01/10/2016 12:04 GMT+7

​Trường ĐH ngại tự chủ vì sợ 
“mất bầu sữa ngân sách”

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng "bật mí" khi bắt đầu triển khai tự chủ ĐH, trong số 14 trường đầu tiên thí điểm tự chủ thì chính Phó thủ tướng cũng phải thuyết phục nhiều lần.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu - Ảnh: NGỌC HÀ
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu - Ảnh: NGỌC HÀ

 

“Hãy bỏ trong đầu nỗi sợ nếu tiến hành tự chủ thì không còn được đầu tư từ ngân sách. Tôi khẳng định tới tất cả các hiệu trưởng, lãnh đạo các trường rằng tự chủ ĐH không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư cho các trường nữa, mà là thay đổi cách đầu tư

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Tự nhận ban đầu dự kiến chỉ tham gia để phát biểu mang tính chào mừng, nghi lễ, nhưng cuối cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam quyết định tham gia hội thảo “Tự chủ ĐH và trách nhiệm xã hội” do Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực và Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức ngày 30-9 bằng một bài tham luận mở đầu hội thảo.

Bài tham luận đặc biệt kéo dài chừng 30 phút của Phó thủ tướng đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của 300 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ trên cả nước.

Phó thủ tướng cho rằng quyết tâm giao tự chủ cho trường ĐH đã xuất hiện từ thời điểm thành lập hai ĐH quốc gia từ hơn 20 năm trước, chứ không phải chỉ đến khi Bộ GD-ĐT giao thí điểm tự chủ về tài chính cho bốn trường ĐH 10 năm trước.

Phó thủ tướng nhớ lại thời điểm thành lập ĐH Quốc gia Hà Nội năm 1994 và ĐH Quốc gia TP.HCM năm 1995, dù hai cơ sở đào tạo này không phải cơ quan quản lý nhà nước nhưng vẫn được Thủ tướng Chính phủ giao con dấu có quốc huy.

“Lúc đó, tôi được chứng kiến sự trăn trở của Phó thủ tướng Nguyễn Khánh khi đưa ra quyết định này vì biết trao con dấu quốc huy cho hai ĐH quốc gia là không chuẩn mực, nhưng vì mong muốn một mô hình ĐH tự chủ...” - ông Đam kể.

Lo bị cắt đầu tư từ “bầu sữa ngân sách”

Tự chủ ĐH không chỉ khó trong triển khai, mà vướng ngay từ giai đoạn tiếp cận. GS Trần Hồng Quân - chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - khẳng định câu chuyện tự chủ ĐH không lạ trên thế giới, nhưng “chưa quen ở nước ta”.

Theo đó, ở các nước không có vấn đề nên hay không nên, mà coi đó là một thuộc tính của giáo dục ĐH, đã được quy định thành luật pháp, chỉ còn lại vấn đề là “nên tự chủ thế nào để có hiệu quả”.

Còn ở Việt Nam thì “vừa phải thuyết phục nhau là nên thực hiện tự chủ ĐH, vừa phải nghiên cứu cách thức phù hợp với hoàn cảnh và thể chế chính trị - kinh tế”.

Theo GS Quân, nền giáo dục ĐH nước ta vốn được hình thành và hoạt động trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trong thời gian rất dài, nên ban đầu chỉ thành lập các trường công lập với cách quản lý tập trung và luôn luôn được bao cấp bằng ngân sách nhà nước, tất cả nhân lực của nhà trường đều thuộc biên chế nhà nước như là... điều tự nhiên.

GS Quân nhận định đến nay, sau 30 năm thực hiện đổi mới, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp - cội nguồn của sự trì trệ trong nhiều mặt xã hội - vẫn tiếp tục ghi dấu đậm nét trong giáo dục, làm cho tự chủ ĐH chậm được xác lập.

“Phải xóa bao cấp để tránh ỷ lại, phải xóa bỏ việc nghĩ thay, làm thay để tránh dựa dẫm, phải khắc phục sự ràng buộc để tránh tình trạng các trường múa gậy trong bị, phải xóa bỏ sự tập trung ngặt nghèo để các trường có động lực tự thân và điều kiện khách quan canh tân theo hướng tối ưu cho tồn tại và phát triển...

Ngay sự tồn tại cũng không phải là đương nhiên như trước đây. Nếu mình không phấn đấu trong cuộc cạnh tranh trên thị trường dịch vụ giáo dục thì có thể không đứng vững, có thể bị sàng lọc, sáp nhập hoặc giải thể” - GS Quân nhấn mạnh.

Sự khởi động chậm trễ của tự chủ ĐH bị kéo dài suốt nhiều năm, hết vướng bởi tư duy quản lý cũ muốn “ôm” mọi thứ, muốn duy trì cơ chế xin - cho với thứ quyền lực “ngầm” trong tay cơ quan quản lý, lại vướng bởi sự chần chừ nhập cuộc từ chính các cơ sở giáo dục ĐH.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng "bật mí" khi bắt đầu triển khai tự chủ ĐH, trong số 14 trường đầu tiên thí điểm tự chủ thì chính Phó thủ tướng cũng phải thuyết phục nhiều lần.

“Chúng tôi tiếp xúc các trường và chia sẻ việc thí điểm tự chủ không chỉ là để các trường thực hiện tự chủ cho chính mình, mà còn tạo cơ sở để các trường ĐH khác thoát khỏi e ngại phải tự chủ...”, mà một trong nỗi e ngại lớn nhất của các trường là bị cắt đầu tư từ “bầu sữa ngân sách”.

Tự chủ phiến diện

Theo ông Đam, trên thế giới hay Việt Nam, tự chủ ĐH phải được hiểu đầy đủ trên nhiều phương diện về đào tạo, tài chính, nghiên cứu khoa học...

Tuy nhiên sau này, tự chủ dường như bị các trường hiểu quá lệch sang tự chủ tài chính, Nhà nước không cấp tiền cho anh nữa, không có tiền chi thường xuyên. Cách hiểu có phần phiến diện này thật ra cũng xuất phát từ chính thực tế trao quyền tự chủ ĐH giai đoạn đầu.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận mười năm trước, khi giao thí điểm tự chủ cho bốn trường ĐH đầu tiên thì chủ yếu dừng ở việc giao quyền tự chủ chi mà các trường không được tự chủ thu, không có cơ chế đặc cách nào khác về học phí so với các trường khác, cũng không có thêm quyền tự chủ nào khác, khiến các trường rất khó khăn trong thực hiện.

Sau đó khi xây dựng dự án Luật giáo dục ĐH, với mục tiêu luật hóa tự chủ ĐH, những người làm luật đã hướng đến việc xem tự chủ là một thuộc tính của giáo dục ĐH, để các trường ĐH ngay khi hình thành đã được hưởng tự chủ mà không cần xin phép ai.

Tuy nhiên với điều kiện thực tế khi đó, cuối cùng tự chủ ĐH được xác định ở những mức độ khác nhau theo năng lực của từng trường.

“Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động các trường ĐH đã tháo gỡ nhiều mắt xích quan trọng. Các trường thí điểm tự chủ theo nghị quyết này đang được trao quyền tự chủ không khác gì các ĐH quốc gia” - ông Ga nhấn mạnh.

Ông Ga cũng cho biết nghị định về tự chủ cơ sở giáo dục ĐH đang được xây dựng sẽ mở thêm nhiều quyền tự chủ, từ mở ngành, đào tạo, nhân sự, hợp tác quốc tế...

Theo đó, dự kiến cho các trường được lấy giảng viên thỉnh giảng tính như giảng viên cơ hữu trong xác định chỉ tiêu, cho phép các cán bộ viên chức đến tuổi nghỉ hưu được kéo dài thời gian làm công tác chuyên môn cũng sẽ được giao làm công tác quản lý nếu các trường tự chủ có nhu cầu và hội đồng trường bổ nhiệm.

Sinh viên năm 1 khoa kinh doanh quốc tế - marketing Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong giờ học. Đây là trường tự chủ ĐH và thu hút lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường rất lớn - Ảnh: NHƯ HÙNG
Sinh viên năm 1 khoa kinh doanh quốc tế - marketing Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong giờ học. Đây là trường tự chủ ĐH và thu hút lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường rất lớn - Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Thí sinh chọn trường vì chất lượng, không vì học phí

TS Nguyễn Trường Giang, phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), lý giải việc tăng học phí phải gắn liền với việc bù đắp chi phí đào tạo hợp lý, tăng chất lượng đào tạo và phải công khai minh bạch cơ chế thu, sử dụng học phí, chấp nhận cạnh tranh lành mạnh giữa các trường nâng cao chất lượng với mức học phí hợp lý.

Ông Giang dẫn chứng năm 2015 là năm đầu tiên các trường thực hiện phương án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, trong đó đối với sinh viên tuyển khóa học mới được áp dụng mức học phí tính đủ chi phí đào tạo cao gấp khoảng 2 lần so với mức học phí của các cơ sở ĐH chưa thực hiện đề án thí điểm.

“Đây là áp lực rất lớn đối với các trường trước thời điểm tuyển sinh, e ngại rằng với mức học phí cao so với mặt bằng chung sẽ không thu hút đủ số sinh viên cần thiết nhập học.

Tuy vậy, thực tế năm 2015 các trường đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu và điểm xét tuyển đầu vào với các trường này vẫn thuộc nhóm trường có điểm cao.

Điều này cho thấy việc tính đủ chi phí đào tạo trong học phí, nâng mức học phí so với hiện hành không phải là nhân tố quyết định đến sự lựa chọn của người học, mà chất lượng GD-ĐT do cơ sở đào tạo cung cấp mới giữ vai trò quyết định” - ông Giang phân tích.

Xóa bỏ cơ quan chủ quản

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tham gia hội thảo. GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - khẳng định cần bãi bỏ cơ chế “bộ chủ quản”, chấm dứt việc giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục ĐH, để các trường ĐH chỉ chịu sự quản lý nhà nước duy nhất của Bộ GD-ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận nghị quyết 14 của Chính phủ năm 2006 đã xác định giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, tiến tới xóa bỏ cơ quan chủ quản. Làm thay công việc cơ quan chủ quản khi đó chính là hội đồng trường, công việc còn lại, nếu có, của cơ quan quản lý trực tiếp là bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường.

“Việc tổ chức hội đồng trường như một cơ quan quyền lực thật sự, cơ quan quyền lực cao nhất của trường là băn khoăn lớn của bộ. Hiện đã có 50-60 trường thành lập hội đồng trường, nhưng hầu như đều hoạt động rất hình thức, thiếu vai trò quyết định chiến lược phát triển của trường. Vai trò đáng lý thuộc về hội đồng trường thì nay hầu như vẫn nằm trong tay ông hiệu trưởng theo tư duy quản lý cũ” - ông Ga phân tích.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên