13/08/2024 11:29 GMT+7

Trường đại học Luật Hà Nội nói gì về trường hợp ông Vương Tấn Việt chưa có bằng cấp 3?

Theo thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ.

Thượng tọa Thích Chân Quang (thứ 2 từ phải sang) nhận bằng tiến sĩ luật vào tháng 4-2022 - Ảnh: Cổng TTĐT Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Thượng tọa Thích Chân Quang (thứ 2 từ phải sang) nhận bằng tiến sĩ luật vào tháng 4-2022 - Ảnh: Cổng TTĐT Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa có văn bản báo cáo Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ về xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang).

Có bằng tiến sĩ nhưng chưa có bằng cấp ba xử lý sao?

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, sở đã phối hợp đoàn kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ gồm danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc THPT và danh sách ghi tên, ghi điểm của tất cả thí sinh dự thi khóa ngày 6-6-1989.

Kết thúc quá trình kiểm tra, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt, sinh năm 1959, như sau:

Không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.

Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.

Theo khoản 3, điều 20, thông tư 08/2021/TT-BGDDT ngày 18-3-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học quy định: "Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ".

Điểm a, khoản 3, điều 16, thông tư 23/2021/TT-BGDDT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ quy định: "Học viên vi phạm một trong các quy định sau đây sẽ bị buộc thôi học; bằng thạc sĩ nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, bảo vệ luận văn, đề án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ".

Như vậy, theo quy định pháp luật, nếu cá nhân có hành vi sử dụng bằng cấp ba giả thì người đó sẽ bị thu hồi bằng tốt nghiệp đại học và bằng thạc sĩ.

Theo khoản b, điều 21, thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28-6-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ quy định: nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện theo quy định hiện hành và trong những trường hợp sau:

- Hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm, sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo.

- Sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận án và bị hội đồng thẩm định kết luận nếu cắt bỏ những phần sao chép, trích dẫn đó thì luận án không đáp ứng yêu cầu quy định của quy chế này; luận án của nghiên cứu sinh không được hội đồng thẩm định thông qua theo quy định.

Trường đại học Luật Hà Nội nói gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 13-8 về việc xử lý bằng cử nhân và bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt được cấp tại Trường đại học Luật Hà Nội sẽ xử lý ra sao nếu bằng cấp ba là giả, ông Tô Văn Hòa, phó hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội, cho biết nhà trường sẽ thực hiện theo kết luận, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Trước đó, Trường đại học Luật Hà Nội chính thức thông tin về quá trình đào tạo tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt (tức thượng tọa Thích Chân Quang).

Theo Trường đại học Luật Hà Nội, học viên Vương Tấn Việt sinh năm 1959, trước khi dự tuyển nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh năm 2001 tại Trường đại học Ngoại ngữ (nay là Trường đại học Hà Nội); tốt nghiệp đại học ngành luật năm 2019 tại Trường đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2, hệ vừa làm vừa học).

Về thời gian đào tạo tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, theo Trường đại học Luật Hà Nội, nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo. 

Luận án của nghiên cứu sinh được đơn vị chuyên môn đề nghị được đánh giá ở hội đồng đánh giá luận án cấp trường; luận án của nghiên cứu sinh được các phản biện độc lập tán thành.

Ngày 3-10-2021, nghiên cứu sinh có đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo. Đơn đề nghị được bảo vệ luận án cấp trường và được nhà trường đồng ý (theo quy định của thông tư 08/2017 và quyết định 261/QĐ-ĐHLHN - không quy định cụ thể thời gian đào tạo được rút ngắn tối thiểu và tối đa).

Ngày 1-11-2021, trường ban hành quyết định về thành lập hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt.

Ngày 9-12-2021, nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án cấp trường; ngày 17-3-2022, nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ.

Trường đại học Luật Hà Nội lên tiếng về việc học tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân QuangTrường đại học Luật Hà Nội lên tiếng về việc học tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân Quang

Chiều 25-6, Trường đại học Luật Hà Nội chính thức thông tin về quá trình đào tạo tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt (tức thượng tọa Thích Chân Quang).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên