27/02/2023 14:00 GMT+7

Trường đại học Tây Nguyên: 'Vườn ươm' tri thức cho đại ngàn

TRUNG TÂN
và 1 tác giả khác

Hơn 45 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Tây Nguyên trở thành 'vườn ươm' tri thức cho đại ngàn Tây Nguyên...

Một góc khuôn viên Trường đại học Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Ảnh: TRUNG TÂN

Một góc khuôn viên Trường đại học Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Ảnh: TRUNG TÂN

Có hàng vạn trí thức từ Trường đại học Tây Nguyên được đưa về các buôn làng để đào tạo đội ngũ trẻ hiểu biết kế cận.  

Trường Đại học Tây Nguyên thực sự là "vườn ươm" tri thức cho đại ngàn Tây Nguyên.

Vừa bước chân đến sân trường, tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh Trường Đại học Tây Nguyên Nguyễn Thị Phương Thảo (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) vỡ òa cảm xúc khi thấy khuôn viên trường rộng hơn sức tưởng tượng. 

Môi trường lý tưởng để trải nghiệm, sáng tạo

"Nhà mình nghèo lắm nhưng cả gia đình 7 chị em gái đều vào đại học. Mình là con út nên quyết tâm bằng các chị và luôn ước một ngày được đặt chân đến giảng đường Trường ĐH Tây Nguyên. Thật hạnh phúc khi ước mơ thuở bé nay đã thành sự thật", Thảo hãnh diện.

Cán bộ tuyển sinh Trường đại học Tây Nguyên giới thiệu các ngành học cho học sinh trong Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của Báo Tuổi Trẻ tháng 2-2023 tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) - Ảnh: TRUNG TÂN

Cán bộ tuyển sinh Trường đại học Tây Nguyên giới thiệu các ngành học cho học sinh trong Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của Báo Tuổi Trẻ tháng 2-2023 tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) - Ảnh: TRUNG TÂN

Với niềm vui vô bờ bến, cô tân sinh viên dẫn chúng tôi "khám phá Trường ĐH Tây Nguyên". Thảo kể, ban đầu trường chỉ có 6 chuyên ngành đào tạo của 4 khoa là Sư phạm, Y dược, Nông nghiêp và Lâm nghiệp. Đây là những ngành nòng cốt để chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa về các vùng sâu, vùng xa để ươm chữ, ươm cây, tạo quả ngọt. 

Hiện nay Trường ĐH Tây Nguyên có lợi thế diện tích khoảng 30ha với nhiều dãy nhà làm giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu, ký túc xá, thư viện, bệnh viện đa khoa Tây Nguyên… 

 "Với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, sinh viên tại trường sau giờ học được tham gia nhiều hoạt động rất thoải mái. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để sinh viên tập trung học tập, trau dồi tri thức", Thảo khoe.

TS Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên

Có những ngành học nghe tên không "hot" nhưng cơ hội rất lớn. Việc có thành công hay không ở ngành học nào đó còn phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của sinh viên. Trường đại học chỉ là chìa khóa, nơi cung cấp kiến thức, tạo điều kiện cho sinh viên được nghiên cứu, trải nghiệm, sáng tạo. Muốn mở khóa cuộc đời, con đường đó sinh viên vẫn phải tự đi. Thực tế, trong hành trình ươm mầm của mình, Trường ĐH Tây Nguyên đã tạo ra hàng vạn cán bộ, giáo viên ở các buôn làng và nhiều thế hệ đã thành công, thành danh.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên cho biết nhiệm vụ khi mới thành lập trường là nhằm đào tạo cán bộ có trình độ đại học phục vụ yêu cầu phát triển toàn vùng Tây Nguyên. Việc thành lập trường là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. 

Trường đại học Tây Nguyên tạo mọi điều kiện để sinh viên nghiên cứu, trải nghiệm - Ảnh: TRUNG TÂN

Trường đại học Tây Nguyên tạo mọi điều kiện để sinh viên nghiên cứu, trải nghiệm - Ảnh: TRUNG TÂN

Từ 6 ngành đào tạo, nay trường có 42 mã ngành đại học, cao đẳng hệ chính quy. Hiện trường có hơn 35.000 tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, giáo viên được đào tạo. 

Đặc biệt trong đó có hơn 7.000 cán bộ người dân tộc thiểu số đã góp công, góp sức xây dựng các địa phương.

"Đến năm 2030, trường là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mang tầm quốc gia trong nhiều lĩnh vực. Người học sau khi tốt nghiệp có trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội", tiến sĩ Trúc cho biết.

Trường đại học Tây Nguyên là điểm đến của rất nhiều học sinh trong vùng, khu vực lân cận - Ảnh: TRUNG TÂN

Trường đại học Tây Nguyên là điểm đến của rất nhiều học sinh trong vùng, khu vực lân cận - Ảnh: TRUNG TÂN

Tiếp tục đổi mới vì sinh viên

Từ ngôi trường chỉ với 6 khoa, cơ sở vật chất nhỏ bé khi mới thành lập năm 1977, nay Trường ĐH Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã trở thành ngôi trường đa ngành, hiện đại trên khuôn viên 30ha. Trong 45 năm hình thành, phát triển, trường đã đào tạo hang vạn tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên… đưa về phát triển các buôn làng.

Hiện nay Trường ĐH Tây Nguyên có 9 khoa đào tạo 36 ngành trình độ ĐH, 8 ngành CĐ, 11 ngành liên thông từ CĐ lên ĐH chính quy và 18 ngành hệ vừa làm vừa học. Trường cũng đang đào tạo 14 ngành sau ĐH gồm: 2 ngành tiến sĩ, 10 ngành thạc sĩ, 1 bác sĩ chuyên khoa 1, 40 chuyên ngành liên kết đào tạo sau ĐH với các trường ĐH.

Đơn vị cũng thực hiện nhiều dự án hợp tác quốc tế, đang hợp tác với các Trường ĐH tại Nhật Bản, Đài Loan, Lào, Úc, Hà Lan, Hàn Quốc.

Học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tại Trường ĐH Tây Nguyên được tuyên dương - Ảnh: TÂM AN

Học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tại Trường ĐH Tây Nguyên được tuyên dương - Ảnh: TÂM AN

Mấy năm gần đây, trung bình 64-67% SV của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn, với thu nhập bình quân 5.307 triệu đồng/ tháng. Tỷ lệ sinh viên hài lòng với khóa học đạt 99,7%.

"Với những thành tích đã đạt được trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương, các bộ ngành đã tặng nhiều bằng khen để ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của đội ngũ ươm mầm tri thức của nhà trường", TS Trúc vui mừng.

Hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Tây Nguyên tăng đột biếnHồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Tây Nguyên tăng đột biến

TTO - Theo thống kê của Trường ĐH Tây Nguyên ngày 6-8, số lượng hồ sơ trong hai ngày qua đã tăng mạnh từ 760 lên 4.401 bộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên