Phóng to |
Đài radio trên đảo Hoàng Sa (1939). Ảnh chụp tại phòng lưu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng |
Không những thế, sách sử của Trung Quốc lại còn công nhận rằng những quần đảo đó là vòng đai phòng thủ của VN, và qua thái độ của họ trong thời gian đó thì Trung Quốc cũng đã mặc thị công nhận chủ quyền của VN trên những quần đảo này. Nếu cho rằng chúa Nguyễn đã khai thác các đảo từ đầu thế kỷ 17, sau gần 100 năm, chủ quyền lịch sử của VN đã hoàn tất. Chủ quyền lịch sử đó lại được củng cố thêm qua đời vua Gia Long và Minh Mạng. Đồng thời chủ quyền vẫn được hành xử liên tục qua sự khai thác và quản trị của hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải, là những bộ phận của nhà nước.
Khẳng định chủ quyền
Phía Trung Quốc cũng đã đưa ra những tài liệu để chứng minh mình đã khám phá và hành xử chủ quyền trước tiên. Tuy nhiên, chủ quyền lịch sử mà Trung Quốc khẳng định mình có là rất yếu. Phần lớn tác giả, luật gia chuyên về luật quốc tế, trừ những tác giả Trung Hoa, đều công nhận điều này. So sánh chủ quyền lịch sử viện dẫn bởi hai bên, chúng ta có thể kết luận rằng giữa VN và Trung Quốc thì VN mới là quốc gia có chủ quyền lịch sử trên hai quần đảo. Phân tích còn cho thấy chủ quyền lịch sử của VN đã được hoàn tất từ thế kỷ 17, dưới thời chúa Nguyễn.
Trên thực tế hiện nay, Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã cho xây cất nhiều công trình nhằm củng cố sự chiếm hữu bất hợp pháp. Trong hoàn cảnh hiện tại, muốn bảo đảm sự chiếm hữu của Trung Quốc không thể tạo ra chủ quyền được, VN phải thường xuyên lên tiếng phản đối và khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa (và cả Trường Sa nữa). VN cũng nên công khai đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ra trước Tòa án quốc tế. Nếu Trung Quốc thật tình tin tưởng rằng mình có căn bản pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này, Trung Quốc không có lý do gì để từ chối một giải pháp pháp lý.
Năm 1988, Trung Quốc lần đầu tiên ra đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa, tàu của VN bị đánh đắm nhưng Trung Quốc chặn không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ đến cứu. Đây là một sự vi phạm những điều luật cơ bản nhất của chiến tranh. Như vậy, có thể suy đoán Trung Quốc sẽ không ngần ngại gì mà không tiếp tục sử dụng vũ lực. Từ đó đến nay, lâu lâu Trung Quốc lại chiếm thêm vài đảo ở quần đảo Trường Sa.
Đưa vấn đề ra khối Asean hoặc Liên Hiệp Quốc
Phóng to |
Trạm khí tượng thủy văn của VN trên đảo Hoàng Sa trước năm 1975. Ảnh chụp tại phòng lưu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng |
Một giải pháp thương thuyết song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp khó thực hiện được một cách công bằng, vì sức mạnh để thương thuyết giữa hai bên không bằng nhau, nó chênh lệch và mạnh dĩ nhiên là Trung Quốc. Cũng vì vậy mà Trung Quốc cho đến nay chỉ chấp nhận thương thuyết song phương.
Trung Quốc muốn thương thuyết song phương để buộc quốc gia đối phương phải thương thuyết theo chiều mà Trung Quốc muốn. Nếu không Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực. Đây chỉ là một chiến thuật để Trung Quốc tranh thủ thời gian củng cố thêm thế của mình đối với hai quần đảo. Thời gian càng kéo dài thì càng có lợi cho Trung Quốc.
Giải pháp khai thác chung mà Trung Quốc đề nghị không thể thực hiện được khi mà vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết. Như vậy, thời gian càng kéo dài lại càng củng cố được những sự chiếm hữu bất hợp pháp, và quốc gia nào có chủ quyền pháp lý vững vàng sẽ bị thiệt thòi.
Giải pháp đưa ra Tòa án quốc tế hoặc trọng tài quốc tế có lẽ công bằng nhất, nhưng Trung Hoa ngày xưa đã hơn một lần phủ nhận giải pháp này, khi Pháp đề nghị vào năm 1932 và 1947. Đối với Trung Quốc bây giờ lại càng khó hơn nữa.
Giải pháp hiện thời, thực tiễn nhất là đưa ra khối Asean hoặc Liên Hiệp Quốc để giải quyết. Liên Hiệp Quốc là giải pháp có thể hữu hiệu hơn, vì đem ra cơ quan này có tính cách khoáng đại, cho phép Mỹ, Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác tham dự. Hơn nữa, trường hợp Liên Hiệp Quốc không giải quyết được, hoặc nếu có vấn đề trong việc giải quyết, Liên Hiệp Quốc vẫn có quyền đem vấn đề ra Tòa án quốc tế và yêu cầu tòa cho ý kiến mà không cần sự đồng ý của bất cứ quốc gia nào. "Thủ tục cho ý kiến" của Tòa án quốc tế không có hiệu lực quyết định như một bản án thật sự, nhưng nó vẫn có một tác động mạnh mẽ trong dư luận thế giới. Vụ tranh chấp vùng Tây Sahara đã được tòa cho ý kiến trong những hoàn cảnh như trên (nghĩa là thể theo yêu cầu của Liên Hiệp Quốc).
Cuộc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Để càng lâu, nó càng đe dọa hòa bình ở Đông Nam Á và có thể là hòa bình thế giới.
Trích từ tham luận của tiến sĩ Từ Đặng Minh Thu đọc tại hội thảo "Vấn đề tranh chấp biển Đông" tổ chức ở New York (Mỹ) ngày 15 và 16-8-1998. Tham luận đã đăng trên tạp chí Thời Đại Mới 7-2007.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận