24/10/2022 11:07 GMT+7

Trường nhiều cơ sở, sinh viên mướt mồ hôi vượt hàng chục cây số đi học

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Nhiều trường đại học ở TP.HCM có nhiều cơ sở, có cơ sở rất xa, nên sinh viên đi học không hề dễ dàng. Có sinh viên nhà ở TP Thủ Đức, mỗi ngày đi về 70 cây số...

Trường nhiều cơ sở, sinh viên mướt mồ hôi vượt hàng chục cây số đi học - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM đi học bằng xe buýt - Ảnh: H.C.

Tôi ở Gò Vấp nên phải chạy xe đến cơ sở quận 10 của trường gửi xe, sau đó đi xe buýt khởi hành lúc 6h25. Buổi sáng các con đường từ Gò Vấp về trung tâm thành phố thường kẹt xe nên nhiều bữa bị trễ chuyến, phải chạy xe máy qua Bình Chánh để kịp giờ học. Lúc đầu chưa quen đường nên chạy xe bị lạc, trễ giờ học. Sau này có thêm điểm đón tại Đầm Sen, quận 11 thì đỡ hơn.

Một sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Đi học hàng chục cây số

Từ năm học này, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM đưa vào sử dụng cơ sở tại huyện Hóc Môn. Vì cơ sở mới rất xa nội thành nên trường bố trí xe buýt đưa đón sinh viên miễn phí.

Các điểm đón sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM đặt tại khu vực Văn Thánh (quận Bình Thạnh), công viên Lê Thị Riêng (quận 10), nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) và công viên Gia Định (quận Gò Vấp). 

Tại mỗi trạm, trường hợp đồng với các khu vực này tổ chức giữ xe gắn máy cho sinh viên với giá 5.000 đồng/lượt. Sinh viên phải đăng ký với trường mới được sử dụng xe đưa rước miễn phí.

Thời gian đầu, giờ xuất bến chuyến đầu tiên là 5h50, chuyến về cuối cùng lúc 16h30. Sau nhiều phản ảnh của sinh viên về thời gian xuất bến quá sớm trong khi 7h30 mới vào học, trường hiện điều chỉnh giờ xuất bến chuyến đầu tiên lên 6h10, chuyến trễ nhất 6h25. 

Dù thời gian đã được điều chỉnh trễ hơn 20 phút so với trước đây nhưng sinh viên cũng gặp không ít chuyện dở khóc dở cười.

T.T.H., sinh viên năm 2, cho biết nhà gần ngã tư Thủ Đức nên 5h sáng phải thức dậy, vệ sinh, sau đó chạy xe máy lên khu vực Văn Thánh để chuẩn bị lên xe về Hóc Môn học. Khoảng cách từ nhà của H. đến trường tại Hóc Môn khoảng 35km.

"Năm trước học tại cơ sở quận 10 thuận lợi hơn rất nhiều, 6h30 chạy xe gắn máy đi học khá thoải mái. Cơ sở mới quá xa nên không thể tự đi xe máy được vì nguy hiểm nên phải chọn đi xe của trường, nhưng như vậy thì rất mệt. 

Tôi bị say xe nên thời gian đầu tới trường hầu như không học được gì. Bữa nào học buổi chiều, gặp kẹt xe thì hơn 19h mới về tới nhà dù tan học từ hơn 16h. Nhiều bữa về trễ không kịp đi học tiếng Anh ở trung tâm hoặc không đi học nổi nữa" - H. cho hay.

Cũng ở tại Thủ Đức nhưng V.N.S. chấp nhận làm "phượt thủ", hằng ngày đi về khoảng 70km để tự chủ thời gian.

Đi xe đưa đón an toàn nhưng cũng gặp vô vàn trắc trở. Một sinh viên cho biết thông thường một buổi sẽ học hai môn, nhưng từ khi chuyển về Hóc Môn, môn học trong 14 tuần được ép xuống học 7 tuần nên hầu như mỗi buổi học liên tục một môn. 

"Theo quy định của trường, chuyến xe cuối cùng đưa sinh viên từ trạm là 16h30, nhưng cũng có quy định giảng viên không được cho sinh viên ra khỏi lớp học quá sớm dù đã học xong. Do đó, khi đến thời gian ra về, rất đông sinh viên túa ra cùng lúc. 

Trường có 9 - 10 tầng, nhiều bạn không chờ được thang máy vội đi thang bộ nhưng thang bộ cũng rất đông. Có bạn không ra kịp chuyến xe cuối cùng, phải thuê xe công nghệ để về" - sinh viên này nói thêm.

Một số trường đại học khác cũng bố trí xe buýt đưa đón người học nhưng ở phạm vi khá hẹp. Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có dịch vụ "Shuttle Bus UEH" đưa sinh viên từ các cơ sở của trường ở quận 10, 1, 5 về cơ sở mới ở huyện Bình Chánh. Giá vé mỗi lượt 10.000 đồng. 

Trường ĐH FPT cũng tổ chức xe đưa đón sinh viên nhưng chỉ loanh quanh khu vực gần trường, chưa thực sự hỗ trợ được cho những sinh viên ở xa.

Sáng học quận 12, chiều quận 1

Một số trường đại học có nhiều cơ sở cách xa nhau nên đôi khi sinh viên lâm vào cảnh sáng học chỗ này chiều học chỗ kia, cách xa nhau cả chục cây số. Một sinh viên Trường ĐH Hoa Sen cho biết đa số các môn học tại cơ sở Quang Trung (quận 12). Tuy nhiên cũng có môn phải về quận 1 học. 

V.T.L. cho biết vì đa số môn học tại quận 12 nên thuê nhà gần đó để đi học cho tiện. Đôi khi vừa học xong buổi sáng ở quận 12 đã tức tốc chạy về quận 1 cách đó hơn 10km để kịp học ca chiều. 

Tương tự, không ít sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing sáng học tại quận 7, chiều lại di chuyển về Thủ Đức để tiếp tục học ca chiều.

Ông Huỳnh Thế Nguyễn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết về nguyên tắc, các chương trình hay ngành học được xếp học tập cố định ở một cơ sở. Tuy nhiên có trường hợp sinh viên học vượt, học lại hoặc thích môn học, giảng viên mà cơ sở mình đang học không mở lớp nên chọn ở cơ sở khác. Do đó có tình trạng sinh viên phải chạy nhiều cơ sở để học.

Tương tự, đại diện Trường ĐH Hoa Sen cho biết mỗi môn học được mở trong học kỳ đều được bố trí ở các cơ sở. Tuy nhiên có thể sinh viên đăng ký chậm, hết lớp ở cơ sở đang học nên phải chấp nhận học ở cơ sở khác. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sáng học quận 12 chiều học quận 1, đi lại vất vả.

"Tại cơ sở Quang Trung, trường không xếp học ca tối do việc đi lại có thể khó khăn. Dự kiến sắp tới trường sẽ thu xếp để bố trí cho toàn bộ sinh viên học tại các cơ sở của trường ở quận 1, 3 và 10. Như vậy việc đi lại của các bạn sẽ thuận tiện hơn, dù học khác cơ sở nhưng cũng không phải đi lại quá xa" - vị này cho hay.

Điều chỉnh để thuận lợi cho sinh viên

Các trường đã có những điều chỉnh, bổ sung để thuận lợi hơn cho sinh viên. Trong đó, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM bố trí thời gian xe khởi hành buổi sáng trễ hơn, thêm các chuyến xe về giữa buổi để sinh viên không phải chờ đợi quá lâu.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đương - giám đốc Trung tâm chăm sóc người học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết do nhu cầu sử dụng xe buýt lớn và cũng để thuận lợi hơn cho người học, trường bố trí thêm xe và điểm đón tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) và Đầm Sen (quận 11).

Với trẻ, đi học sớm là tra tấn Với trẻ, đi học sớm là tra tấn

TTO - Tình trạng trẻ em phải thức dậy từ tờ mờ sáng, vội vàng vệ sinh cá nhân, không kịp ăn sáng rồi đi học khi vẫn còn ngái ngủ đã và đang diễn ra ở nhiều nơi.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên