Nhóm này gồm bốn tổ, đi đến 56 gia đình thân nhân liệt sĩ khắp cả nước để lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN.
Phóng to |
Hài cốt các liệt sĩ hi sinh trong trận Gạc Ma ngày 14-3-1988. Cán bộ Viện Pháp y quân đội đang tiếp nhận để giám định - Ảnh tư liệu của Viện Pháp y quân đội |
Những tổ công tác đặc biệt
Thượng tá Phạm Văn Minh (trợ lý phòng chính sách - Quân chủng Hải quân VN) là trưởng nhóm tổ 1, đến 20 gia đình liệt sĩ ở sáu tỉnh. “Nhiều bố mẹ liệt sĩ đã mất. Có người vợ cũng không còn. Trong 20 liệt sĩ chỉ có bốn người đã lấy vợ. Tổ của tôi chỉ có hai ngày để lấy toàn bộ mẫu máu. Sáng 4g vào tận Thanh Hóa, rồi ngược ra Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng về Viện Pháp y quân đội ở Hà Nội bàn giao. Sau đó chạy lên Phú Thọ, rồi trở về Hà Nội bàn giao tiếp những mẫu sinh phẩm vừa lấy được. Có ngày 11g đêm chúng tôi mới lấy mẫu xong. Có những nơi không biết đường đi, vừa đi vừa dừng lại hỏi đường” - thượng tá Minh cho biết. Như trường hợp nhà liệt sĩ Trần Văn Chức ở xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình. Canh Tân là xã mới thành lập, nằm gần bờ đê, giáp tỉnh Hưng Yên nên rất ít người dân biết. Nhóm công tác tìm suốt buổi sáng mới đến nơi. Bố mẹ liệt sĩ đã chết, các anh phải vào ủy ban xã hỏi mới tìm được người chị gái hơn 60 tuổi, không chồng. Người chị rơi nước mắt nghẹn ngào nói với tổ công tác: “Bố mẹ trước khi mất đều dặn con hãy cố sống đợi đến ngày em về...”. Nghe những lời nói ấy, lồng ngực những người trong tổ công tác như bị bóp nghẹt lại.
Đại tá Hoàng Ngọc Dương (trưởng phòng dân vận - Quân chủng Hải quân VN) là người đã chỉ huy tổ công tác thứ 2 đi đến ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân 22 gia đình liệt sĩ. Đây là nhóm đi xa nhất, gặp nhiều gia đình liệt sĩ nhất và cũng là nhóm vất vả nhất: phải trèo đèo, lội suối, băng rừng trong suốt hành trình bảy ngày đêm đi liên tục không ngơi nghỉ. Đoàn công tác phải đi bằng xe U-oát, loại xe có thể “chinh chiến” đường đèo dốc, đồi núi, kiểu đường xấu và xóc. Nhưng có nhiều đoạn đường, cả tổ công tác phải đi đò rồi cuốc bộ 3-4km. Những mẫu sinh phẩm đã lấy xong được tiếp đá liên tục trong suốt hành trình để đảm bảo chất lượng. Tổ của đại tá Dương chỉ có bảy ngày để hoàn tất việc lấy mẫu. Giai đoạn tưởng như đơn giản ấy cũng không hề dễ dàng.
“Kịch tính” nhất là khi tìm đến gia đình một liệt sĩ ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Khi đó trời đã sập tối nhưng đoàn vẫn cố đi thêm một trường hợp cho kịp tiến độ. Lần ấy nhóm công tác phải đi đò. Trời mưa lớn. Nước chảy xiết. Con đò mỏng manh cứ bị nước cuốn dạt đi, mãi mới cập được bờ bên kia. Anh em đoàn công tác mỗi người bẻ một tàu cọ đội mưa đi tìm nhà liệt sĩ. Khi đến nơi, mọi người chùng xuống khi biết gia đình và cả mẹ của liệt sĩ đã chuyển hết vào Nam. Cuối cùng tổ công tác cũng tìm được con gái của chị ruột mẹ liệt sĩ. Vừa xuống núi, qua được sông thì lũ tràn về. Lúc đó đã gần 10g đêm. “Chậm một chút thôi là bị lũ chặn lại, toàn bộ số mẫu lấy trước đó sẽ phải vứt đi hết” - anh Dương cho hay.
Bảy ngày rong ruổi khắp ba tỉnh với gần 30 điểm đến (do phát sinh) là hành trình không nghỉ ngơi, ăn xong là lên xe đi ngay. Trong hành trình ấy, biết bao hình ảnh những ông bố, bà mẹ của liệt sĩ không nguôi ám ảnh tâm trí nhóm công tác. Đó là hình ảnh người mẹ già 68 tuổi của liệt sĩ Trương Minh Thương (Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình) cô đơn trong căn nhà ngập nước. “Chúng tôi phải đi đò từ Quảng Thủy sang Quảng Sơn (Quảng Trạch, Quảng Bình). Tháng 7 mùa mưa, chúng tôi phải tháo giày để trên đường tàu rồi lội bộ vào. Quanh nhà nước lênh láng. Sau này chúng tôi đã giao cho Trung đoàn công binh E83 làm nhà tình nghĩa cho mẹ” - anh Dương cho biết.
Đúng bảy ngày sau, tổ công tác đã có mặt tại Hà Nội, chuyển toàn bộ mẫu sinh phẩm cho Viện Pháp y quân đội.
Phóng to |
Ngày 27-8-2008, hài cốt các liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma được Bộ tư lệnh Hải quân bàn giao cho Viện Pháp y quân đội để đưa ra Hà Nội giám định - Ảnh tư liệu của Viện Pháp y quân đội |
30 ngày trắng đêm
Trong khi đó, một nhóm cán bộ của Viện Pháp y quân đội cũng đang gấp rút bắt tay vào việc giám định pháp y tìm lại tên cho các liệt sĩ từ số xương cốt đang nằm lẫn lộn vào nhau. Họ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Toàn bộ hài cốt này là của mấy liệt sĩ? Xương nào là của ai?... “Dựa trên phương pháp quan sát dấu hiệu hình thái học, đặc điểm về giải phẫu, độ tương thích về kích thước, màu sắc, chúng tôi nhận dạng sơ bộ và sắp xếp lại các xương, ước chừng của 7-8 người” - đại tá Nguyễn Văn Hòa (viện trưởng Viện Pháp y quân đội) nhớ lại.
Sau khi giám định hình thái xong, các cán bộ pháp y lấy 13 mẫu xương và răng để phân tích ADN ty thể. Câu hỏi được đặt ra là: 13 mẫu xương và răng này là của ai trong số 56 liệt sĩ (trong trận Gạc Ma ngày 14-3-1988, có 64 cán bộ chiến sĩ hi sinh, nhưng ngay sau đó một số đã được đồng đội đưa thi thể về hoặc trút hơi thở cuối cùng trên đảo Sinh Tồn, nên còn 56 anh em chưa tìm thấy hài cốt)?
“Khó khăn trong phân tích mẫu do đây là lần đầu tiên ở Việt Nam làm nhận dạng hài cốt có số lượng mẫu so sánh lớn như thế (13 mẫu hài cốt và 56 mẫu sinh phẩm), các hài cốt lại bị lẫn lộn. Như vậy, cứ một mẫu hài cốt phải lần lượt so sánh, đối chiếu với ít nhất 56 mẫu sinh phẩm” - đại tá Hòa cho biết.
“Do hài cốt các liệt sĩ đã ngâm nước biển 20 năm nên cái khó khi giám định ADN là làm sao khử các chất ức chế (chất vô cơ, hữu cơ, vi khuẩn, nấm thực vật) có trong xương để không làm ảnh hưởng đến các công đoạn kỹ thuật phía sau. Riêng việc loại bỏ độ mặn trong 13 mẫu xương đã mất gần một tuần” - thượng úy Vũ Anh Tuấn (thạc sĩ sinh học phân tử - phòng xét nghiệm), người chịu trách nhiệm chính về nhận dạng ADN hài cốt liệt sĩ của tàu HQ-604, chia sẻ.
Sau khi loại bỏ các chất ức chế và tạp chất bên ngoài, tiến hành tách chiết ADN từ 13 mẫu xương, sau đó so sánh các mẫu xương này với nhau mới tìm được đáp án: 13 mẫu xương đó là của tám người. Mất 74 ngày mới tìm ra câu trả lời. Đó là ngày 5-1-2009. “Giai đoạn đối chiếu, so sánh kết quả rất quan trọng và phức tạp, chỉ riêng đọc mẫu số kết quả mất sáu ngày. Đây là thời điểm căng thẳng, áp lực nhất - thượng úy Vũ Anh Tuấn cho biết - Tôi biết các gia đình liệt sĩ đang rất sốt ruột, nôn nóng. Họ mong chờ như chờ một đứa con còn sống sắp trở về nhà, nên nhóm chúng tôi phải chia ca thay nhau làm ngày đêm”. Thượng úy Tuấn là trưởng nhóm nên suốt một tháng trời anh ăn ngủ ngay tại viện.
Song song trong quá trình tách chiết ADN của 13 mẫu xương trên, một nhóm khác của phòng xét nghiệm cũng ráo riết tách chiết ADN, so sánh các mẫu ADN lấy từ 56 gia đình thân nhân liệt sĩ. Chỉ mất một ngày sau khi so sánh đối chiếu tám mẫu ADN vừa được xác định với mẫu ADN lấy từ 56 gia đình, danh tính tám liệt sĩ đã được xác định rõ ràng. Điều đặc biệt là tám liệt sĩ này chia đều cho bốn tỉnh thành: Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An và Quảng Bình. Mảnh xương sọ còn rất rõ vết đạn bắn xuyên qua chính là của liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch (Hải Phòng). Hình hài của anh về với quê hương chỉ là một mảnh xương sọ và một đoạn xương chày phải. Nhiều mảnh xương khác của những đồng đội anh bị vỡ, bị gãy trước khi chết do tác động của vũ khí lính Trung Quốc.
Ngày 20-11-2009, Bộ tư lệnh Hải quân đã phối hợp với Viện Pháp y quân đội tổ chức công bố kết quả giám định ADN và bàn giao cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Biểu tượng Tổ quốc ghi công làm bằng khối pha lê có chứa giọt gen ADN của mỗi liệt sĩ là ý tưởng và đề xuất của Viện Pháp y quân đội với Bộ tư lệnh Hải quân. Đó là cái tình của lãnh đạo ở Viện Pháp y quân đội với những người đã ngã xuống vì Trường Sa...
-------------------------------------------------
Kỳ tới: Đường về quê mẹ
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Những kỷ vật từ lòng biển Trường SaKỳ 2:“Vòng tròn bất tử” trên bãi Gạc MaKỳ 3:Khi tiếng súng lặng imKỳ 4: Lá thư không người nhậnKỳ 5: Cuộc tìm kiếm dưới đáy biển Gạc MaKỳ 6: Ngày trở về...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận