Ngay sau buổi thi môn tiếng Anh, cô Trương Huỳnh Anh Thy - giáo viên dạy tiếng Anh Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa, An Giang - giải bài thi cho các thí sinh ngay trước cổng điểm thi - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trao đổi với Tuổi Trẻ, hiệu trưởng, hiệu phó của một số trường ĐH tại TP.HCM cho biết sự nghiêm túc, khách quan của kỳ thi đến thời điểm này khiến họ yên tâm trong đợt xét tuyển sắp tới.
* PGS.TS Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):
Đề thi quá chuẩn
Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay quá chuẩn. Trước tiên, mức độ khó của đề hoàn toàn phù hợp với việc xét tốt nghiệp. Cần lưu ý, các em học sinh lớp 12 đã trải qua một năm học cực kỳ khó khăn vì dịch COVID-19 nên đề thi cũng phải phù hợp với điều kiện học tập thời gian qua.
Với đề thi tổ hợp môn khoa học xã hội, thí sinh cho biết năm nay khó lấy điểm cao. Đề môn toán hoàn toàn giúp phân loại thí sinh qua các câu khó.
Một số ý kiến lo ngại đề thi năm nay nhẹ nhàng nên các trường ĐH không yên tâm xét tuyển. Tôi cho rằng đề khó hay dễ cỡ nào cũng xét tuyển vào ĐH được. Đề khó điểm chuẩn 24-25, đề dễ sẽ là 29-30 điểm.
* TS Trần Đình Lý (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):
Rất yên tâm
Trực tiếp tham gia kiểm tra công tác kỳ thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Đắk Nông và theo dõi thông tin kỳ thi trên cả nước, tôi thấy các bộ phận tham gia làm công tác thi đều nghiêm túc và rất có trách nhiệm.
Thật ra, mọi người đều hồi hộp vì kỳ thi diễn ra đúng lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng ta đều thở phào nhẹ nhõm vì kỳ thi được tổ chức chu đáo, tuân thủ cả về quy chế thi và quy định nghiêm ngặt về y tế.
Thí sinh hài lòng với mục tiêu của mình, cả những em chỉ để xét tốt nghiệp và cả những em hướng đến mục tiêu vào ĐH.
Về đề thi, giáo viên THPT, chuyên gia, trường ĐH đều đánh giá tốt. Với sự phân hóa đề thi, nhiều giảng viên ĐH có chuyên môn sâu đánh giá cao sự tin tưởng về kết quả, độ khó, phân hóa nên các trường ĐH rất yên tâm cho việc xét tuyển. Kết quả cuối cùng chắc chắn còn chờ sau khi chấm, tuy nhiên giới chuyên môn đánh giá trường tốp trên cũng sẽ thuận tiện khi chọn thí sinh giỏi.
* PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến):
Giám sát kỳ thi rất chặt chẽ
Qua thực tế tham gia kiểm tra công tác kỳ thi tốt nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp, tôi nhận thấy kỳ thi tổ chức khá nghiêm túc. Đặc biệt, khâu đảm bảo an toàn dịch bệnh được thực hiện kỹ càng. Tại các địa phương chưa có ca nhiễm COVID-19 nên mọi việc diễn ra tương đối bình thường, thí sinh không quá lo lắng.
Kỳ thi năm nay giao trách nhiệm toàn diện cho địa phương nhưng diễn ra nghiêm túc vì với việc tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra đến từ các trường ĐH, toàn bộ các khâu của kỳ thi vừa qua được làm rất chặt chẽ. Nếu khâu chấm thi tiếp tục được làm tốt như các khâu trước đó, kết quả của kỳ thi này hoàn toàn đảm bảo tính nghiêm túc.
Điều tôi băn khoăn là các thí sinh thi đợt 2 chưa biết sẽ tổ chức thế nào vì hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là các địa phương đang là tâm dịch. Các thí sinh diện F1, F2 vẫn đang cách ly nên ảnh hưởng nhiều đến tâm lý thi cử sắp tới của các em. Quan trọng hơn nữa là đến nay vẫn chưa thể xác định được thời gian tổ chức thi đợt 2. Do vậy, theo tôi, Bộ GD-ĐT có thể tính đến việc xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho tất cả thí sinh này, đồng thời chỉ đạo các trường ĐH có cách xét tuyển phù hợp đảm bảo quyền lợi của các em.
Kỳ thi được chuẩn bị rất kỹ
Đây chắc chắn là kỳ thi đặc biệt nhất trong lịch sử khoa cử nước nhà. Thực tế tại các điểm thi trên cả nước cho thấy sự làm việc đầy trách nhiệm, kỹ lưỡng của từng người tham gia công tác thi và tinh thần, tâm thế hào hứng, tự tin của thí sinh. Kỳ thi đặc biệt này cũng để lại những dấu ấn đặc biệt, chẳng hạn như cả xã hội cùng chung tay chăm lo cho kỳ thi.
Qua đó thể hiện tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ yêu thương, tạo sự hiểu biết và gắn kết nhau hơn; sự nghiệp giáo dục càng được thấu hiểu và quan tâm nhiều hơn. Còn đối với từng cá nhân thí sinh và những người tham gia công tác thi sẽ mang theo những kỷ niệm khó phai trong đời. Kỳ thi kết thúc tốt đẹp phần nào đã làm an lòng những người từng phân vân, lo lắng.
Ông Lê Thắng Lợi
(phó giám đốc Trung tâm Phát triển giáo dục và đào tạo phía Nam - Bộ GD-ĐT)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận