 cán bộ, viên chức, tổng số tiền lương chi trả hằng tháng rất lớn nên cũng có khó khăn đối với lãnh đạo trường trong việc cân đối chi tiêu. Trong khi hiện nay chủ yếu các trường "sống" bằng học phí là chính. 

Mức học phí của các trường sau tự chủ thu theo quyết định phê duyệt đề án tự chủ, cao hơn so với mức trần học phí đang áp dụng đối với các trường công lập chưa tự chủ. Vì vậy, chắc chắn các trường đều sẽ tăng học phí theo lộ trình của đề án tự chủ.

Giải thích thêm về nguồn thu nhập "khủng" này, theo hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng, do trường áp dụng thí điểm cơ chế tự chủ 3 năm qua. 

"Nhà trường tranh thủ các nguồn tài trợ từ doanh nghiệp và cựu sinh viên, nhất là trang thiết bị và học bổng cho sinh viên nghèo. Chính điều này giúp nhà trường giữ mức học phí thấp nhất trong các trường tự chủ. 

Thêm vào đó, tận dụng việc xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư, hợp tác kinh doanh, sử dụng mặt bằng cũng đem lại nguồn thu khá lớn. Khi tự chủ, tiền được gửi ngân hàng nên riêng khoản lãi tiền gửi gần 20 tỉ đồng cũng giúp hỗ trợ sinh viên nghèo và các hoạt động khác. 

Bên cạnh đó, khi tự chủ trường phải tiết kiệm nhất là điện, nước với việc khoán điện cho các đơn vị. Các chi phí về vật tư, giấy in... khi tiết kiệm cũng góp phần giảm chi phí để đầu tư cho con người" - ông Dũng giải thích.

Trường tự chủ, giảng viên thu nhập 63 triệu/tháng - Ảnh 5.

Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng được học với giảng viên người nước ngoài - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo thống kê thu nhập bình quân năm 2019 tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, PGS mức cao nhất hơn 55,6 triệu đồng, TS cao nhất 44,3 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Hoàn, hiệu trưởng nhà trường, cho hay: "Trước khi tự chủ thu nhập bình quân của cán bộ, giảng viên hơn 13 triệu đồng, hiện nay đã tăng lên hơn 18,5 triệu đồng. Hiện trường còn thực hiện chính sách thu hút nhân tài với TS khi về trường được hỗ trợ ban đầu 75 triệu đồng, PGS 100 triệu đồng và GS là 150 triệu đồng".

Không khó khăn trong việc chi trả thu nhập xứng đáng

Trường ĐH Tôn Đức Thắng được đánh giá là mô hình tự chủ thành công nhất hiện nay. Cơ chế tự chủ của trường này đã trở thành hình mẫu để cải cách hệ thống giáo dục ĐH công lập cả nước.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Lê Vinh Danh - hiệu trưởng nhà trường - cho biết Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã trở thành cầu nối cho các Việt kiều quay về nước đóng góp cho Tổ quốc, dìu dắt các nhà khoa học trẻ trong nước. Lực lượng chuyên gia nước ngoài trình độ TS trở lên, có đẳng cấp về nghiên cứu ngày càng phát triển nhanh và hiện có 203 người. Tất cả đều do nhà trường tự trang trải tài chính 100%.

ong le vinh danh_1 5(read-only)

Ông Lê Vinh Danh - hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh: TRẦN HUỲNH

* Ông có thể cho biết nguồn thu chủ yếu của trường suốt thời gian qua?

- Nguồn thu chủ yếu của nhà trường trong 11 năm đầu phần lớn từ học phí, chỉ có một ít thu từ thực hiện dịch vụ tư vấn, đào tạo - bồi dưỡng ngắn hạn, thực hiện hợp đồng cho doanh nghiệp và nghiên cứu thuê cho Nhà nước.

Sau này, khi chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu công nghệ và nghiên cứu chuyển giao, phần thu ngoài học phí bắt đầu tăng dần lên và tăng khá nhanh.

Đến cuối năm học 2018-2019, nguồn thu này lên đến 30% tổng thu. Năm nay, chúng tôi cố gắng giữ tỉ lệ 7-3 này.

* Nhà trường tự trang trải tài chính 100% để thực hiện chính sách thu hút nhân lực. Cụ thể chính sách này ra sao, thưa ông?

- Dĩ nhiên là "tự trang trải 100%", chứ có ai cấp cho trường đồng nào để chi thường xuyên. Chính sách thu hút nhân lực của trường gồm:

1. Cung cấp môi trường và phương tiện làm việc thuận lợi nhất;

2. Giải quyết nhanh chóng và tích cực tất cả thủ tục và hỗ trợ cần thiết; 3. Tuyệt đối không có bất kỳ tiêu cực trong công tác nhân sự;

4. Thu nhập được cả hai bên tự nguyện đồng ý;

5. Bảo đảm việc trả thu nhập gần như tuyệt đối công bằng để tỏ lòng tôn trọng thành tích, thành tựu, đóng góp của nhân sự;

6. Tạo mọi điều kiện cho họ đi nước ngoài nâng cao chuyên môn, trao đổi học thuật, sử dụng chung phòng thí nghiệm, liên kết nghiên cứu quốc tế... vào mọi lúc và mọi nơi để phát triển cá nhân.

* Trường có thuận lợi và khó khăn gì trong thực hiện việc chi trả thu nhập cho giảng viên?

- Ai cũng có thể thấy rằng thầy giỏi thì trò giỏi. Liên tục nâng cao chất lượng giảng viên sẽ liên tục nâng cao chất lượng đào tạo. Đến giờ phút này, chúng tôi không có khó khăn gì trong thực hiện chi trả thu nhập xứng đáng cho giảng viên, viên chức.

Thứ nhất, cơ chế tự chủ đã giúp nhà trường tự quyết định việc trả thu nhập theo kết quả đầu ra và việc trả thu nhập này được hội đồng trường thông qua, thể hiện trong quy chế chi tiêu nội bộ.

Thứ hai, quản trị ĐH hiệu quả đã tiết kiệm được kinh phí và bảo đảm cho chúng tôi thực hiện được chính sách thu nhập của mình hợp lý, ổn định và lâu dài.

Đại học tự chủ khó khăn là do… không được tự chủ Đại học tự chủ khó khăn là do… không được tự chủ

TTO - Nhiều chuyên gia nhận định như vậy về thực trạng triển khai thực hiện cơ chế tự chủ ở các trường đại học hiện nay.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên