Ngay sau lễ khai giảng năm học mới, một số trường học trên địa bàn TP.HCM đã bắt đầu ghi nhận có học sinh bị đau mắt đỏ. Dù chưa thành dịch nhưng các trường đã cấp tập phòng chống.
Vệ sinh trường lớp và tuyên truyền chống dịch
Ngày 8-9, Trường tiểu học Võ Trường Toản (quận 10) đã tổng vệ sinh toàn trường sau buổi học để phòng dịch đau mắt đỏ. Bảo mẫu của các lớp phụ trách việc làm vệ sinh lớp học bằng thuốc tẩy sau khi học sinh ra về.
Trường cũng tuyên truyền cách phòng chống dịch đến phụ huynh thông qua group, nhắc nhở học sinh các biện pháp phòng tránh và các bước phòng tránh theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC)...
"Ngoài việc vệ sinh trường lớp, yêu cầu học sinh vệ sinh cá nhân sạch sẽ và tuân thủ những biện pháp phòng dịch theo chỉ dẫn y tế, nhà trường cũng lưu ý phụ huynh nếu các con bị đau mắt đỏ phải báo giáo viên và đề nghị cho học sinh nghỉ học để đến bệnh viện, tránh dịch lây lan.
Trong những ngày tới, trường tiếp tục thực hiện biện pháp phòng dịch như vậy" - bà Tạ Thị Thái, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản, cho biết.
Cũng nêu cao tinh thần cảnh giác với dịch, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11 đã triển khai những yêu cầu chống dịch đau mắt đỏ đến tất cả các trường học trong quận theo yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM.
"Thông qua bộ phận chuyên trách phụ trách y tế, các pano và yêu cầu phòng chống dịch đã triển khai đến tất cả các trường.
Chúng tôi yêu cầu các trường tuyên truyền đến phụ huynh học sinh, nhà trường thực hiện các biện pháp vệ sinh, hướng dẫn học sinh, giáo viên phòng chống dịch. Chúng tôi sẽ làm hết sức để ngăn chặn dịch đau mắt đỏ lây lan" - ông Nguyễn Trọng Hiếu, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11, khẳng định.
Gia tăng số học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ đầu năm đến ngày 31-8, tổng số ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh đau mắt đỏ 15.402 ca, chiếm 24,43%, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số trẻ em dưới 16 tuổi mắc bệnh viêm kết mạc, có 288 ca biến chứng, chiếm 1,87% (cùng kỳ năm 2022 có 241 ca biến chứng, chiếm 2,3% tổng số ca bệnh).
Ngày 6-9, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP.HCM yêu cầu tăng cường các hoạt động phòng chống dịch đau mắt đỏ.
Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các sở chủ động triển khai các biện pháp phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ. Khi phát hiện học sinh có các triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm... cần hướng dẫn trẻ đi khám...
Trường hợp phát hiện ca bệnh tại lớp học cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng đồ dùng, bàn ghế học sinh. Thông tin ca bệnh cho trạm y tế để phối hợp xử lý.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh đau mắt đỏ đến phụ huynh, học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường.
8 biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ:
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch
2. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng
3. Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường
5. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh
6. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh đau mắt đỏ
7. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác
8. Người có dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
(Nguồn: HCDC)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận