13/09/2013 06:15 GMT+7

Trường "nghèo" nằm cạnh trường "giàu"

LƯU TRANG - HOÀNG HƯƠNG
LƯU TRANG - HOÀNG HƯƠNG

TT - Chuyện khó tin nhưng có thật: hai ngôi trường nằm cạnh nhau và cùng ở trung tâm Q.1, TP.HCM. Một ngôi trường khang trang, diện tích 5.000m2 và có cả... thang máy nằm cạnh một ngôi trường có diện tích 400m2 cũ kỹ, thiếu sân chơi, phòng học phải ngăn bằng vách tạm.

8xNTPAiP.jpgPhóng to
Một phòng học tại Trường tiểu học Trần Quang Khải, Q.1 được ngăn đôi bằng vách chia thành hai phòng - Ảnh: L.Trang

Mùa tuyển sinh, trong khi ngôi trường lớn quá tải học sinh thì ở ngôi trường nhỏ hàng chục phụ huynh không đưa con đến nhập trường. Không chỉ ở Q.1, nhiều quận khác trong trung tâm thành phố cũng có những câu chuyện tương tự...

Xem video clip tại đây

Nghịch lý giữa lòng thành phố

Vào mỗi mùa tuyển sinh, những ngôi trường ở Q.1, quận trung tâm của TP.HCM, luôn là niềm ao ước của các bậc phụ huynh. Những cái tên như tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng, Lê Ngọc Hân, Trần Hưng Đạo... thường được gọi là “trường điểm”, nằm ở các khu đất vàng của Q.1, với cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, thường quá tải hồ sơ xin học. Nhưng với Trường tiểu học Trần Quang Khải thì mọi chuyện đều ngược lại.

Được xây dựng từ trước năm 1975 với diện tích chưa đến 400m2, cũ kỹ và nhỏ hẹp, chật chội và thiếu sân chơi, ngôi trường nằm chen chúc giữa khu dân cư ở chân cầu Hoàng Hoa Thám này đã tồn tại hàng chục năm nay dù không đạt tiêu chuẩn của một ngôi trường. Với khoảng sân trường quá hạn hẹp - chỉ chưa đầy 100m2, mọi hoạt động của nhà trường đều theo kiểu luân phiên, chắp vá. Những ngày lễ lớn trong năm như khai giảng, chỉ có một nửa số học sinh được tham gia, số còn lại phải ở nhà vì không có chỗ để xếp hàng! Mỗi ngày chỉ có một khối lớp được tập thể dục giữa giờ vì không đủ chỗ. Việc học thể dục cũng phải chia ca. Chỉ có 10 lớp nhưng vẫn không đủ phòng học. Mỗi phòng học được ngăn đôi bằng bức vách. Lối đi lên những phòng học được ngăn thêm chỉ đủ một người bước qua.

Phụ huynh ở địa bàn này chủ yếu là người lao động, buôn thúng bán bưng. Theo phân tuyến của ngành giáo dục Q.1, trường nhận học sinh của khu phố 5, 6, P.Tân Định và một số khu phố của P.Đa Kao. Tuy nhiên, không ít học sinh trong tuyến này đã nộp hồ sơ nhưng sau đó xin rút để “chạy” sang trường khác vì chê cơ sở vật chất của trường. Vài năm nay, số lớp của toàn trường chỉ dao động trong khoảng 10 lớp với số học sinh trên dưới 300 em. Năm học mới này trường có tất cả 10 lớp với tổng cộng 346 học sinh, tính ra vẫn còn ít hơn số học sinh của chỉ riêng khối 1 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng cùng địa bàn tuyển sinh và ở cách đó không xa.

Trong khi rất nhiều trường tiểu học khác ở Q.1 quá tải học sinh, sĩ số cao, phụ huynh tìm mọi cách, huy động mọi mối quan hệ, thậm chí tiền bạc, để xin học cho con thì ở Trường Trần Quang Khải chỉ vỏn vẹn 75 học sinh xin vào lớp 1, ít hơn chỉ tiêu 5 em. Thầy Lê Công Minh, hiệu trưởng nhà trường, sau chín năm làm việc tại ngôi trường này ngậm ngùi: “Nhiều phụ huynh đã đi một vòng xem cơ sở vật chất của trường rồi lặng lẽ ra về và không quay lại. Đầu năm số hồ sơ vào lớp 1 là hơn 100 nhưng phụ huynh cứ rút dần, chỉ còn 75 em”. Và dù ngôi trường này có chất lượng dạy học không thua kém bất cứ trường tiểu học nào trên địa bàn thành phố, phụ huynh vẫn ngại ngần khi đến tham quan cơ sở vật chất quá đỗi nghèo nàn của trường.

Cách Trường Trần Quang Khải chỉ chưa đầy 1km, một ngôi trường mới xây dựng khang trang và rộng rãi bậc nhất thành phố đang tọa lạc. Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng với diện tích gần 5.000m2 nằm ở vị trí thoáng mát trên đường Đinh Tiên Hoàng với hơn 30 phòng học và phòng chức năng được trang bị đầy đủ phương tiện nghe nhìn, hội trường rộng gần 200m2, hai thang máy, sân trường đầy bóng cây xanh, đủ chỗ cho mọi sinh hoạt, lễ hội và các hoạt động giáo dục khác. Ngôi trường này vừa được cải tạo, xây dựng mới với quy mô một trệt ba lầu, tổng kinh phí hơn 52 tỉ đồng.

Ông Lê Công Minh tâm tư: cùng một địa bàn trung tâm thành phố nhưng môi trường học tập của con em quá khác xa nhau. Chuyện ngôi trường Trần Quang Khải nghèo nàn, xập xệ đã tồn tại nhiều năm nay và được các ban ngành quan tâm, song để mở rộng, nâng cấp hay xây mới ngôi trường này không phải là chuyện ngày một ngày hai bởi ở Q.1 tấc đất là tấc vàng.

nMeZuf7w.jpgPhóng to
Cách đó không xa, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1 trong ngôi trường mới - Ảnh: Như Hùng

“Kẻ ăn không hết, người lần không ra”

Tương tự ở Q.Phú Nhuận, cùng nằm trên địa bàn P.12 nhưng hai trường tiểu học Nguyễn Đình Chính và Vạn Tường là một trời một vực. Trong khi Trường Nguyễn Đình Chính có cơ ngơi khang trang, sân chơi, phòng ốc rộng rãi thì Trường Vạn Tường rất khiêm tốn về mọi mặt. Với hai cơ sở thuộc dạng nhỏ, lẻ, cơ sở 1 của Vạn Tường là nơi tổ chức những hoạt động lớn của trường thì sân chơi chỉ rộng hơn... hành lang của nhiều trường tiểu học khác. Các phòng học chỉ có diện tích 30m2/phòng. Theo thầy Cún Thế Quốc - hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Tường: “Cơ sở 1 đã xây dựng từ rất lâu mà cũng không đúng quy cách vì trước kia là doanh trại quân đội, sau giải phóng nhà trường tiếp nhận và cải tạo phòng ở thành phòng học”.

Tuy chất lượng giáo dục ở Vạn Tường không thua kém các trường nổi tiếng khác: có giáo viên giỏi cấp quốc gia, có giáo viên giỏi cấp thành phố, cấp quận, năm học vừa rồi tập thể sư phạm của trường được UBND TP tặng bằng khen “tập thể lao động xuất sắc”, hằng năm tỉ lệ học sinh giỏi đạt hơn 80% nhưng vẫn không thu hút được học sinh vào học. “Năm học 2013-2014, Phòng GD-ĐT quận phân tuyến cho trường 128 học sinh lớp 1 nhưng chỉ có 83 em vào học. Những năm trước cũng vậy, tỉ lệ tuyển sinh của trường chỉ đạt 75-80% so với chỉ tiêu” - thầy Quốc cho biết. Bởi trong cùng một phường, hai trường chỉ cách nhau vài bước chân, đa số phụ huynh đều có nguyện vọng xin cho con chuyển sang học tại Trường Nguyễn Đình Chính. Cũng không khó hiểu khi sĩ số học sinh ở Trường Nguyễn Đình Chính có lớp trên 50 học sinh thì ở Vạn Tường chỉ có 27 học sinh/lớp. Có phụ huynh đến gặp chúng tôi thắc mắc: “Tại sao hai bé cùng ở đường Trần Huy Liệu, trong khi bé nhà đối diện được vào lớp 1 Trường Nguyễn Đình Chính còn con tôi phải vào Trường Vạn Tường?”.

Tình trạng trên cũng diễn ra ở Q.3: học sinh cùng ở P.7 nhưng một số được phân tuyến vào học tại Trường Kỳ Đồng (ngôi trường nhiều học sinh mơ ước) trong khi số học sinh khác bị phân tuyến về Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền - ngôi trường đang gặp nhiều khó khăn, ngay cả bàn ghế hư cũng không có kinh phí để thay thế. Ở P.26, Q.Bình Thạnh cũng vậy, chỉ một số học sinh được vào Trường tiểu học Chu Văn An (trường chuẩn quốc gia với sĩ số thấp, khuôn viên khang trang), số còn lại phải vào Trường tiểu học Tầm Vu ở gần đó với cơ sở vật chất thiếu thốn hơn, chật hẹp hơn và sĩ số học sinh cao hơn nhiều. Chưa nói đến chất lượng dạy học, chỉ riêng chuyện cơ sở vật chất đã biến Chu Văn An thành ngôi trường điểm đáng mơ ước của mọi phụ huynh sống trên địa bàn.

Chị Thu Thủy - phụ huynh ở khu phố 5, P.26, Q.Bình Thạnh, có con học lớp 4 Trường tiểu học Tầm Vu - cho biết: “Nhìn ngôi trường chuẩn cũng ham lắm, nhưng mình phải cho con đi học theo phân tuyến của ngành giáo dục. Nhiều người cũng khuyên tôi chạy trường và tôi cũng không ít lần đắn đo khi thấy điều kiện học tập của hai ngôi trường rõ ràng chênh lệch nhau rất nhiều, nhưng rồi cũng chấp nhận và may mắn là cháu được học với các giáo viên giỏi và kết quả học tập khá tốt nên dần dần tôi cũng không so sánh hai trường nữa”.

Trường mới, chất lượng giáo dục tăng?

TS Ninh Văn Bình, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, thừa nhận: “Mặc dù chúng tôi đã rất nỗ lực trong việc xây dựng trường lớp, mỗi năm đều đưa vào sử dụng ít nhất hai trường mới nhưng vẫn còn một số trường có cơ sở vật chất nhỏ, lẻ, xuống cấp, không thu hút được học sinh. Trường Vạn Tường là một ví dụ mặc dù chất lượng giảng dạy không thua kém các trường khác”.

TS Ninh Văn Bình khẳng định: “Kinh nghiệm cho thấy cứ trường nào được xây dựng mới, khang trang là chất lượng giáo dục tăng lên, tạo được niềm tin nơi phụ huynh. Ví dụ: ngày xưa phụ huynh rất “ngại”, không cho con vào Trường tiểu học Hương Khê. Nhưng khi quận xây mới Trường tiểu học Hồ Văn Huê khang trang, hiện đại và cho học sinh Trường Hương Khê chuyển về. Thật ra chỉ có cái “vỏ” mới, còn vẫn ban giám hiệu, giáo viên của Hương Khê. Chỉ sau vài năm, bây giờ Trường Hồ Văn Huê là một trong những trường ”nóng” của Phú Nhuận”.

LƯU TRANG - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên