22/01/2025 19:06 GMT+7

Trường đại học Ngoại thương công bố phương thức tuyển sinh đại học năm 2025

Năm 2025, Trường đại học Ngoại thương cơ bản giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2024 và chỉ điều chỉnh một số chi tiết nhỏ để phù hợp với quy chế tuyển sinh đại học năm 2025.

Trường đại học Ngoại thương công bố phương thức tuyển sinh đại học năm 2025 - Ảnh 1.

Sinh viên Trường đại học Ngoại thương tham gia học nhóm tại trụ sở chính - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Chiều 22-1, Trường đại học Ngoại thương (FTU) chính thức công bố các phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2025.

Trường đại học Ngoại thương xét học bạ 3 nhóm thí sinh

Năm nay, Trường đại học Ngoại thương dự kiến tuyển 4.140 chỉ tiêu bao gồm trụ sở chính Hà Nội, cơ sở II tại TP.HCM và cơ sở Quảng Ninh. Nhà trường giữ ổn định về phương thức tuyển sinh và các tổ hợp môn xét tuyển so với năm ngoái.

Năm nay, Trường đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức, gồm xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT; xét tuyển có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển sử dụng chứng chỉ đánh giá năng lực và quốc tế; xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT.

Phương thức 1 - xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT khi đáp ứng các điều kiện đảm bảo, nhà trường xét tuyển theo 3 nhóm:

Thứ nhất, nhóm thí sinh là học sinh tham gia/đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức (bao gồm các môn toán, tin học, vật lý, hóa học, ngữ văn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật).

Ở nhóm này, thí sinh phải đạt kết quả học tập và rèn luyện 6 kỳ đạt mức khá trở lên.

Thứ hai, nhóm thí sinh là học sinh hệ chuyên các môn toán, toán - tin, tin học, vật lý, hóa học, ngữ văn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.

Thứ ba, nhóm thí sinh là học sinh hệ không chuyên đạt giải (nhất, nhì, ba) trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12 (bao gồm các môn toán, tin học, vật lý, hóa học, ngữ văn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật).

Ngoại trừ xét tuyển thẳng và xét chứng chỉ năng lực quốc tế, các phương thức tuyển sinh còn lại đều yêu cầu thí sinh phải đạt điều kiện kết quả học tập và rèn luyện 6 học kỳ đạt mức khá trở lên.

Với nhóm 2, 3, thí sinh phải đạt điều kiện kết quả học tập 6 học kỳ đạt mức tốt và rèn luyện mức khá trở lên; có tổng điểm 3 môn thi tốt nghiệp đạt từ 24 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên)...

Phương thức 2 - xét tuyển có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhà trường cũng phân thành hai nhóm thí sinh.

Trong đó, nhóm thí sinh xét tuyển có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo các tổ hợp của nhà trường để tham gia xét tuyển phải đạt ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng. Mức điểm sàn này sẽ được trường công bố sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT.

Với nhóm thí sinh sử dụng kết hợp giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, yêu cầu tổng điểm 2 môn/bài thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong tổ hợp xét tuyển: toán - lý hoặc toán - hóa hoặc toán - văn đạt từ ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng của trường.

Riêng đối với các chương trình chất lượng cao ngôn ngữ thương mại chỉ xét tổ hợp có 2 môn toán và văn.

Đặc biệt về yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, đối với các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, thí sinh phải đạt IELTS (Academic) từ 6.5 trở lên, hoặc TOEFL iBT từ 79 trở lên (không chấp nhận TOEFL iBT Home Edition), hoặc có chứng chỉ Cambridge của Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge (Cambridge English Qualifications) đạt từ 180 điểm trở lên.

Đối với các chương trình chất lượng cao tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Pháp thương mại, yêu cầu thí sinh phải có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế HSK 4 từ mức điểm 280/300 điểm trở lên, JLPT N3 với mức điểm từ 130/180 điểm trở lên, bằng DELF B2 trở lên tương ứng.

Ở cả 2 nhóm này, thí sinh phải đạt kết quả học tập và rèn luyện 6 kỳ đạt mức khá trở lên.

Điều kiện xét tuyển khi sử dụng các chứng chỉ đánh giá năng lực

Phương thức 3 - xét tuyển sử dụng chứng chỉ đánh giá năng lực trong nước và quốc tế, trường chia thành 2 nhóm thí sinh:

Thứ nhất, nhóm thí sinh có chứng chỉ đánh giá năng lực trong nước như kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức trong năm 2025.

Điều kiện nộp hồ sơ, thí sinh phải có kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 100/150 điểm trở lên hoặc kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM đạt từ 850/1200 điểm trở lên.

Đối với bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà trường có lưu ý, trong phần 3 - khoa học, thí sinh bắt buộc chọn 2 lĩnh vực vật lý và hóa học để xét tuyển vào các chương trình tiêu chuẩn trừ các chương trình tiêu chuẩn ngôn ngữ thương mại; phần 3 - tiếng Anh để xét tuyển các chương trình tiêu chuẩn ngôn ngữ thương mại.

Ở nhóm này, thí sinh phải đạt kết quả học tập và rèn luyện 6 kỳ đạt mức khá trở lên.

Thứ hai, nhóm thí sinh có chứng chỉ năng lực quốc tế SAT/ACT/A-level kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Điều kiện nộp hồ sơ với thí sinh có chứng chỉ SAT từ 1380 điểm trở lên, hoặc chứng chỉ ACT từ 30 điểm trở lên, hoặc chứng chỉ A- Level với điểm môn toán (mathematics) đạt từ điểm A trở lên.

Đối với các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, yêu cầu thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS (Academic) từ 6.5 trở lên, hoặc TOEFL iBT từ 79 trở lên (không chấp nhận TOEFL iBT Home Edition), hoặc có chứng chỉ Cambridge của Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge (Cambridge English Qualifications) đạt từ 180 điểm trở lên.

Đối với các chương trình chất lượng cao tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Pháp thương mại, yêu cầu thí sinh phải có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế HSK 4 từ mức điểm 280/300 điểm và HSKK trung cấp từ mức 70 điểm trở lên, JLPT N3 với mức điểm từ 130/180 điểm trở lên, bằng DELF B2 trở lên tương ứng.

Trường đại học Ngoại thương công bố phương thức tuyển sinh đại học năm 2025 - Ảnh 2.Trường đại học Sư phạm Hà Nội mở 5 ngành mới, bỏ xét học bạ

Năm 2025, Trường đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến loại bỏ phương thức xét học bạ THPT và xét học bạ kết hợp điểm thi năng khiếu. Đặc biệt trường dự kiến mở chương trình mới liên quan đến lĩnh vực bán dẫn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên