30/08/2015 10:20 GMT+7

Trường dạy xiếc ở trại tị nạn Za’atari

D.KIM THOA , (THEO HUFFINGTON POST)
D.KIM THOA , (THEO HUFFINGTON POST)

TT -  Không chỉ dạy xiếc, trường còn giúp những đứa trẻ bất hạnh sớm phải ly hương đủ bản lĩnh đương đầu với thảm kịch chiến tranh và loạn lạc.

Ngôi trường đặc biệt này được mở ngay tại khu trại tị nạn lớn nhất ở Trung Đông. 

Các học viên tập luyện tại trường xiếc mở tại trại tập trung Za’atari - Ảnh: Huffington Post
Các học viên tập luyện tại trường xiếc mở tại trại tập trung Za’atari - Ảnh: Huffington Post

Khi anh Mohammad Qusam Ghouzlan cùng gia đình di tản từ Syria tới trại tị nạn Za’atari ở miền bắc Jordan, anh đã nghĩ mình chỉ phải ở lại đó vài ngày.

Hai năm rưỡi sau đó trôi qua, Ghouzlan hiểu mọi sự không đơn giản như vậy. Tuy nhiên anh đã tìm ra cách thức tích cực để giúp bản thân và những người khác được bận rộn và luôn lạc quan. Điều đó thật cần khi nghĩ về tương lai ở nơi được xem là trại tị nạn lớn nhất Trung Đông.

Vốn mê xiếc từ nhỏ, nên khi biết có một trường xiếc do tổ chức phi lợi nhuận Sirkus Magenta của Phần Lan hoạt động tại trại tị nạn, Ghouzlan đã tham gia ngay.

Tổ chức của Phần Lan đã hỗ trợ nội dung đào tạo cho Ghouzlan, còn nhiệm vụ của anh là nỗ lực hết mình để làm chủ các kỹ thuật biểu diễn xiếc. Thời gian đầu anh học mỗi ngày sáu tiếng, và cứ nỗ lực kiên trì như thế cho tới khi chính anh trở thành một trong những giảng viên đào tạo xiếc tại trại tị nạn.

Bây giờ, mỗi ngày anh Ghouzlan hướng dẫn các em nhỏ những bài tập kỹ thuật tại các lớp học. Bắt đầu từ phần khởi động, tới những phép tắc quy định trong bộ môn xiếc, cách biểu thị lòng tôn trọng với những người cộng sự và giáo viên hướng dẫn.

Cuối cùng, các em sẽ được thực hành những động tác kỹ thuật biểu diễn xiếc. Mỗi buổi học như vậy thường kéo dài khoảng 1 giờ 45 phút.

Các học viên của anh Ghouzlan đều rất phấn khởi khi được học hỏi kỹ thuật vận động mới, đặc biệt là vận động trên không - một bộ kỹ năng đặc biệt khó. Thầy giáo Ghouzlan cho rằng các em còn gặt hái thêm được nhiều điều hơn thế khi rời lớp học.

Anh nói: “Lớp học xiếc còn là nơi thuận tiện để tôi dạy các em biết tôn trọng người khác, không đánh giá thấp năng lực của họ và biết sẵn lòng hỗ trợ mọi người”.

Cũng theo anh, những em nhỏ tham gia lớp học khi kết thúc khóa đào tạo đều có thái độ lạc quan hơn về bản thân mình. Các em học được sự tôn trọng lẫn nhau khi có thể san sẻ bớt căng thẳng và cả nỗi bi kịch trong những ngày sống tại trại tị nạn.

Lớp học đã giúp các em sống lành mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp các em tránh xa bạo lực, nghiệp ngập và nhiều thứ không lành mạnh khác. Rèn luyện xiếc cũng giúp các em tăng khả năng tập trung khi trở lại các lớp học văn hóa. Những kết quả đó rõ ràng đã được mọi người ghi nhận.

Anh Ghouzlan kể: “Hồi mới mở trường, mọi người không chấp nhận vì cho rằng đó là một việc mất thời gian, vô ích, nhưng nay nó đã được chấp nhận. Tôi rất vui khi nói rằng cách nhìn nhận của họ đã chuyển từ tiêu cực sang tích cực, và chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ cả từ phía học viên lẫn mọi người ở trại tị nạn Za’atari”.

Trong tương lai, anh Ghouzlan hi vọng có thể trở về quê nhà, mở trường dạy xiếc ngay chính tại đất nước Syria. Và khi đó anh có thể được biểu diễn xiếc cả ở trong và ngoài nước mình.

Anh nói: “Hiện tại ở Syria chưa có rạp xiếc nào và chắc chắn nó sẽ là một trải nghiệm mới thú vị để mọi người dân Syria có dịp khám phá và thưởng thức”.

 

D.KIM THOA , (THEO HUFFINGTON POST)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên