...Dẫu hình hài các anh không còn nguyên vẹn.
Phóng to |
Ông Đoàn Tuấn Nghĩa, bố của liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch, bên bàn thờ con trai - Ảnh: MY LĂNG |
Ngày về sau 21 năm
Nhìn tám tiểu sành phủ cờ Tổ quốc đỏ tươi rực rỡ sao vàng nằm sát bên nhau trong hương khói quấn quyện vào nhau, không ai kìm được nước mắt, kể cả những người lính hải quân dày dạn sóng gió. Trước mỗi tiểu sành là biểu tượng Tổ quốc ghi công bằng pha lê, bên trong có chứa giọt gen của từng liệt sĩ.
Sau khi công bố kết quả giám định và bàn giao cho thân nhân gia đình từng liệt sĩ, một đoàn gồm tám chiếc xe bắt đầu lăn bánh rời khỏi hội trường Viện Pháp y quân đội thẳng tiến về bốn tỉnh: Hải Phòng (liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch ở quận Lê Chân, liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải ở huyện Thủy Nguyên), Thái Bình (liệt sĩ Trần Văn Phòng ở huyện Kiến Xương, liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm ở huyện Hưng Hà), Nghệ An (liệt sĩ Đậu Xuân Tư và liệt sĩ Hồ Văn Nuôi đều ở huyện Nghi Lộc) và Quảng Bình (liệt sĩ Trần Văn Quyết ở huyện Quảng Trạch, liệt sĩ Trần Quốc Trị ở huyện Bố Trạch). Trước mỗi xe đều được Bộ tư lệnh hải quân gắn vòng hoa rất trang trọng.
Trước đó, xe của Bộ tư lệnh hải quân đã về tận nhà đón thân nhân của liệt sĩ ở Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình đưa về nhà khách Hải Thành (TP Hải Phòng), nghỉ lại một đêm rồi 4g sáng hôm sau lên Hà Nội. “Sáng ra hỏi mới biết đêm qua cả đoàn không ai ngủ được. Ai cũng mong trời sáng để đi lên Hà Nội” - đại tá Hoàng Ngọc Dương (trưởng phòng dân vận - Bộ tư lệnh hải quân) kể.
Phóng to |
Kết luận giám định của Viện Pháp y quân đội về di cốt liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải. Anh về quê chỉ với một mảng xương đỉnh - Ảnh: MY LĂNG |
Trong tám chiếc xe rời Viện Pháp y quân đội sáng 20-11-2009 ấy, đại tá Dương là người đi trên chuyến xe đưa liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch về phường Nghĩa Xá (Q.Lê Chân). Người em trai út, người anh rể của liệt sĩ và chủ tịch phường Nghĩa Xá cũng có mặt trên chuyến xe ấy để đón liệt sĩ về nhà. Liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch nhập ngũ tháng 2-1982, là thủy thủ trưởng của tàu HQ-604, hi sinh năm 29 tuổi và chưa kịp được biết thế nào là tình yêu.
Chỉ một ngày sau khi xảy ra sự kiện 14-3-1988, gia đình nhận được thư anh gửi về. Trong thư anh viết ngắn gọn: “Tết này con không về ăn tết được, bố mẹ tha thứ cho con. Sau tết con sẽ về...”. Tính đến thời điểm đó đã sáu năm anh không được đón tết ở nhà cùng gia đình.
Bố anh - ông Đoàn Tuấn Nghĩa, năm nay đã 76 tuổi - cho biết: “20 năm sau khi em nó hi sinh, ngày 27 tháng giêng âm lịch và ngày 14-3 dương lịch chúng tôi đều làm giỗ. Từ lâu gia đình đã xác định sẽ không bao giờ tìm thấy em nó trở về. Hi sinh trong đất liền biết bao người vẫn chưa tìm được con huống hồ ngoài biển. Từ ngày người của Bộ tư lệnh hải quân về lấy mẫu giám định thì đến hơn một năm sau mới có kết quả. Cho nên khi được Bộ tư lệnh hải quân báo tin về kết quả giám định ADN, tôi chảy nước mắt, tập trung các con cháu lại, thông báo rõ. Đó là điều mà gia đình trông đợi bấy lâu nay nhưng không dám hi vọng”.
Hơn 1g chiều, chuyến xe đặc biệt ấy đã đưa liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch về đến ngôi nhà nhỏ ở ngõ 170 Vũ Chí Thắng. Người em gái thứ tư khóc ngất khi chạm vào khối hình chữ nhật bằng gỗ phủ cờ Tổ quốc, bên trong là tiểu sành chứa xương cốt anh trai mình. Mẹ anh, người đã khóc 21 năm nay, lại thêm lần nữa nhòe lệ... Hình hài anh về với quê hương chỉ là một mảnh xương sọ có vết đạn bắn xuyên thủng và một đoạn xương chày phải... để trong tiểu sành phủ cờ Tổ quốc.
Gia đình liệt sĩ đề nghị được đón con về thẳng nhà và làm lễ truy điệu ngay tại nhà. Chiều hôm sau đưa liệt sĩ về nơi anh đã được sinh ra ở Kim Sơn (Tân Trào, Kiến Thụy, Hải Phòng). Ngay từ khi được Bộ tư lệnh hải quân báo tin về kết quả giám định, gia đình đã xây mộ trước trong nghĩa trang liệt sĩ xã Tân Trào.
Buổi sáng 21-11-2009, ở nghĩa trang liệt sĩ nằm ngay quốc lộ rất rộng, bà con khắp xã kéo đến tiễn đưa người con đã hi sinh vì Trường Sa nay trở về quê hương sau 21 năm.
Nhắc về người con trai cả Đoàn Đắc Hoạch, ông Nghĩa tâm sự: “Em nó hiền, quý các em lắm. Trước khi đi em nó cứ dặn mẹ: khi bố về mẹ nói bố cố gắng xin việc gần nhà và cho các em được học ngành nghề đàng hoàng. 29 tuổi vẫn chưa dám yêu cô nào. Giục thì em nó bảo: khi nào về con mới yêu, mới cưới vợ”. Rồi ông chùng giọng, nhìn về phía di ảnh người con trai có gương mặt sáng, nụ cười tươi như hoa, bảo: “Nhiều liệt sĩ vẫn chưa về được quê hương mà bố mẹ thì đã gần chết hết rồi. Nghĩ đến những gia đình khác con cái chưa về được, thấy buồn và thương lắm. Niềm vui của tôi cũng vì thế mà không trọn vẹn”.
Phóng to |
Mảng xương sọ của liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch với dấu vết của viên đạn xuyên qua - Ảnh tư liệu của Viện Pháp y quân đội |
Con đã chiến đấu chứ không bỏ chạy
Trong khi đó, cũng đi về hướng Hải Phòng là một chuyến xe khác chở hài cốt liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải về quê hương ở xã Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên). Liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải sinh năm 1968, trẻ nhất trong số tám liệt sĩ được tìm thấy từ tàu HQ-604. Anh nhập ngũ tháng 2-1985, là hạ sĩ trên tàu HQ-604. Người chiến sĩ ấy mãi mãi nằm lại giữa biển khơi khi mới 20 tuổi.
Ngày đón anh về có một phụ nữ ở rất xa nghe tin đến rất lặng lẽ. Chị đặt bó hoa trước linh cữu người liệt sĩ mà nước mắt lưng tròng. Đó là vợ sắp cưới của chàng bộ đội Nguyễn Thanh Hải 21 năm trước. Ngày ấy trước khi đi anh đã hỏi vợ, định về là cưới. Đó là người bạn học từ thuở còn nhỏ xíu, là mối tình năm năm của anh. Mấy năm sau ngày anh hi sinh, chị vẫn qua lại nhà anh thăm hỏi bố mẹ, các em. Chị cứ nhùng nhằng không chịu nhận lời ai dù bố mẹ anh giục mãi. Phải đến năm năm sau, gia đình anh khuyên nhủ cạn lời người con gái ấy mới chịu lấy chồng.
Nhắc về anh mình, ông Nguyễn Thanh Huân vẫn không thể nào quên những giờ phút cuối cùng hai anh em ở bên nhau. Đó là lần anh Hải về phép tháng 8-1987. Anh được về phép hơn 20 ngày, chưa hết phép đã có lệnh vào công tác gấp.
“Tôi chở anh ra bến tàu. Hôm đó mưa dông rất to. Tôi đưa mũ cho anh đội nhưng anh không chịu đội, nhường cho em. Khi đến nơi thì thấy lụt cả bến tàu. Chuyến tàu đó phải dừng lại vì không ai xuống được tàu. Anh dặn lúc chia tay: chú ở nhà học hành cẩn thận, sau này anh về sẽ xin cho chú vào cùng đơn vị với anh” - ông Huân xúc động kể.
Đôi mắt người đàn ông ấy đỏ hoe, bảo: “Khi lên đến Viện Pháp y quân đội, chân tay tôi như khuỵu xuống vì run. Đêm trước đó tôi thấp thỏm không ngủ được. Anh em hàng bao năm mới gặp... Ngồi trên xe, tôi chỉ muốn mau mau về đến nhà để mẹ được đón anh cả. Cũng may là bố mẹ tôi vẫn còn khi anh về”.
Hình hài anh cả của ông Huân trở về với bố mẹ, với gia đình sau 21 năm chỉ vẻn vẹn là một mảnh xương đỉnh. Những phần xương cốt khác của anh cũng như nhiều liệt sĩ khác vẫn còn nằm lại đâu đó giữa sóng biển Trường Sa...
Nói về sự ra đi của con trai cả, ông Nguyễn Xuân Cứ (74 tuổi) bồi hồi: “Đó là nhiệm vụ, là nghĩa vụ của một người lính. Tôi cho con vào hải quân để rèn luyện, để có bản lĩnh. Con trai tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy vì Tổ quốc. Gia đình tôi tự hào vì con mình đã chiến đấu, đã hi sinh chứ không bỏ chạy”.
Ông Cứ từng là trưởng ban tài vụ Lữ đoàn 125 hải quân, cũng là nơi con trai ông công tác trước lúc hi sinh. Người chiến binh hải quân nói với giọng bình thản lạ thường, nhưng trong đôi mắt loang loáng hình của nước...
------------------------------------------
Kỳ tới: Hai chiếc đài để lại
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Những kỷ vật từ lòng biển Trường SaKỳ 2:“Vòng tròn bất tử” trên bãi Gạc MaKỳ 3:Khi tiếng súng lặng imKỳ 4: Lá thư không người nhậnKỳ 5: Cuộc tìm kiếm dưới đáy biển Gạc MaKỳ 6: Ngày trở về...Kỳ 7: Tìm lại tên cho anh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận